Chủ tịch Vinamilk: "Về nhà tôi chỉ là nội trợ"

Thứ ba, 06/03/2012, 09:38
Gánh trọng trách phải đưa doanh nghiệp tăng trưởng kể cả lúc khó khăn, sức mua giảm, song bà Mai Kiều Liên,  một trong 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất Châu Á tự nhận mình chỉ là người phụ nữ bình thường khi trở về mái ấm gia đình.

- Là một trong 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất khu vực châu Á do Tạp chí Forbes bình chọn, cảm giác của bà như thế nào?

Tôi rất bất ngờ và chưa hề nghĩ có ngày sẽ được vinh danh trong danh sách những nữ doanh nhân quyền lực nhất Châu Á.

Cách đây vài ngày, Tạp chí Forbes có gửi mail đến công ty xin hình tôi cho một bài viết nào đó và bên đấy hoàn toàn không đề cập gì đến việc tôi nằm trong danh sách này.

Có gặng hỏi, họ cũng không tiết lộ gì thêm mà chỉ cam kết "không dùng hình ảnh của tôi cho mục đích xấu". Mãi đến giữa tuần, khi đang nói chuyện cùng con gái, ông xã gọi điện chúc mừng, tôi mới biết mình được bình chọn, sau khi đáp ứng các tiêu chí khắt khe về doanh thu, lợi nhuận, khả năng lãnh đạo, ý tưởng, năng lực, tính nhân văn...

 

Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần sữa Việt Nam - Mai Kiều Liên.


- Giải thưởng này mang lại cho bà những thuận lợi và áp lực gì?

Thuận lợi lớn nhất là nhiều người biết đến Vinamilk. Tuy nhiên, càng vươn ra biển lớn, cạnh tranh càng cao thì bạn trở thành tâm điểm được nhiều người mang ra cân đong đo đếm và có nhiều đối thủ đáng gờm hơn. Sân chơi lớn tạo cho bạn nhiều cơ hội để thỏa sức phát huy sở trường nhưng bản thân doanh nghiệp phải có "sức khỏe" tốt, thực lực mạnh.

Nếu nói về áp lực thì lúc nào cũng có. Việc đạt giải thưởng hay không cũng không làm vơi bớt những thách thức mà các doanh nghiệp Việt đã và đang gặp phải.
 

- Vậy theo bà, đâu là khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp hứng chịu trong năm nay?

- Năm ngoái, sức mua chung của thị trường giảm mạnh hơn cả dự đoán nhưng đối với Vinamilk thì doanh thu vẫn tăng 37%, lợi nhuận tăng 28%.

Tuy nhiên, không vì thế mà chúng tôi chủ quan, chiến lược kinh doanh năm nay vẫn sẽ rất thận trọng, sẵn sàng đối phó với tất cả các tình huống khó khăn nhất có thể xảy ra.

Hai tháng đầu năm 2012, do các đại lý tập trung bán những mặt hàng Tết, không ưu tiên cho sữa. Ngoài ra, miền Trung, miền Bắc trở lạnh, giá nhiều hàng hóa nhích lên nên đã ảnh hưởng trực tiếp đến ngành hàng tiêu dùng nhanh.

Thông thường, sức mua tăng từ tháng 3 trở đi, chúng tôi sẽ nhanh chóng nắm bắt lại tình hình và có phương án giải quyết cấp thời nếu kinh doanh vẫn gặp khó khăn.

Hiện nay, bên cạnh việc phát triển thị trường nội địa, công ty sẽ quan tâm đến xuất khẩu nhiều hơn. Năm ngoái, xuất khẩu chiếm khoảng 14% trong tổng doanh thu, xuất khẩu năm nay có thể lên 15%. Các phương án phòng rủi ro, thậm chí trong trường hợp xấu nhất cũng luôn được chúng tôi tính đến. Tiết kiệm chi phí hơn nữa cũng là một trong những mục tiêu cần phải đạt.

Còn khả năng sáng sủa nhất là nếu lạm phát giảm, lãi suất cho vay hạ, doanh nghiệp dễ thở hơn trong đường hướng kinh doanh và sức mua sẽ khởi sắc theo.
 

Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan (thứ hai, bên phải) cùng Tổng giám đốc Công ty CP
sữa Việt Nam Mai Kiều Liên tặng sữa cho trẻ em nghèo tại Lý Sơn, Quảng Ngãi.


- Trong những lúc khó khăn, bí quyết nào giúp bà đối mặt và vượt qua?

Cái khó nhất và cũng là yếu tố quyết định thành công của ngành hàng này là ở sự sáng tạo, không theo lối mòn hay chạy theo xu hướng đám đông, thậm chí có lúc cần đi ngược xu thế. Những sáng tạo không ngừng của Steve Jobs ở Apple là minh chứng rõ nhất cho tầm quan trọng của những ý tưởng mới.

Trong vài tháng tới, công ty sẽ ra mắt dòng sản phẩm mới, cao cấp hơn nhưng giá bình dân, để đáp ứng nhiều hơn nhu cầu tiêu dùng của những người thu nhập thấp.

Đây cũng là một trong những giải pháp gia tăng doanh thu trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Song, bài toán chi phí để ra sản phẩm này không hề đơn giản.

 

- Làm thế nào để một nữ doanh nhân nổi tiếng như bà hoàn thành tốt nhiệm vụ một người vợ, người mẹ trong gia đình?

Ở công ty, tôi được coi là người quyền lực nhất, nhưng ở nhà, tôi chỉ là một người phụ nữ bình thường. Phụ nữ có cái lợi là không phải tham gia nhậu nhẹt (cười) nên sau 8h làm việc là về nhà, chăm sóc bữa ăn cho gia đình, chăm lo con cái, quán xuyến nhà cửa.

Điều quan trọng là biết cách sắp xếp thời gian, giờ nào việc nấy. Bỏ lại hết mọi căng thẳng, áp lực công việc, về đến nhà, tôi trở về với thiên chức làm vợ, làm mẹ.
 

- Theo bà, phụ nữ làm lãnh đạo có những thuận lợi, khó khăn gì?

- Đó là sự tỉ mỉ, chi tiết, nhạy cảm, sâu sát trong từng vấn đề. Tôi quan niệm không có gì không thể làm được. Vinamilk ban đầu là một doanh nghiệp tư bản về thời gian. Công việc chuyên môn rảnh rỗi, mọi người phải mua bột nếp làm bánh in tạo việc làm cho công nhân, bán kem ngoài công viên làm quỹ công đoàn... Công nhân phải làm ruộng, thủy lợi, chăn nuôi để có thêm thu nhập.

Còn giờ đây, tài chính dồi dào, nhân lực sẵn có nên không có chuyện không làm được. Dĩ nhiên, mỗi thời điểm có cái khó khác nhau nhưng nếu đồng tâm hợp lực, biết cách khơi dậy sức sáng tạo của mỗi người sẽ vượt mọi trở ngại. Điều này, lãnh đạo nữ sẽ có ưu thế hơn.

Tuy nhiên, để dồn hết tâm trí cho công việc, người phụ nữ cần sự động viên, quan tâm của gia đình. Tôi và ông xã mỗi người một công việc nhưng khi về nhà, chúng tôi cùng chia sẻ mọi công việc gia đình, tôi vào bếp, còn ông xã vui vẻ quét dọn nhà cửa trong tiếng cười nói rôm rả, ấm cúng của không khí sum họp.
 

Doanh thu cả năm 2011 của Vinamilk đạt hơn 1 tỷ đôla Mỹ (22.279 tỷ đồng), tăng 37% so cùng kỳ, nộp ngân sách nhà nước đạt 2.400 tỷ đồng, tăng 38%.


Theo VnExpress

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích