|
Các tài xế la hét, phản đối trạm BOT Sóc Trăng. |
8h45, tài xế tên Hưng chạy ôtô khách biển số Sóc Trăng dừng xe trước phòng vé trạm BOT Sóc Trăng (xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng), yêu cầu nhân viên giải thích vì sao xe mình phải mua phí. "Xe tôi mua phí đường bộ hàng năm, giờ phải mất thêm 35.000 đồng khi đi từ nội ô thành phố ra ngoài chỉ có 8km là không hợp lý", anh Hưng lớn tiếng.
Chỉ vài phút sau, các tài xế đồng loạt dừng xe ở 6 làn hứng từ Sóc Trăng đi Cần Thơ và ngược lại, bóp còi inh ỏi. Giao thông trên Quốc lộ 1A ùn tắc gần một km, ở cả hai đầu. Trong đó có cả xe cứu thương và xe tang. Một số tài xế la hét đòi được gặp lãnh đạo BOT Sóc Trăng để được giải thích nhưng bất thành.
Có mặt trên ôtô 7 chỗ từ TP.HCM xuống Sóc Trăng, anh Huỳnh Chí Cường (Việt kiều Canada) tỏ ra bất ngờ với phí đường bộ. "Ở bên đó, bọn tôi chỉ tốn hơn 1.200 đô tiền mua tem dán lên xe là chạy nguyên năm", anh Cường nói.
|
Đoàn xe đưa tang kẹt cứng trong dòng xe phản ứng trạm BOT Sóc Trăng. |
Trước phản ứng quyết liệt của giới tài xế, một giờ sau, BOT Sóc Trăng phải xả trạm lần thứ ba trong hai ngày. Hơn 10 phút sau, nhân viên hạ barie thu phí trở lại, nhưng tiếp tục vấp phải phản ứng của các bác tài. Họ lại dàn ôtô chặn ngang các làn thu phí khiến giao thông kẹt cứng kéo dài hàng km.
Trong lúc tài xế tranh cãi với nhân viên thu phí, nam thanh niên lạ mặt đánh vào mặt tài xế Hoàng rồi chạy vào trạm BOT Sóc Trăng để trốn. Nhiều tài xế cùng nhau bỏ xe truy tìm người hành hung anh Hoàng. Cho rằng trạm thuê người đánh tài xế, họ đứng trước cửa nhà điều hành trạm BOT đòi giao người, trong khi nơi đây đóng kín cửa, không ai phản ứng.
Đến gần 11h, giao thông trên Quốc Lộ 1A, đoạn qua trạm bị tê liệt, hỗn loạn. Các tài xế không chịu di chuyển, dù trạm xả cửa. Một tài xế chạy ôtô chặn ngang làn xe hai bánh, không cho xe khác chen lên qua trạm. "Chúng tôi không đi đâu cho tới khi BOT Sóc Trăng giao ra người đánh tôi để nói rõ vì sao", anh Hoàng nói.
Ông Nguyễn Duy Dương - Phó giám đốc Công ty TNHH BOT quốc lộ 1 Sóc Trăng - khẳng định người đánh tài xế không phải là nhân viên của trạm, trạm cũng không thuê ai làm chuyện này.
Trước việc kẹt xe nhiều giờ, hành khách trên ôtô khách mệt mỏi, một số người già xuống xe xin vào nhà dân nghỉ, đi vệ sinh. "Tôi từ Cà Mau lên Sài Gòn khám bệnh, tới đây hơn 9h mà tới giờ chưa qua được. Thật là mệt mỏi", bà Nguyễn Thị Tám nói.
Hôm qua, nhiều tài xế cũng phản đối, trong đó có tài xế xe biển xanh tỉnh Cà Mau, buộc trạm BOT Sóc Trăng phải hai lần xả trạm. Lãnh đạo BOT Sóc Trăng khẳng định, việc xả trạm khi lượng xe ùn ứ chưa nhiều là chủ trương hàng đầu của Công ty TNHH BOT Quốc lộ 1 Sóc Trăng (chủ đầu tư), để cho giao thông trên quốc lộ 1 được thông suốt, và sẽ thu lại khi tình hình ổn định.
|
Xe cứu thương len lỏi thoát khỏi đoạn kẹt xe. |
Dự án mở rộng quốc lộ 1 và xây dựng tuyến tránh TP.Sóc Trăng dài hơn 16km, đầu tư khoảng 1.200 tỷ đồng, khởi công năm 2015. Trong đó, đoạn mở rộng quốc lộ dài gần 9km, đoạn tuyến tránh dài hơn 7km. Trạm bắt đầu thu phí hồi tháng 6/2017, mức giá thấp nhất 25.000 đồng và cao nhất 140.000 đồng, thời gian thu hơn 18 năm.
Cách trạm này gần 60km, BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp những ngày qua cũng trở thành "điểm nóng" khi các tài xế liên tục dàn ôtô phản đối thu phí, gây tê liệt quốc lộ 1. Chủ đầu tư đã nhiều lần xả trạm, TP.Cần Thơ cũng đề xuất Bộ Giao thông miễn giảm phí xe qua trạm.
Theo VNE