Tổng công ty Sông Đà - Nhà đầu tư dự án quốc lộ 1A tuyến tránh TP.Hà Tĩnh theo hình thức BOT, vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông đề nghị giảm 100% giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm thu phí Cầu Rác (đặt tại xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên) đối với các phương tiện của người dân ở huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh.
Trạm thu phí Cầu Rác. |
Theo Tổng công ty Sông Đà, đề nghị nêu trên là để "giải quyết thấu tình đạt lý" nguyện vọng của người dân và chính quyền địa phương, đảm bảo trật tự và an toàn giao thông quốc lộ 1A tại khu vực trạm thu phí Cầu Rác.
Trước đó ngày 16/4, gần 40 người dân huyện Cẩm Xuyên xuống đường cùng 30 xe tải ben loại dưới 8 tấn, một số ôtô 4 chỗ tập trung đầu trạm thu phí Cầu Rác, mang băng rôn "Chúng tôi không đi đường BOT, tại sao lại phải trả phí" rồi cho xe đi chậm qua trạm để phản đối. Nhà chức trách phải huy động lực lượng phân luồng để không xảy ra tình trạng ách tắc giao thông.
Cư dân dịa phương lái ôtô "diễu hành", phản đối thu phí ngày 16/4. Ả |
Tại cuộc đối thoại sau đó 5 ngày, nhiều hộ dân vùng lân cận trạm Cầu Rác đề nghị di dời trạm BOT hoặc chủ đầu tư phải miễn phí 100%; nếu không thì người dân sẽ phản đối, "công ty cứ chuẩn bị đông nhân viên để đếm tiền lẻ".
Từ đầu năm 2017, người dân xung quanh khu vực trạm thu phí cầu Bến Thủy 1 (giáp ranh Nghệ An và Hà Tĩnh) cũng liên tục phản đối thu phí BOT ở đây. Họ dùng nhiều cách, trong đó có việc trả tiền lẻ khiến nhân viên trạm thu phí mất nhiều thời gian kiểm đếm, giao thông ách tắc. Ngày 11/4, Bộ Giao thông thống nhất giảm 100% phí cho các phương tiện của người dân sống gần cầu Bến Thủy, thời gian áp dụng từ 24/4.
Trạm thu phí Cầu Rác được xây dựng để hoàn vốn cho quốc lộ 1A. Năm 2009 tuyến đường tránh TP.Hà Tĩnh dài 16km từ xã Thạch Long (huyện Thạch Hà) đến xã Cẩm Vịnh (Cẩm Xuyên) được xây theo hình thức BOT đi vào hoạt động và trạm Cầu Rác được giữ nguyên để hoàn vốn cho công trình này. |
Theo VNE