Tháng trước, BOC Aviation, một công ty do chính phủ Trung Quốc kiểm soát đã mua cổ phần Na Uy Air, một hãng hàng không giá rẻ đang gặp khó khăn. Các nhà lãnh đạo châu Âu lo rằng, đó là một kiểu mua lại cơ hội.
Các quan chức ở Brussels và nhiều chính quyền các nước châu Âu nhanh chóng dựng lên các rào cản pháp lý cho những thỏa thuận như vậy. Họ sợ rằng các nhà đầu tư Trung Quốc được Bắc Kinh hậu thuẫn sẽ tận dụng đại dịch để chộp lấy cơ hội thâu tóm các công ty châu Âu khó khăn về tài chính với giá hời.
Hôm thứ tư (17/6), Ủy ban châu Âu tiết lộ các đề xuất nhằm ngăn chặn các nhà đầu tư nước ngoài sử dụng trợ cấp của chính phủ để trả giá cao hơn các đối thủ cạnh tranh khi mua các tài sản tại châu Âu. Đề xuất rõ ràng là nhằm vào Trung Quốc, nơi thường cung cấp hỗ trợ tài chính cho các ngành công nghiệp chính.
Các đề xuất xoay quanh việc sẽ buộc các nhà đầu tư nước ngoài tiết lộ liệu họ có nhận được hỗ trợ của nhà nước hay không. Ủy ban cũng có thể điều tra các công ty bị nghi ngờ nhận trợ cấp.
Đồng thời, các quan chức châu Âu sẽ có quyền áp đặt các điều kiện đối với các nhà đầu tư được trợ cấp, chẳng hạn như buộc họ phải chia sẻ công nghệ với các đối thủ cạnh tranh. Trong một số trường hợp, Brussels hoặc các nước châu Âu có thể chặn hoàn toàn các giao dịch.
Các biện pháp này sẽ mang lại cho các quan chức châu Âu "quyền lực rất lớn", ông Horst Henschen, luật sư hãng luật Covington tại Frankfurt, bình luận. Cụ thể, họ có thể can thiệp vào các giao dịch mà nhà đầu tư nước ngoài được hưởng lợi thế cạnh tranh vì nhận trợ cấp hoặc có quyền ưu đãi về tài chính.
Bà Margrethe Vestager phát biểu tại Nghị viên châu Âu. (Ảnh: Kenzo Tribouillard) |
Bà Vestager nói rằng Ủy ban châu Âu không chỉ ra Trung Quốc hay cố gắng cản trở các nhà đầu tư nước ngoài. "Không có quốc gia cụ thể mà chúng tôi đang nghĩ đến", bà nói, "Chúng tôi muốn có đi có lại và một sân chơi bình đẳng".
Không giống như Mỹ, nơi sàng lọc đầu tư nước ngoài theo các mối đe dọa an ninh, châu Âu có rất ít công cụ để dò xét kỹ lưỡng các thỏa thuận. Vì vậy, đề xuất đang định hướng như "kiểm tra an ninh ở lối vào", theo ông Margrethe Vestager, Ủy viên cạnh tranh châu Âu. Hay nói cách khác, châu Âu muốn có thể phòng ngừa sự cố trước khi nó có khả năng xảy ra.
Động thái cũng diễn ra trong bối cảnh các nước như Áo, Czech, Đức và Ba Lan đang trong quá trình tự gia tăng quyền kiểm tra các thương vụ mua lại và ngăn chặn các hoạt động đầu tư được xem là đe dọa đến lợi ích quốc gia.
Thực tế, đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu đang giảm mạnh. Các nhà đầu tư Trung Quốc đã chi khoảng 12 tỷ euro (13 tỷ USD) để đầu tư vào châu Âu năm ngoái, bằng một phần ba con số họ đã chi vào năm 2016, theo nghiên cứu của Rhodium Group và Viện nghiên cứu Trung Quốc Mercator tại Berlin, Đức.
Nhưng số liệu này không có nghĩa Trung Quốc là một "con rồng giấy" hay vô hại khi đầu tư vào châu Âu. Các nhà đầu tư Trung Quốc, thường được chính phủ hậu thuẫn, vẫn thèm muốn các công ty châu Âu như một nguồn chuyên môn công nghệ, tiếp cận thị trường quốc tế và đòn bẩy chính trị.
Giới đầu tư Trung Quốc chỉ là trở nên chọn lọc hơn, một phần vì kinh tế Trung Quốc suy thoái đồng nghĩa họ có ít tiền hơn và một phần vì Bắc Kinh kìm hãm những cuộc đầu tư mang tính "phiêu lưu liều lĩnh" của các công ty Trung Quốc.
"Sự lo lắng không phải ở khối lượng đầu tư", Agatha Kratz, Chuyên gia về quan hệ châu Âu - Trung Quốc tại Rhodium Group, nhận xét, "Lo lắng là về một hoặc hai hoặc ba vụ mua lại có thể ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của châu Âu".
Thay vì các thỏa thuận lớn tạo ra phản ứng dữ dội, như việc tiếp quản nhà sản xuất robot Đức Kuka vào năm 2016, các công ty Trung Quốc giờ tập trung vào các thỏa thuận nhỏ hơn, nhưng cho phép họ tiếp cận với công nghệ then chốt. Ví dụ năm ngoái Alibaba mua lại Data Artisans, một công ty ở Berlin chuyên quản lý số lượng lớn dữ liệu.
Chính phủ bà Angela Merkel là một trong những bên đề xuất thay đổi luật hiện hành. Họ muốn các nhà đầu tư nước ngoài khi mua 10% cổ phần công ty trở lên trong các ngành quan trong như dược phẩm, ôtô hoặc trí tuệ nhân tạo phải được sự phê chuẩn của chính quyền. Những người cố gắng lách luật sẽ phải đối mặt với truy tố hình sự.
"Chúng tôi không muốn các cơ sở hạ tầng quan trọng, như điện, nước và đường phố, bị các công ty tiếp quản khi chúng tôi không chắc chắn 100% ý định của họ là gì", ông Peter Altmaier, Bộ trưởng kinh tế Đức, cho biết trong một cuộc tranh luận tại Quốc hội vào tháng 4.
Cảng Piraeus (Hy Lạp) sở hữu bởi Cosco (Trung Quốc). (Ảnh: NYT) |
Các nước châu Âu vẫn muốn tiền Trung Quốc. Ngay cả với những hạn chế mới, các nhà đầu tư Trung Quốc vẫn sẽ dễ dàng mua tài sản ở châu Âu hơn ở Mỹ, nơi sàng lọc các khoản đầu tư nước ngoài theo các mối đe dọa an ninh quốc gia. Nhưng các chính phủ châu Âu đã trở nên cảnh giác với ý định của Trung Quốc.
Họ cũng yêu cầu Trung Quốc cho phép các công ty châu Âu quyền tự do đầu tư vào các công ty Trung Quốc có ở châu Âu. Hiện Trung Quốc thường yêu cầu các công ty nước ngoài chia sẻ công nghệ nhạy cảm và hoạt động thông qua liên doanh với các đối tác Trung Quốc.
Trung Quốc đã hiện diện lớn ở châu Âu sau khi đầu tư hơn 160 tỷ euro, tương đương 180 tỷ USD, kể từ năm 2000, theo nghiên cứu của Rhodium và Viện nghiên cứu Trung Quốc Mercator.
Các công ty châu Âu dưới sự kiểm soát của Trung Quốc bao gồm Volvo Cars, nhà sản xuất lốp xe Pirelli, cảng Piraeus của Hy Lạp và nhà sản xuất hóa chất nông nghiệp Thụy Sĩ Syngenta. Anta, một công ty Trung Quốc, năm ngoái đã mua Amer Sports, một công ty Phần Lan sở hữu các thương hiệu bao gồm Louisville Slugger, nhà sản xuất gậy bóng chày hàng đầu.
Thông thường, các nhà đầu tư Trung Quốc được hoan nghênh vì họ sẵn sàng đặt cược vào các công ty mà những người khác đã từ bỏ vì thua cuộc. Volvo Cars một lần nữa trở thành một thế lực trong thị trường ôtô hạng sang sau khi Zhejiang Geely Holding Group, công ty mẹ của Geely Auto, mua nó từ Ford Motor vào năm 2010 và bơm 10 tỷ USD để cải thiện năng lực sản xuất và tung ra các mẫu xe mới. Gần đây, thái độ đã bắt đầu thay đổi. Kế hoạch sáp nhập Volvo với Geely Auto đã gây ra một cuộc tranh luận ở Thụy Điển.
Volvo Cars "hồi sịnh" nhờ được Zhejiang Geely Holding Group đầu tư. (Ảnh: NYT) |
Đức từ lâu đã là một trong những quốc gia chào đón các nhà đầu tư Trung Quốc nhất. Cho đến gần đây, thị trường Trung Quốc đã là nơi làm giàu cho các nhà sản xuất ôtô Đức hơn cả quê nhà. Nhưng một bước ngoặt chính trị đã đến vào năm 2016 khi Midea, một nhà sản xuất thiết bị Trung Quốc, đã mua Kuka, một công ty Đức sản xuất robot được sử dụng trong sản xuất.
Các quan chức Đức nhận ra họ có ít công cụ pháp lý để duy trì quyền kiểm soát đối với công nghệ tiên tiến hàng đầu. Cảnh giác nâng cao vào năm 2018 khi Li Shufu, chủ tịch của Geely Auto, mua 10% cổ phần Daimler, một biểu tượng của sức mạnh công nghiệp Đức.
Giờ đến lượt các quan chức châu Âu nhận ra các nhà đầu tư Trung Quốc thường có sự hậu thuẫn tài chính ngầm hoặc rõ ràng từ chính phủ, biến họ thành công cụ chính sách đối ngoại. Thỏa thuận cho Na Uy Air là một ví dụ. Chính phủ Trung Quốc nắm quyền kiểm soát BOC Aviation, một công ty cho thuê máy bay vào tháng trước đã mua 13% của Na Uy Air.
"Trong những năm gần đây, chúng tôi đã học được rằng chúng ta cần các công cụ để bảo vệ nền kinh tế Đức và thoát khỏi các nhà đầu tư không mong muốn", Andreas Lämmel, một nghị sỹ thuộc Liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo của bà Merkel, nói hồi tháng 4. "Tuy nhiên, nó không thể là một lá chắn chống thấm", vị này thừa nhận.
Theo VNE