Lãi suất giảm, người gửi tiền mất vui

Thứ tư, 10/09/2014, 07:36
Mặc dù không hài lòng với việc các ngân hàng tiếp tục cắt giảm lãi suất huy động trong tháng 8, nhưng dòng tiền vẫn tiếp tục chảy vào kênh tiết kiệm bởi nhiều người đang nắm giữ tiền chưa thể chọn cho mình kênh đầu tư nào hợp lý hơn. 

Phân vân tìm kênh đầu tư

Ngay từ giữa tháng 8/2014, một số ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) đã giảm nhẹ lãi suất huy động. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chỉ còn 4,5%/năm, kỳ hạn 2 tháng là 5%/năm, kỳ hạn 3 tháng là 5,75%/năm và mức lãi suất huy động cao nhất là 7,2%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank), lãi suất kỳ hạn 1 tháng giảm còn 4,8%/năm, với các kỳ hạn từ 2-9 tháng, mức cao nhất cũng chỉ 5,7%/năm. Việc các ngân hàng lớn điều chỉnh lãi suất huy động kéo các ngân hàng nhỏ điều chỉnh theo.

Tiền gửi vẫn chảy vào ngân hàng dù lãi suất đã giảm tương đối thấp


Anh Nguyễn Quốc Tuấn (ở Đống Đa - Hà Nội), một khách hàng gửi tiền chia sẻ: “Lãi suất huy động xuống thấp khiến người gửi tiền như tôi không hài lòng. Thay vì gửi ngắn hạn, mới đây, khi khoản tiết kiệm đáo hạn, tôi đã chuyển sang gửi với kỳ hạn 1 năm. Lãi suất của kỳ hạn này cũng không cao nhưng cơ bản chấp nhận được khi tiền nhàn rỗi không biết đầu tư vào đâu”.

“Đầu tư bất động sản đòi hỏi một khoản vốn lớn, chứng khoán phải có kiến thức đầu tư nhất định cũng như kinh nghiệm, còn vàng và USD hiện tương đối ổn định nên không mang lại chênh lệch cao. Chính vì vậy, gửi ngân hàng vẫn là cách mà tôi chọn lựa”, anh Tuấn nói.

Bà Đào Hải Ninh - Giám đốc Ngân hàng TMCP Phát triển Mê Kông (MDB) Chi nhánh Hà Nội cho biết: “Lãi suất giảm là xu hướng chung của thị trường, lãi suất ngầm dường như không còn. Vì vậy, việc giảm lãi suất huy động không ảnh hưởng lớn tới nguồn của ngân hàng. Ngoài ra, việc đẩy các khoản vay ra chậm nên các ngân hàng không mặn mà với tiền gửi có kỳ hạn ngắn”.

Cũng theo bà Đào Hải Ninh: “Ngân hàng vẫn thu hút được lượng khách hàng mới  như mọi năm. Nhiều khách hàng cho biết hiện gửi tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư duy nhất được lựa chọn. Điều này có thể thấy qua việc khách hàng lựa chọn gửi với kỳ hạn 6 tháng đến 12 tháng. Mọi năm, khách hàng gửi tiền thường gửi với kỳ hạn 1-2 tháng rồi rút ra để sử dụng. Với các khách hàng quen của ngân hàng, chúng tôi không thấy có việc rút tiền để chuyển sang đầu tư vào các kênh khác. Chỉ có một số ít trường hợp rút để chuyển sang gửi tại ngân hàng khác có mức lãi suất cao hơn”. 

Tiền sẽ chảy vào chứng khoán?

Tại Báo cáo chiến lược thị trường tháng 9/2014 của Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), các chuyên gia phân tích cũng chỉ ra rằng: “Với chuỗi tăng giá vừa qua, chứng khoán đang tiếp tục thu hút sự quan tâm của nhiều thành phần nắm giữ nguồn vốn trong nước, nhất là những người gửi tiền đang không hài lòng với lãi suất hiện nay”.

Theo ông Trần Thăng Long - Trưởng phòng Phân tích Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BSC), lạm phát từ đầu năm đến nay tương đối thấp và dự kiến cả năm chỉ quanh mức 5%. Chính vì vậy, kỳ vọng lãi suất tiền gửi cũng giảm rất nhiều. Khi lãi suất tiền gửi giảm, lãi suất cho vay cũng sẽ giảm, chi phí cơ hội cho các nhà đầu tư chứng khoán cũng sẽ giảm theo, nhất là những nhà đầu tư sử dụng vốn vay để tham gia vào thị trường chứng khoán. 

Ông Trần Thăng Long cho biết, so với năm ngoái, thanh khoản của thị trường có mức tăng vượt bậc, đây là cơ sở tốt để thu hút nguồn vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài. Lượng tiền tham gia thị trường mỗi phiên khá dồi dào, chỉ cần một phần nhỏ lượng tiền của kênh tiết kiệm chảy vào chứng khoán là thị trường đã rất sôi động. 

Có thể nói, hiện nay chứng khoán đang là kênh đầu tư hấp dẫn khi các kênh đầu tư khác như gửi tiết kiệm, đầu tư vàng, USD hay bất động sản khó mang lại lợi nhuận. Đánh giá về triển vọng trong ngắn hạn, ông Trần Thăng Long cho rằng, thị trường đang trong giai đoạn tương đối lạc quan và có thể đạt đến ngưỡng 650 - 670 điểm. 

“Về trung hạn, thị trường cũng được đánh giá tốt, theo thông lệ, thị trường thường tăng điểm vào quý I và quý IV. Quý IV là thời điểm tín dụng tăng trưởng mạnh, dòng tiền đẩy ra nền kinh tế tăng sẽ giúp doanh nghiệp đạt được những mức tăng trưởng nhất định. Đây cũng là mùa kinh doanh của nhiều ngành hàng. Do đó, chúng tôi nhận thấy những dấu hiệu của một con sóng lớn trong giai đoạn cuối năm”, ông Long phân tích. 

Theo ANTĐ

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích