Điểm nóng Công nghiệp Việt Nam đang đi khập khiễng

Thứ tư, 14/12/2011, 05:34
Công nghiệp Việt Nam đang đi khập khiễng và phụ thuộc bên ngoài. Nếu không chú trọng vào công nghệ cao mà dựa mãi vào tài nguyên, nhân công rẻ, Việt Nam sẽ khó cạnh tranh.

Báo cáo cạnh tranh công nghiệp Việt Nam 2011 do Bộ Công Thương phối hợp với Tổ chức phát triển công nghiệp Liên Hiệp quốc (Unido)  công bố hôm 13/12 đã cho hay, Việt Nam là quốc gia tiến bộ nhanh nhất thế giới về hiệu suất công nghiệp. Song, so sánh ngay trong ASEAN, Việt Nam hãy còn tụt hậu so với nhiều nước.

Được tiếng khen

Sự tiến bộ của Việt Nam chỉ là nằm ở thứ hạng trong bảng xếp hạng của UNIDO về hiệu suất công nghiệp toàn cầu. Ông Manuel Albaladejo, chuyên gia nghiên cứu công nghiệp của UNIDO, Giám đốc Dự án nâng cao năng lực cạnh tranh công nghiệp Việt Nam cho biết, chỉ trong 4 năm kể từ năm 2005 đến 2009, Việt Nam đã tăng 15 bậc trong bảng xếp hạng hiệu suất công nghiệp toàn cầu (theo chỉ số của Unido), từ 73 lên thứ hạng 58.

Đồng thời, hiệu suất của các hoạt động sản xuất chế tạo giá trị gia tăng được đánh giá là khá ấn tượng. Trong 9 năm kể từ năm 2000-2009, chỉ số này của Việt Nam đã tăng vọt từ 5,8 tỷ USD lên 15,4 tỷ USD, tỷ lệ thuận với tỷ lệ tăng trưởng kinh tế nói chung.

Tăng trưởng xuất khẩu của các mặt hàng sản xuất chế tạo của Việt Nam còn được báo cáo này đánh giá là làm "lu mờ" sự tăng trưởng của Trung Quốc trong thập kỷ qua.
 



Công nghiệp Việt  Nam có tiến bộ về hiệu suất trong bảng xếp hạng toàn cầu

Chưa hết, Việt Nam còn được xếp hạng đứng thứ 3 trong khu vực về mức độ đa dạng hóa thị trường xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp này, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Các sản phẩm chế tạo của Việt Nam có mặt ở Bắc Mỹ, EU và Đông Á. Nhờ đó, xuất khẩu của Việt Nam ở nhóm này vẫn trụ được khi  một số thị trường bên ngoài sụt giảm nhu cầu hoặc xuất hiện đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ.

Nói về sự kết nối giữa công nghiệp và thương mại, ông Manuel Albaladejo, khẳng định, Việt Nam còn là nước duy nhất không bị ảnh hưởng nhiều bởi khủng hoảng tài chính khi đã tăng 20% về xuất khẩu các sản phẩm chế tạo.  Đồng thời, Việt Nam còn được ghi nhận là trung tâm sản xuất các sản phẩm chế tạo, tính theo đầu người chỉ đứng sau Trung Quốc.

Khập khiễng và phụ thuộc

Tuy nhiên, với chuyên gia Patrick Gilabert, báo cáo cạnh tranh công nghiệp Việt Nam cho thấy những  tin chưa tốt lắm. Hiện, Việt Nam hay còn dựa quá nhiều vào ngành công nghệ thấp, vào ưu thế có nhân công lương thấp, dùng nhiều lao động.

Trong 10 năm qua, số lượng sản phẩm của nhóm ngành này trong xuất khẩu chiếm tới 70% trong khi đó, số lượng sản phẩm ngành công nghệ cao đóng góp cho xuất khẩu chỉ chiếm có 10%. Với nền tảng này, công nghiệp Việt Nam sẽ gặp khó khi phải cạnh tranh quốc tế. Các doanh nghiệp FDI có thể rút khỏi Việt Nam khi họ tìm được nơi có lương và giá thành thấp hơn.

Bên cạnh đó, đa phần các sản phẩm công nghiệp chế tạo lại phụ thuộc nguyên vật liệu từ Trung Quốc khiến cho Việt Nam nhập siêu lớn.

Trong nhiều năm, Việt Nam chưa có sự chuyển dịch đáng kể về công nghệ cao. Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ông Lê Hữu Phúc, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Công Thương thẳng thắn: "Khi nhìn  vào các ngành, khả năng cạnh tranh của Việt Nam so với ASEAN vẫn bị tụt hậu".

"Chẳng hạn, khi sản xuất sản phẩm động cơ diêzn, thời năm 1995, chúng ta mơ sản xuất 2.000 động cơ/năm nhưng giờ, chúng ta sản xuất được 40.000 sản phẩm/năm, tăng rất cao. Song  nhìn vào giá trị gia tăng trên mỗi sản phẩm lại thấy rất thấp, có khi các nhà sản xuất lại nhập chủ yếu là từ Trung Quốc", ông Phúc nói.

Nguyên Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào bày tỏ: "Nhìn vào hàm lượng công nghệ như vậy, rõ ràng, ngành công nghiệp Việt Nam vẫn đang đi khập khiếng.  Nếu chính sách phát triển công nghiệp cứ dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên thì không thể có bước phát triển nhảy vọt được".
 



Việt  Nam cần chú trọng công nghệ cao

Chính vì nhược điểm đó, trong bảng xếp hạng về hiệu suất công nghiệp, Việt Nam vẫn đứng sau nhiều nước trong khu vực như sau Indonesia 15 bậc, sau Philippines 25 bậc, sau Thái Lan, Malaysia... Trong nhiều năm, Việt Nam chưa có sự chuyển dịch đáng kể về công nghệ cao.

Ưu tiên công nghệ cao để tăng tốc

Bức tranh về công nghiệp hóa ở Việt Nam đang gợi lên một lo ngại lớn rằng, càng phát triển công nghiệp, Việt Nam sẽ càng phụ thuộc nhập khẩu nguyên liệu từ bên ngoài, chủ yếu là Trung Quốc. Bước phát triển khập khiễng đó sẽ càng khiến Việt Nam không thể "cựa mình" tiến tới trong cạnh tranh toàn cầu.

Công nghệ cao và tái cơ cấu ngành công nghiệp nói chung được coi là chìa khóa để thúc đẩy phát triển công nghiệp của Việt Nam.

Ông Đỗ Hưu Hào cho rằng, việc đầu tiên là chúng ta cần phải tái cấu trúc ngành công nghiệp theo hướng, đưa công nghệ trực tiếp đi vào thành công cụ sản xuất, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn. Như thế, cũng sẽ giúp cho nền công nghiệp Việt Nam bớt phụ thuộc vào việc nhập khẩu bên ngoài.

"Từ nay tới năm 2020, nếu không thay đổi cơ cấu ngành hàng công nghiệp, nếu không đưa công nghệ cao vào thì các Bộ trưởng bây giờ và các bộ trưởng tương lai sẽ còn phải trả lời Quốc hội nhiền nữa về nhập siêu", Ông Đỗ Hữu Hào cảnh báo.

Các chuyên gia quốc tế còn mạnh mẽ khuyến nghị Việt Nam nên chú trọng mục tiêu xuất khẩu sang Trung Quốc, thậm chí có thể đột phát bằng việc chuyển công đoạn lắp ráp sang nước láng giềng này.

Ông Jonathan Pincus gọi đây là trò chơi của các nước châu Á giải quyết nhu cầu cấp bách là giảm nhập siêu từ Trung Quốc. Ông nói: "Điều này có nghĩa là Việt Nam phải thu hút được các công ty nước ngoài sản xuất các linh kiện với mục tiêu xuất khẩu sang chính Trung Quốc và lắp ráp ở đó".

Theo báo cáo cạnh tranh công nghiệp, Việt Nam có 44 quy hoạch công nghiệp tổng thể, 7 chiến lược cụ thể cho phát triển ngành. Theo một nghiên cứu khác, từ năm 1995, Việt Nam đã hoạch định tới 80 chiến lược và quy hoạch, kế hoạch phát triển cho nhiều ngành công nghiệp độc lập. Do đó Việt Nam không hề thiếu chính sách phát triển công nghiệp nhưng lại thiếu một kế hoạch thực hiện hiệu quả kết hợp hài hòa các chính sách này với nhu cầu công nghiệp".

Nói cách khác, Việt Nam sẽ phải cải cách thể chế phát triển công nghiệp. Cụ thể như chính sách FDI của Việt Nam, chính sách công nghệ cao, nguồn nhân lực, cơ cấu xuất nhập khẩu...  cần phải tập trung cụ thể vào mục tiêu trên.


 

Theo VEF


 

Các tin cũ hơn