Theo ước tính tổng giá trị vốn hoá toàn thị trường chứng khoán hiện nay đạt khoảng 1,56 triệu tỷ đồng. Riêng 10 doanh nghiệp có khối lượng vốn hoá lớn nhất sàn chứng khoán đã chiếm tới 60% toàn thị trường và riêng doanh nghiệp ngành F&B chiếm 24,5%.
Đứng đầu thị trường chứng khoán
Tổng Công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) là một doanh nghiệp khá lâu đời trên thị trường thực phẩm và đồ uống nhưng cổ phiếu SAB của doanh nghiệp này mới chỉ là tân binh trên sàn giao dịch chứng khoán HOSE.
Chào sàn từ ngày 6/12, qua 9 phiên giao dịch tăng trần liên tiếp, cổ phiếu SAB của Sabeco đã trở thành cổ phiếu có mức giá giao dịch cao nhất toàn thị trường chứng khoán.
Chốt phiên giao dịch ngày 16/12, cổ phiếu SAB được giao dịch với giá 225.000 đồng/cổ phiếu, tăng 6% so với phiên hôm trước và gấp đôi so với giá niêm yết ban đầu là 110.000 đồng.
Cổ phiếu SAB tăng trần liên tiếp đã đẩy quy mô vốn hoá của doanh nghiệp ngành F&B này lên mức 144.288 tỷ đồng tương đương 6,4 tỷ USD, chiếm 9,3% tổng vốn hoá toàn thị trường.
Hiện tại, Sabeco đang là doanh nghiệp có khối lượng vốn hoá lớn thứ 2 thị trường.
Cái tên xếp trên Sabeco không ai khác chính là một doanh nghiệp cũng đến từ khối ngành F&B, Công ty Cổ phần sữa Việt Nam – Vinamilk (VNM) với khối lượng vốn hoá tại ngày 16/12 đạt 188.543 tỷ đồng, xấp xỉ 8,4 tỷ USD.
Cũng nằm trong số 10 doanh nghiệp có khối lượng vốn hoá lớn nhất trên thị trường chứng khoán còn có một cái tên khác đến từ ngành F&B chính là Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (MSN). Dù là một doanh nghiệp kinh doanh đa ngành nhưng lĩnh vực chính của Masan là sản xuất thực phẩm và đồ uống với nhiều công ty con và thương hiệu như Công nghệ Thực phẩm Việt Tiến, Thực phẩm Masan, thương hiệu nước mắm Nam Ngư, nước tương Tam Thái Tử, Chin Su…
Hiện tại, tổng giá trị vốn hoá của doanh nghiệp này trên sàn giao dịch chứng khoán vào khoảng 48.545 tỷ đồng.
Giá trị vốn hoá thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay đạt gần 1,56 triệu tỷ đồng. Chỉ riêng 3 đại diện là Vinamilk, Sabeco và MaSan, giá trị trên thị trường vốn hoá của ngành F&B đã lên tới 381.376 tỷ đồng, tương đương 17 tỷ USD, chiếm tới 24,5% tổng giá trị vốn hoá toàn thị trường.
Top 10 cổ phiếu có vốn hoá lớn nhất thị trường. Đơn vị: tỷ USD. Đồ hoạ: Quang Thắng. |
Từ trước đến nay, thị trường chứng khoán chưa bao giờ ghi nhận các doanh nghiệp ngành F&B lại sở hữu khối lượng vốn hoá lớn như vậy.
Nếu so sánh 3 doanh nghiệp ngành F&B với 3 đại diện trong khối ngành ngân hàng cũng nằm trong top 10 doanh nghiệp có vốn hoá lớn nhất thị trường là Vietcombank, Vietinbank và BIDV, thì tổng vốn hoá 3 ngân hàng vẫn còn kém rất xa. Ước tính, khối lượng vốn hoá của 3 ngân hàng trong top 10 vào khoảng 232.217 tỷ đồng, tương đương 10,3 tỷ USD và chiếm 14,9% tổng vốn hoá toàn thị trường.
'Đắt xắt ra miếng’
Không chỉ có khối lượng vốn hoá lớn nhất trên sàn chứng khoán, cổ phiếu của các doanh nghiệp ngành F&B cũng có giá rất cao trên thị trường, được các nhà đầu tư săn đón.
Nếu như cổ phiếu SAB đã tăng trần 9 phiên liên tiếp trên sàn HOSE, thì cổ phiếu BHN của Tổng Công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco) cũng được các nhà đầu tư săn đón rất tích cực trên sàn UPCoM. Hiện tại, cổ phiếu BHN đang được giao dịch với mức giá 225.800 đồng/cổ phiếu, cao hơn SAB 800 đồng và đã ghi nhận 7 phiên tăng trần liên tiếp. So với mức giá niêm yết ban đầu, cổ phiếu BHN đã tăng hơn 4 lần. Tính theo giá thị trường, khối lượng vốn hoá của Habeco cũng lên tới 52.340 tỷ đồng.
Nếu như cổ phiếu SAB và BHN mới chỉ lên sàn cách đây không lâu thì cổ phiếu VNM của Vinamilk đã được niêm yết từ năm 2006 và là một trong những mã cổ phiếu giữ được sự ổn định.
Cổ phiếu VNM cũng thường xuyên được giao dịch với khối lượng rất lớn, ước tính 5 phiên giao dịch gần nhất đã có 8,7 triệu số cổ phiếu VNM được giao dịch thành công.
Biến động cổ phiếu 3 doanh nghiệp F&B trong 7 phiên giao dịch gần nhất. Đơn vị: nghìn đồng. Đồ hoạ: Quang Thắng. |
Bên cạnh đó, lợi nhuận mà các doanh nghiệp trong ngành F&B thu về hàng năm cũng thuộc nhóm dẫn đầu thị trường.
Tổng công ty khí Việt Nam (GAS) đang là doanh nghiệp có doanh thu hàng năm cao nhất với hơn 64.000 tỷ đồng năm 2015, nhưng lại chỉ thu về 1.272 tỷ đồng lãi trước thuế. CTCP ôtô Trường Hải năm 2015 ghi nhận hơn 41.000 tỷ đồng doanh thu, lãi trước thuế đạt 7.300 tỷ đồng. Trong khi đó, Vinamilk ghi nhận hơn 40.000 tỷ đồng doanh thu năm 2015 và thu về hơn 9.300 tỷ đồng lãi trước thuế. Cùng năm, Sabeco cũng thu về hơn 4.470 tỷ đồng lãi trước thuế.
Tính tới hết tháng 9 năm 2016, Vinamilk đã thu về hơn 35.000 tỷ đồng doanh thu, tăng 18%, lãi trước thuế đạt 9.033 tỷ đồng, tăng hơn 28%, và là doanh nghiệp có mức lợi nhuận cao nhất toàn thị trường 9 tháng đầu năm.
Theo Zing