Nguồn tin của PV cho biết, dù không còn là người đại diện theo pháp luật cho Công ty TNHH Khải Đức - doanh nghiệp hạt nhân của hệ thống Khaisilk, ông Hoàng Khải (Khải Silk) hiện vẫn là người đứng đầu nhiều đơn vị trực thuộc của công ty này.
Trong đó, ông Khải hiện là người đứng đầu hai chi nhánh của Khải Đức phụ trách giới thiệu các sản phẩm lụa mang thương hiệu Khaisilk là Cửa hàng thời trang 81 và Cửa hàng thời trang Phú Mỹ Hưng. Ngoài ra, 3 chi nhánh khác của Khải Đức phụ trách mảng nhà hàng cao cấp là Nhà hàng Chăm, Nhà hàng Trung Hoa Minh và Nhà hàng Nam Phan, hiện vẫn do ông Khải phụ trách.
Ông Hoàng Khải vẫn đang nắm giữ nhiều nhà hàng, bất động sản cao cấp. |
Vị doanh nhân này cũng sở hữu Hoàng Khải - một doanh nghiệp tư nhân được ông thành lập từ cuối năm 2008 phụ trách mảng cho thuê bất động sản. Đến nay, ông Khải vẫn là người đứng đầu các đơn vị trực thuộc của công ty, trong đó có Khách sạn Sài Gòn Taima, dự án với quy mô 15 triệu USD tại Phú Mỹ Hưng.
Ông Hoàng Khải, vốn được biết đến là người đã gây dựng nên "đế chế" Khải Silk, khởi nguồn là một cửa hàng thêu gia đình từ những năm cuối thập niên 80. Được định vị là sản phẩm cao cấp với một mô hình bài bản, thương hiệu lụa Khaisilk đã nhanh chóng tạo dựng danh tiếng, đặc biệt với khách du lịch nước ngoài.
Đầu những năm 2000, ông Hoàng Khải quyết định Nam tiến đồng thời "lấn sân" sang lĩnh vực resort và nhà hàng.
Đầu tiên là nhà hàng cao cấp Au Menoir de Khai được xây dựng trên đường Điện Biên Phủ, quận 3, TP.HCM. Tiếp đó là resort Hội An Riverside. Và đặc biệt sau đó là tòa lâu đài màu trắng Tajmasago trị giá 15 triệu USD nằm tại bờ hồ bán nguyệt khu đô thị Phú Mỹ Hưng.
Sau đó, những cửa hàng, thương hiệu Khaisilk bắt đầu có mặt ở những vị trí đắc địa như Đồng Khởi (TP.HCM), khách sạn Intercontinental Peninsula Đà Nẵng hay JW Marriott Phú Quốc. Bên cạnh đó, ông chủ Tập đoàn KhaiSilk cũng sở hữu trung tâm thương mại và giải trí "Sài Gòn Paragon" thiết kế theo phong cách cổ điển châu Âu với số vốn đầu tư lên tới 35 triệu USD được khai trương vào tháng 7/2009, hay chuỗi nhà hàng cao cấp như Charm Charm, Nam Phan, Khai’s Brothers...
Khăn lụa Khaisilk bị kết luận "không hề chứa thành phần lụa như công bố". |
Dù hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh các sản phẩm và dịch vụ xa xỉ, cả Khải Đức và Hoàng Khải đều đang âm vốn điều lệ do hoạt động kinh doanh thua lỗ.
Với tổng tài sản gần 120 tỷ đồng vào cuối năm 2016 nhưng vốn chủ sở hữu của Hoàng Khải đã âm gần 60 tỷ, toàn bộ tài sản được tài trợ bằng gần 200 tỷ đồng nợ phải trả.
Còn Khải Đức, doanh nghiệp được thành lập cuối năm 2002, hiện cũng âm vốn điều lệ với khoản lỗ lũy kế gần 48 tỷ đồng, tính tới cuối năm 2016. Hoạt động của Khải Đức trong 2 năm gần đây vẫn có lãi, nhưng với quy mô chỉ vài tỷ đồng mỗi năm. Điều này dẫn tới thực trạng toàn bộ tài sản của công ty này cũng được tài trợ bằng nợ phải trả.
Sau khi sự việc lụa mang thương hiệu Khaisilk bán không đúng xuất xứ trên nhãn mác, hoạt động của những doanh nghiệp này bị xáo trộn đáng kể.
Nhiều cửa hàng của Khaisilk ở TP.HCM không còn toàn bộ bảng hiệu cũng như sản phẩm. Mặt bằng mà thương hiệu trước đây thuê tại 101 Đồng Khởi (quận 1) đang treo bảng cho thuê. Tương tự, tại Hà Nội, các cửa hàng cũng đóng cửa.
Bộ Công Thương sau khi có kết luận kiểm tra cũng cho biết đã chuyển hồ sơ, vật chứng cho cơ quan cảnh sát điều tra xử lý theo quy định đối với các dấu hiệu vi phạm hình sự.
Theo VNE