Nỗi lo bị thôn tính

Thứ tư, 14/12/2011, 00:00
Nhiều doanh nghiệp (DN) nhìn xu hướng mua bán, sáp nhập (M&A) được cho là đang bùng nổ ở Việt Nam với con mắt dè chừng, thay vì coi đây là cơ hội để kinh doanh.

Giấy Sài Gòn phải mất 3-5 năm để tái cấu trúc trước khi bán cổ phần cho đối tác Nhật.

 

Lo bị thôn tính

Tại buổi tọa đàm mới đây về M&A trong lĩnh vực tiêu dùng, chủ một DN hàng tiêu dùng lo lắng: “Là chủ của một DN mới thành lập, nhưng nhìn thấy một số DN đi trước như Giấy Sài Gòn, Diana, Xmen… đều bán thương hiệu của mình, tôi rất buồn. Tôi nghĩ rằng, để thành lập một DN cực kỳ khó khăn, nhưng bán đi lại rất đơn giản”.

Nỗi niềm của DN mới thành lập trên cũng là trăn trở của nhiều DN Việt Nam. Ông Đoàn Trọng Lý, Giám đốc Công ty Thức ăn chăn nuôi AProcimex, người đã có thâm niên hàng chục năm công tác trong lĩnh vực này cho hay, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài “nhòm ngó” công ty của ông, nhưng ông nhất định không bán với cái tâm xây dựng nên những DN Việt.

“Có người khuyên tôi rằng, lớn tuổi rồi, bán DN đi cho nhàn. Nhưng tôi nghĩ rằng, nếu xây dựng DN chỉ để bán, lui từ vị trí người làm chủ trở thành người làm thuê, thì không nên xây dựng DN làm gì. Tôi rất đau lòng khi biết, trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi, DN ngoại chiếm tới 75% và hoàn toàn quyết định giá cả trên thị trường, mọi thiệt thòi người tiêu dùng Việt Nam phải gánh chịu”, ông Lý nói.

Giống hai DN trên, nhiều DN trong nước đang có cái nhìn khá tiêu cực với việc bán cổ phần cho các đối tác nước ngoài, coi đây là dấu hiệu bị thôn tính. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh kinh tế đầy biến động như hiện nay, các DN gặp rất nhiều rủi ro, vì vậy, cần khôn ngoan tìm các cơ may sống sót cho mình trước khi bị tiêu diệt.

Phải đổi mới tư duy

Ông Cao Tiến Vị, Chủ tịch Công ty cổ phần Giấy Sài Gòn (SGP - DN vừa vừa bán 38% cổ phần cho 2 đối tác Nhật Bản) cho rằng, bán cổ phần cho các đối tác là việc không một ông chủ nào muốn, nhưng bắt buộc phải làm, nếu muốn đưa DN của mình vượt qua khó khăn và để lớn mạnh hơn. Việc bảo thủ theo lối cũ có thể khiến DN phá sản.

Về lý do để thực hiện M&A, theo ông Vị, DN phải dựa trên rất nhiều cân nhắc. Một DN phải xác định được rằng, tồn tại là trên hết, nếu chỉ vì giữ 100% vốn mà DN sau đó bị phá sản thì điều này cũng không còn ý nghĩa. Sau nữa, DN phải cân nhắc giữa việc muốn giữ 100% vốn ở một DN nhỏ hay 30% vốn ở một DN có giá trị lớn hơn gấp nhiều lần, muốn DN chỉ phát triển 10 năm hay cả trăm năm, muốn sản phẩm của mình chỉ chiếm lĩnh một phân khúc thị trường hay đứng đầu cả nước…

“Dĩ nhiên, với việc phần vốn của mình giảm từ 100% xuống 30-40%, chủ DN không thể tự quyết mọi vấn đề như trước, mà phải qua bàn thảo của cả hệ thống quản lý. Tuy nhiên, cái gì cũng có giá của nó. Nếu không chấp nhận hy sinh thì làm sao Việt Nam có nhà máy giấy hiện đại ngang tầm khu vực? Đó là cái giá mà chúng tôi phải chấp nhận”, ông Vị phân tích.

Tuy nhiên, việc bán DN cũng không phải dễ. Ông Vị cho biết, để bán được 38% cổ phần cho các đối tác Nhật Bản với giá cao, SGP đã mất 3-5 năm để cấu trúc lại công ty, tổ chức lại sản xuất, thị trường, quản trị theo hướng minh bạch hơn…

Được biết, hai đối tác Nhật mua cổ phần của SGP là Công ty Daio Paper Corporation (Daio) và Quỹ Đầu tư BridgeHead (thuộc Ngân hàng Phát triển Nhật Bản). Daio là công ty giấy lớn thứ ba của Nhật bản và thứ 21 thế giới với doanh thu hàng năm khoảng 5 tỷ USD.

Ông Đỗ Anh Tú, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Diana (DN vừa bán 95% cổ phần cho Unicharm của Nhật Bản) cho rằng, nhiều người nhìn nhận không thỏa đáng về việc các công ty Việt Nam sáp nhập với công ty quốc tế nào đó. Một trong những lý do khiến ông quyết định bán DN đang làm ăn rất tốt của mình là để DN này vươn lên tầm quốc tế, trở thành nhãn hiệu toàn cầu.

Theo đại diện Tập đoàn VinaCapital, các DN nên cân nhắc bán công ty của mình trong một số trường hợp như: không đủ tầm và nguồn lực để đưa DN phát triển hơn nữa, nợ quá nhiều, không còn tâm huyết…


Theo Vinacorp.

Các tin cũ hơn