Phân bón lậu bành trướng thị trường

Thứ tư, 14/12/2011, 03:43
Theo một số nhà nhập khẩu phân đạm, phần lớn lượng phân bón đang tiêu thụ trên thị trường chủ yếu nhập lậu từ Trung Quốc.
Trong lúc tình trạng phân bón giả, kém chất lượng chưa được giải quyết, việc nhập lậu tràn lan sản phẩm này đang “hành hạ” các doanh nghiệp (DN) trong nước.

Hàng thật chật vật tồn tại

Ông Phạm Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần vật tư kỹ thuật nông nghiệp Cần Thơ (TSC), bức xúc, hơn 27.000 tấn Kali DN này nhập từ tháng 9 đến nay chưa bán được, trong khi phải thanh toán trên 14 tỉ thuế VAT. Nguyên nhân do không cạnh tranh được với những loại phân đạm nhập lậu từ Trung Quốc.

Theo ông Lê Quốc Phong, Phó chủ tịch Hiệp hội phân bón Việt Nam (FAV), hiện phân bón từ phía Bắc đưa vào thị trường phía Nam tiêu thụ với số lượng lớn nhưng rất khó quản lý. Các chủ hàng chủ yếu vận chuyển bằng đường biển, về đến cửa các nhánh sông tại ĐBSCL rồi xé nhỏ sang ghe và chở đi bán khắp nơi. Tính toán của ông Phong, mỗi ngày tại khu vực miền Tây tiêu thụ 1.000 - 3.000 tấn phân bón các loại (Urê, DAP, Kali) từ nguồn hàng này. Nguồn phân bón nhập lậu thường có giá thấp hơn 1 – 2 triệu đồng/tấn, nên hầu hết nông dân chuyển qua sử dụng phân lậu. Đây cũng là lý do khiến giá phân bón trong nước đang giảm tới 20% so với tháng 9. Chất lượng phân lậu thì không được kiểm chứng nhưng hậu quả là DN làm ăn đàng hoàng lỗ nặng. Nhiều DN hiện không dám nhập khẩu phân bón, dù cao điểm tiêu thụ mặt hàng này đang tới gần.

 


Hành vi làm phân bón giả ngày càng tinh vi.

Báo cáo của FAV, nguồn phân bón trong nước hiện vẫn dồi dào, nhưng hiệp hội này cảnh báo, một khi nguồn phân lậu bị đứt thì thị trường sẽ thiếu hụt, dẫn đến giá sẽ tăng cao. Vì nguồn phân bón của các DN đang dự trữ cũng như đang sản xuất chỉ đáp ứng được 60% vụ đông xuân tới.

“Ma trận” phân bón giả

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính, cho biết thị trường phân bón hiện nay quá nhiều bất ổn. Giá từ DN giao xuống đại lý chỉ chênh lệch vài trăm đồng/kg, nhưng khi đại lý bán đến tay nông dân thì mức chênh này lên đến hàng ngàn đồng/kg, do có nhiều tầng nấc trung gian. Rồi tình trạng độc quyền, đầu cơ, găm hàng làm tăng giá... Chưa kể đến phân giả, phân nhái không thể kiếm soát…

Theo ông Võ Văn Quyền, Cục phó Cục Quản lý thị trường, hành vi làm phân bón giả ngày càng tinh vi. Từ đầu năm đến nay có trên 300 vụ liên quan đến chất lượng, giả nhãn hiệu bị xử lý. Nếu trước đây các cơ sở này sử dụng công nghệ chủ yếu là trộn đất, xỉ than… làm phân lân, giờ “mở rộng” sang sản xuất thêm Kali bằng cách nghiền gạch, ngói non trộn muối, phẩm màu… Trắng trợn hơn, lợi dụng hạn hán, thiếu nước ở Tây Nguyên, một số người đã lấy nước đóng thùng 5 lít cho vào một ít urê bán cho nông dân và quảng cáo là urê nước (giá bán 50.000 đồng/bình). Nhiều thương hiệu lớn trong nước như  Năm Sao, Công ty CP XNK Hà Anh, Công ty CP Vật tư Nông sản, Công ty CP Vật tư Kỹ thuật Cần Thơ, Công ty XNK Vinacam… bị nhái cả nhãn mác, bao bì.

Để qua mặt các cơ quan quản lý thị trường, nhiều cơ sở còn tổ chức làm hàng giả trên xe tải 20 tấn. Nguyên nhân là do mức xử phát hiện nay quá thấp, chỉ  40 triệu - 50 triệu/hành vi, nên không đủ sức răn đe. Đáng nói, đã có quy định xử lý hình sự với việc làm giả phân bón, nhưng lại không nói rõ vi phạm mức độ bao nhiêu thì xử lý, khiến các vụ làm phân bón giả, kém chất lượng bị phanh phui với số lượng lớn nhưng chỉ xử lý hành chính.


Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn