Bỏ quên mỏ 'vàng' nâu

Thứ bảy, 17/12/2016, 11:26
Có chất lượng và giá trị cao; có thương hiệu, sản xuất theo chuỗi giá trị với hệ thống tiêu chuẩn riêng... hạt ca cao VN là mặt hàng nông sản duy nhất có đầy đủ các yếu tố để thành “vàng”. Tuy nhiên, trong khi người nước ngoài đang triệt để đầu tư, khai thác thì người Việt lại hầu như chưa biết đến mỏ “vàng nâu” này.

Ca cao VN được coi là mỏ vàng nếu biết cách khai thác

Sô cô la Việt chinh phục thế giới

Dù không trực tiếp trồng ca cao nhưng các nước châu Âu lại là cái nôi của sô cô la như Bỉ, Pháp, Thụy Sĩ… Tuy nhiên, trong những năm gần đây thị trường bánh kẹo và thực phẩm cao cấp này xuất hiện một cái tên hoàn toàn xa lạ “sô cô la VN”. Đáng nói là sô cô la VN lại được xem là một trong những loại sô cô la ngon nhất thế giới và ngày càng nổi danh.

“Không chỉ người châu Âu mà cả các nước Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… cũng rất thích sản phẩm sô cô la của VN. Nhiều du khách, bạn bè nước ngoài đến VN đều hỏi mua mang về làm quà”, chị Phan Thị Phương Thanh, Trưởng phòng Marketing Công ty Puratos Grand - Place Indochina (PGPI), nói đầy tự hào. PGPI là một công ty thành viên của Tập đoàn Puratos Grand - Place (Bỉ), chuyên về sô cô la, bánh mì, bánh ngọt và đang sản xuất sô cô la VN xuất khẩu nói trên.

Có lẽ nhiều người Việt sẽ sửng sốt nếu biết rằng “Sô cô la Marou” - sản phẩm được cho là ngon và đắt nhất thế giới (cụ thể đắt gấp 8 lần so với những loại sô cô la phổ biến ở Nhật) lại là… hàng “made in Vietnam”. Các dòng sản phẩm của nó thậm chí còn có tên thuần Việt là Tiền Giang, Đồng Nai, Lâm Đồng, Bà Rịa-Vũng Tàu và Bến Tre.

Các hãng thông tấn và tờ báo lớn trên thế giới như Bloomberg, Nikkei, The New York Times… cũng viết về “hiện tượng” Sô cô la Marou. Thương hiệu này ra đời tại TP.HCM cách đây vài năm, thuộc đồng sở hữu và sáng lập là Sam Maruta - người Pháp gốc Nhật và Vincent Mourou - người Pháp. Sản phẩm được xuất đi các thị trường khó tính và có truyền thống lâu đời nhất về sô cô la thế giới như: Pháp, Mỹ, Anh, Bỉ, Thụy Sĩ…

"Không chỉ người châu Âu mà cả các nước Mỹ, Nhật, Hàn Quốc... cũng rất thích sản phẩm sô cô la của VN. Nhiều du khách, bạn bè nước ngoài đến VN đều hỏi mua mang về làm quà"
Chị Phan Thị Phương Thanh, Trưởng phòng Marketing – PGPI

Hai ông chủ của Sô cô la Marou vốn làm việc trong lĩnh vực ngân hàng. Họ đến VN và nhận ra ở các quốc gia sô cô la phát triển như một ngành công nghiệp nhưng phải nhập khẩu nguyên liệu từ các nước châu Phi, Mỹ Latin và châu Á. VN có vùng nguyên liệu tốt nhưng chỉ bán hạt thô.

“Tại sao không thử hoàn thành cả chu trình hạt ca cao đến thành phẩm sô cô la”. Vậy là năm 2011 họ bắt tay vào nghiên cứu và thử nghiệm để làm ra sản phẩm sô cô la ngon nhất thế giới từ những hạt ca cao VN.

Vì sao sô cô la VN lại tạo ấn tượng với người châu Âu và những người sành về sô cô la như vậy? Chị Thanh giải thích sản phẩm của VN có hương trái cây và vị thanh rất đặc trưng, rất khác biệt so với sô cô la truyền thống. Sô cô la truyền thống được làm từ hạt ca cao của Bờ Biển Ngà và các nước châu Phi. Còn sự khác biệt của sô cô la VN một phần là do yếu tố thổ nhưỡng và phần còn lại từ cách lên men tự nhiên để tạo nên sự độc đáo.

Ông Gricha Safaria, Tổng giám đốc PGPI, cho biết: “Sản phẩm ca cao VN được chúng tôi xuất khẩu đi khắp thế giới kể cả các thị trường khó tính nhất như châu Âu, Nhật, Mỹ… với 2 loại sản phẩm là sô cô la hương vị trái cây và sô cô la truyền thống. Mô hình đang xây dựng ở VN là mô hình kiểu mẫu của cả tập đoàn. Chúng tôi sẽ đưa mô hình này phổ biến trên toàn cầu - ở những nơi mà chúng tôi có mặt, kể cả Bờ Biển Ngà, quốc gia sản xuất ca cao số 1 thế giới hiện nay”.

Nghịch lý là, theo ông Gricha Safaria: “Sô cô la VN dễ dàng chinh phục khách hàng thế giới và ở ngay cả những nơi được xem là quê hương sô cô la vì hương vị thật sự khác biệt của nó, thì khách hàng khó chinh phục nhất của chúng tôi lại chính là người Việt”.

Theo Thanh Niên Online

Các tin cũ hơn