Theo phản ảnh từ Hiệp hội rau quả Việt Nam (Vinafruit), khó khăn lớn nhất hiện nay đối với doanh nghiệp xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc là mất rất nhiều thời gian để chờ xét cấp mã số vùng trồng cũng như mã số cơ sở đóng gói, làm ảnh hưởng đến kế hoạch và tiến độ sản xuất kinh doanh.
Việt Nam được cấp 113 mã trong khi Thái Lan có đến 1.000 mã
Phát biểu tại hội nghị “Thúc đẩy giao thương nông thủy sản Việt trong bối cảnh mới”, do Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp UBND tỉnh Lạng Sơn, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho biết, hiện trái cây xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc còn nhiều khó khăn, cụ thể:
Thứ nhất, hiện nay có 12 mặt hàng rau quả của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, như: Thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm, măng cụt, chanh dây, sầu riêng và khoai lang. Nhưng mới có 05 mặt hàng có Nghị định thư chính thức, là: Sầu riêng, chuối, khoai lang, măng cụt và chanh leo. 07 mặt hàng còn lại chưa ký Nghị định thư, khiến cho việc xuất khẩu những mặt hàng này sang thị trường Trung Quốc không mang tính ổn định và bền vững.
Điều này khiến các doanh nghiệp Việt Nam chưa được tiếp cận với nhiều người mua hàng lớn của Trung Quốc, mà đa số thông qua các thương nhân nhỏ lẻ khác.
Thứ hai, đến nay hình thức xuất khẩu tiểu ngạch vẫn còn được duy trì, dẫn đến nhiều rủi ro cho doanh nghiệp Việt Nam.
Thứ ba, cũng là khó khăn lớn nhất hiện nay là việc doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian để chờ xét cấp mã số vùng trồng cũng như mã số cơ sở đóng gói, làm ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của họ.
Ví dụ, để xin được code xuất khẩu thanh long, từ lúc nộp hồ sơ cho đến khi nhận được code mất ít nhất từ 6 đến 7 tháng. Trong thời gian này doanh nghiệp vẫn phải duy trì lực lượng công nhân và các hoạt động khác làm tăng chi phí, gây nhiều tốn kém cho doanh nghiệp.
Mặt hàng sầu riêng đang xuất khẩu rất nóng, nhưng mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói sầu riêng vẫn còn hạn chế và chậm làm ảnh hưởng đến lượng sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
“Việt Nam hiện chỉ mới được cấp 83 mã vùng trồng và 30 mã cơ sở đóng gói sầu riêng, tổng số là 113 mã, trong khi Thái Lan có đến 1.000 mã, điều này chắc chắn khiến cho việc xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam có một số trở ngại. Trong khi, Việt Nam và Thái Lan có diện tích và sản lượng sầu riêng tương đương nhau, khoảng 100 ngàn ha với sản lượng khoảng 700.000 đến 800.000 tấn/năm”, Tổng thư ký Vinafruit chia sẻ.
Ngoài ra, hiện nay Hải quan Trung Quốc đang tạm ngừng việc cho đăng ký nhóm trái cây đông lạnh đối với doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Nguyên đề nghị Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn làm việc với Cục hải quan Trung Quốc, có kế hoạch đẩy mạnh việc cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói để có thể đáp ứng được hoạt động xuất khẩu sầu riêng khối lượng lớn như hiện nay, đồng thời tạo điều kiện cho hàng trái cây chế biến trong đó có hàng đông lạnh được nhập khẩu vào Trung Quốc, tháo gỡ cho doanh nghiệp, tăng giá trị xuất khẩu cho bà con nông dân.
Chú trọng xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam
Ngoài mã vùng trồng và mã số đóng gói như phản ảnh của Vinafruit, theo Tiến sĩ Trà My - Chủ tịch lâm thời Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam tại Trung Quốc, còn những vấn đề lớn doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm là khi nhận được đơn hàng của nhà nhập khẩu Trung Quốc, cần phải trao đổi kỹ với bên mua tiêu chuẩn, số lượng và sản lượng... và khi đóng hàng xuất khẩu đi không nên cố đóng cho đủ container mà hàng hóa lại không đạt chất lượng.
Trước đây các doanh nghiệp Việt Nam thường đánh giá Trung Quốc là một thị trường dễ tính, nhưng các doanh nghiệp hội viên trong hiệp hội đều biết rằng Trung Quốc bây giờ là thị trường khó tính không khác gì EU, Mỹ hay Nhật Bản.
“Về nước này tôi có mang về ba đơn hàng sầu riêng khoảng 150.000 tấn, trong đó, đơn hàng nhỏ nhất là 10.000 tấn, hai đơn còn lại là 60.000 tấn/năm.
Qua những đơn hàng này cho thấy sầu riêng là một cây kinh tế cao, vì vậy chúng ta phải làm thế nào để giữ được vị thế của trái sầu riêng, vì Việt Nam có thể xuất khẩu cả đường biên giới và đường biển. Trong hai đường này thì doanh nghiệp thường tập trung vào đường biên giới mà bỏ qua đường biển, trong khi đi đường biển ít rủi ro hơn và hạn chế bị trả lại hàng.
Tuy nhiên, vấn đề mà tôi đau đầu nhất hiện nay là bài học thương hiệu cho nông sản Việt Nam, trong đó có thương hiệu cho trái sầu riêng”, Tiến sĩ Trà My nói.
Ví dụ, ở Mỹ có thương hiệu Dole, thương hiệu này đóng cho 200 dòng trái cây và nông sản, đã xuất khẩu hơn 100 năm nay và đang có mặt trên 90 nước trên thế giới. Dole là mô hình làm giàu từ nông nghiệp với truyền thống hơn 100 năm từ Mỹ.
Chất lượng trái cây của Việt Nam cũng ngon không thua kém gì các nước nhưng vấn đề bây giờ là thiếu thương hiệu, vì vậy, rất cần xây dựng thương hiệu nông sản cho Việt Nam.
Chủ tịch lâm thời Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam tại Trung Quốc lấy ví dụ, hiện nay một trái sầu riêng của Việt Nam bán khoảng 200.000 đồng, nhưng nếu được mang thương hiệu Dole thì sẽ bán được 300.000 ngàn đồng, hoặc trái sầu riêng gai đen của Malaysia có thể bán được cả 1.000 USD nhờ có thương hiệu.
Do vậy, vấn đề hiện nay là Việt Nam cần xây dựng thương hiệu cho một loại trái nào đó, có thể làm cho trái sầu riêng trước rồi đăng ký sở hữu trí tuệ ở các nước.
“Để nâng cao chuỗi giá trị của trái cây Việt Nam, tôi nghĩ doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa trong việc học hỏi, tiếp cận chuỗi cung ứng và chuỗi thương hiệu, vì bán hàng thương hiệu là một bài học lớn có giá trị kinh tế cao còn hơn là đơn thuần bán hàng nguyên liệu”, Chủ tịch lâm thời Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam tại Trung Quốc nhấn mạnh.