Găm hàng chờ xăng tăng giá

Thứ ba, 06/03/2012, 09:00
Trong khi cơ quan chức năng chưa có bất cứ tuyên bố nào về khả năng tăng giá xăng dầu thì trên thị trường đã diễn ra tình trạng một số cây xăng đóng cửa hoặc giảm giờ bán hàng.

 

 

Các cây xăng ở TPHCM vẫn hoạt động bình thường do TP đang duy trì 2 đoàn kiểm tra.


Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 2 của Bộ Công Thương diễn ra ngày 5-3, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, xác nhận đã có tình trạng nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu tự động ngừng bán hàng.


Ảnh hưởng đời sống người dân

Theo ông Quyền, một số cửa hàng khác thì nộp đơn đến Sở Công Thương xin phép được tạm thời đóng cửa hoặc giảm thời gian bán vì doanh nghiệp (DN) chiết khấu hoa hồng cho đại lý quá thấp. Hiện tượng này đã diễn ra ở nhiều địa phương như Hà Nội, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Đắk Nông, Đắk Lắk.

Đáng lưu ý, các tỉnh Tây Nguyên đang vào thời điểm tưới cà phê nhưng người dân khó mua xăng dầu để chạy máy bơm nước. “Nếu tình trạng này kéo dài và diễn ra trên diện rộng có thể sẽ ảnh hưởng lớn đến sản lượng cà phê năm nay và đời sống người dân” - ông Quyền cảnh báo.

Tháng 3 năm ngoái, thị trường xăng dầu cũng diễn ra cảnh tương tự. Hàng loạt cây xăng đóng cửa, kể cả trong nội thành Hà Nội và TPHCM. Có đến 5 trong tổng số 12 DN đầu mối không nhập khẩu xăng dầu đủ hạn mức. Nguyên nhân vì không được tăng giá bán lẻ, DN giảm nhập khẩu để giảm lỗ và đại lý giảm sản lượng do không có hoa hồng.

“Kịch bản đóng cửa, găm hàng hàng loạt như năm ngoái khó lặp lại. Chúng tôi vẫn giám sát và yêu cầu DN báo cáo tiến độ nhập khẩu theo đúng định mức để bảo đảm lưu thông 30 ngày” - ông Quyền cho biết. Tuy nhiên, ông Quyền cũng thừa nhận giải pháp cho thị trường xăng dầu lúc này phải là ở cơ chế giá, sao cho theo nguyên tắc giá thị trường nhưng vẫn phải bảo đảm bình ổn, không gây tác động lớn đến xã hội.

Không trả lời thẳng vào câu hỏi có tăng giá xăng dầu hay không, ông Quyền chỉ cho biết việc điều hành giá xăng dầu do Bộ Tài chính quyết định, Bộ Công Thương sẽ có đề xuất phù hợp vì tình trạng này kéo dài sẽ gây khó khăn.


Nguy cơ đứt nguồn cung

Tính đến ngày 2-3, giá xăng dầu thành phẩm giao dịch tại Singapore - thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam - tiếp tục nhích lên so với trước đó. Cụ thể, giá xăng A92 lên đến 134,33  USD/thùng, dầu hỏa 135,24 USD/thùng, dầu DO 0,05 cũng tăng lên 136,75 USD/thùng.

Ông Vương Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), cho biết hiện nay, giá cơ sở (tính bình quân 30 ngày) đã cao hơn giá bán lẻ hiện hành 2.200 đồng/lít xăng và cao hơn 1.700 đồng/lít dầu.

Còn theo tính toán từ Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TPHCM (Saigon Petro), mỗi lít xăng lỗ 2.200 đồng và dầu DO lỗ 1.500 đồng. Nếu trích quỹ bình ổn 1.400 đồng đối với xăng và 1.200 đồng/lít đối với dầu theo quy định thì mỗi lít xăng vẫn còn lỗ 1.200 đồng và dầu lỗ 400 đồng.

Một vị lãnh đạo của Saigon Petro cho biết nếu tính giá bình quân 10 ngày thì mỗi lít xăng hiện nay đã có mức lỗ lên đến 2.500 đồng, dầu lỗ 1.800 đồng (chưa tính trích quỹ bình ổn vì hiện nay cũng không còn quỹ để trích). Các DN đầu mối nhập khẩu xăng dầu cho biết từ cuối tháng 2, họ đã không còn quỹ bình ổn hiện nay phải trích quỹ âm, tức “treo” mức lỗ này để Nhà nước bù sau.

Hiện nay, dư địa của các công cụ điều hành giá xăng đã gần hết giới hạn. Thuế nhập khẩu xăng đã lùi về 0%, thuế nhập khẩu dầu chỉ còn 3%, quỹ bình ổn giá ở một số DN đã âm. Khả năng dùng một phần thuế của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất bù đắp sang quỹ bình ổn cũng khó thành hiện thực vì phải được Quốc hội thông qua.

Do đó, giải pháp duy nhất lúc này là giá và trong thực tế, hoạt động đầu cơ, găm hàng đang diễn ra để đón đầu tăng giá. Nếu để hiện tượng này diễn ra trên diện rộng và kéo dài thì thị trường có khả năng rơi vào tình trạng nguy hiểm là đứt nguồn cung như đã diễn ra vào tháng 3 năm ngoái.

 

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn