Phải một thời gian khá lâu thị trường mới chứng kiến một phiên bùng nổ trên cả hai sàn khi VN-Index tăng tổng cộng 17,95 điểm (4,08%) lên 457,55 điểm; HNX-Index tăng 4,06 điểm (5,66%) lên 75,78 điểm. 70% số CP trên cả hai sàn tăng hết biên độ. Bảng điện tử lệch hẳn khi bên bán trống trơn.
|
Giá trị giao dịch cả ngày không cao hơn là bao so với giá trị giao dịch buổi sáng |
Từ nôn nóng tới thất vọng
Lâu lắm rồi thị trường mới rơi vào tình trạng mất thanh khoản trên diện rộng vì bên bán quyết giữ hàng. Tại thời điểm đóng cửa phiên sáng, bảng điện tử trống trơn lệnh bán trong khi dư mua giá trần vẫn chất đống.
VN-Index đóng cửa phiên buổi sáng tạm đứng ở mức 458,05 điểm sau khi tăng 18,45 điểm (4,2%). Cổ phiếu (CP) ngân hàng vẫn là địa điểm đầu tiên dòng tiền tìm đến. HBB tiếp tục là tâm điểm với trên 10 triệu dư mua trần chỉ sau vài phút đầu tiên. Sau đó vài phút, giao dịch tại CP này vọt mạnh lên tới 20 triệu đơn vị. Nối tiếp là hàng loạt mã thuộc nhóm ngân hàng như MBB, EIB; sau đó là STB, VCB, CTG, ACB... Phiên hôm nay cũng ghi nhận hàng loạt CP thuộc nhóm ngành “nóng” cũng tăng trần hàng loạt với lực mua mạnh tại giá trần: SSI, VND, BVS, HMC, KLS...
|
Lệnh bán cả 2 sàn gần như vẫn trống trơn dù thời gian giao dịch |
CTCK Quốc Tế ghi nhận tình trạng NĐT không ngừng đặt lệnh mua với số lượng và mức giá khá tốt. Lệnh cung đẩy ra bao nhiêu cũng được lệnh cầu quét sạch. Thị trường “sốt sình sịch” như cách so sánh của nhiều NĐT. Các CP tăng điểm khiến NĐT phấn khích nhưng chính sự mất thanh khoản tích cực lại khiến tâm lý NĐT chuyển sang thất vọng khi liên tục bám đuổi giá mà không mua được hàng. Điều này đẩy NĐT vào tình cảnh “vơ bèo gạt tép” chuyển sang mua cả những mã mà lâu nay bị “hắt hủi” khiến gần như toàn bộ số CP trên sàn tăng giá với mức tăng hết biên độ cho phép.
Sang phiên giao dịch buổi chiều, nhiều NĐT kỳ vọng sẽ vớt vát được đôi chút và kiên trì chờ đợi. Tuy nhiên, do lệnh bán thưa thớt nên dù được kéo dài thời gian giao dịch hơn 1 tiếng cũng không có ý nghĩa khi thanh khoản vẫn trong tình trạng đóng băng khi bên bán quyết giữ hàng. Đến cuối phiên, lượng cung tăng lên đôi chút nhưng hầu hết các mã vẫn chốt phiên ở tình trạng ứ đọng lệnh mua. Sàn TPHCM đóng cửa với 249 mã kịch trần và 39 mã tăng giá.
Sàn Hà Nội có 310 mã kịch trần và 44 mã tăng giá. Tổng giá trị khớp lệnh của sàn TPHCM lúc kết thúc phiên đạt gần 1.981,7 tỉ đồng. Như vậy giá trị tăng thêm chỉ là 83,6 tỉ đồng. Trên sàn Hà Nội, mức tăng thêm chỉ 8,3 tỉ đồng. Thanh khoản toàn thị trường đạt 103,33 triệu đơn vị. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 37,79 triệu đơn vị. Thanh khoản khớp lệnh phiên này giảm hơn 11% về giá trị và 33% về khối lượng do hàng bị găm lại. Nếu lượng bán tăng lên, có lẽ phiên giao dịch này sẽ thực sự bùng nổ về khối lượng và giá trị chuyển nhượng.
Hưng phấn thái quá
Sự hưng phấn của phiên giao dịch ngày 5.3 được cho là bắt nguồn từ các thông tin vĩ mô khá tích cực như: Lãi suất trúng thầu trái phiếu có dấu hiệu giảm xuống bền vững, Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị 08 nhằm thúc đẩy và tăng cường quản lý trên thị trường chứng khoán.
Nói về tác động của việc kéo dài thời gian giao dịch sang buổi chiều, theo một chuyên gia của Cty chứng khoán VNDirect thì gần như không có mấy ý nghĩa. Nếu chờ đợi tăng thêm thanh khoản thì trong hơn một tiếng buổi chiều cũng khó có thể đảo được tình thế. Nhiều NĐT chờ đợi về rút ngắn thời gian thanh toán T+3 khi kéo dài sang buổi chiều, nhưng chuyên gia này cho rằng điều này là không thể bởi thời gian kéo dài giao dịch chỉ đến 2h15.
Trong khi đó, theo thời gian thanh toán T+3 thì phải tới 15h hàng mới về tới tài khoản. “Nên chắc chắn là không kịp bán nếu trông chờ vào thời gian buổi chiều” - anh này khẳng định.
Một điều được các chuyên gia chứng khoán đề cập tới sau phiên giao dịch 5.3 là tình trạng hưng phấn thái quá của thị trường. Theo các chuyên gia của Cty chứng khoán Thăng Long, việc gần như tất cả các mã CP trên cả hai sàn giao dịch đều tăng điểm rất mạnh, trong đó có đến hơn 480 mã tăng trần, bất chấp kết quả kinh doanh và triển vọng lợi nhuận cho thấy có thể thấy dòng tiền mới chảy vào thị trường vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Tuy nhiên, dòng tiền này đã tỏ ra hưng phấn thái quá khi chảy vào nhiều mã CP yếu kém khiến mức độ rủi ro trên thị trường tăng cao. Nhiều CP có khả năng bị hủy niêm yết hoặc kết quả kinh doanh rất yếu kém vẫn tăng điểm rất mạnh như VPH, S96, SCR, VKP,ORS CAD, BAS... cho thấy sự hưng phấn đã lấn át hoàn toàn sự thận trọng.
Các chuyên gia của Cty chứng khoán APEC cũng cho rằng, phiên này rõ ràng là một động thái tích cực của thị trường, nhưng cái gì quá cũng không tốt khi các CP đều tăng điểm bất chấp yếu tố cơ bản ra sao, khi NĐT lao vào đua trần bất chấp khuyến nghị “thận trọng” từ Cty chứng khoán thì là lúc chúng ta cần cảnh giác. Các tín hiệu tích cực về mặt vĩ mô cũng chưa rõ ràng để khẳng định về sự đảo chiều dài hạn của thị trường. “Chúng tôi vẫn cho rằng các NĐT nên thận trọng và chốt lời trong một vài phiên giao dịch sắp tới nhằm bảo toàn lợi nhuận ngắn hạn” - các chuyên gia của Thăng Long khuyến cáo.
Theo Laodong