Nông dân "ôm nợ" cả nghìn tỷ đồng!

Thứ ba, 15/05/2012, 13:39
Từ đầu năm 2012 đến nay đã có hơn 100 DN, đại lý, hộ kinh doanh cà phê trên địa bàn Tây Nguyên vỡ nợ, khiến hàng vạn hộ nông dân lỡ ký gửi cà phê phải ôm cục nợ lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

>> Vỡ nợ cà phê - Ai bảo vệ nông dân?
>> Khắp Tây Nguyên điên đảo vì vỡ nợ cà phê


Cuộc họp của Hiệp hội Cà phê – Ca cao VN (Vicofa) hôm qua 14/5 tại TPHCM, đã cảnh báo nông dân không nên dễ dãi gửi toàn bộ tài sản của mình cho các DN, đại lý chỉ duy nhất bằng giấy chứng nhận… niềm tin!
 
Phương thức nông dân thu hoạch rồi ký gửi cà phê cho các DN, đại lý trong niên vụ 2011 – 2012 này đang khiến hàng vạn hộ nông dân “chết đứng” khi hàng loạt DN, đại lý rơi cảnh làm ăn thua lỗ, phá sản và không còn khả năng chi trả.
 
Ký gửi cà phê bằng niềm tin, hàng vạn hộ nông dân rơi vào cảnh điêu đứng
 

Theo Vicofa, chỉ riêng tại Đắk Lắk, qua kiểm tra hoạt động kinh doanh ký gửi cà phê của các DN, đại lý được Đoàn công tác liên ngành của tỉnh Đắk Lắk (do Sở Công thương chủ trì) cuối tháng 4 vừa qua, đã phát hiện 24 DN (chủ yếu là DN tư nhân, công ty TNHH) và đại lý mua bán nông sản đóng cửa, ngưng hoạt động kinh doanh do vỡ nợ.
 
Theo các chuyên gia ngành cà phê, tình hình kinh doanh cà phê từ giờ đến cuối năm sẽ rất đáng lo ngại khi nhiều “đại gia” trong làng cà phê VN như BMT, TH… từng là cánh chim đầu đàn, thì giờ cũng lâm cảnh nợ quá hạn hàng nghìn tỷ đồng.
Thậm chí, có thông tin HTX dịch vụ nông nghiệp Minh An sở hữu 2 thương hiệu nổi tiếng “Coffee Đức Lập Minh An” và “Coffee Đức Lập Dakmil”, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận bảo hộ và cũng đã được đăng ký bảo hộ ở Trung Quốc và Mỹ, nhưng do làm ăn thua lỗ nên đã liều tính chuyện bán thương hiệu để tồn tại.

Tuy nhiên, Cục Sở hữu trí tuệ khẳng định không cho phép và yêu cầu chuyển giao cho địa phương xây dựng thương hiệu cà phê chung cho tỉnh Đắk Nông.
Trong đó có 14 DN đã nhận ký gửi và huy động tiền của nông dân trồng cà phê có giá trị lên đến 80 tỉ đồng. Các DN còn lại chưa xác định cụ thể số thiệt hại vì việc nhận ký gửi và huy động vốn của DN làm đại lý quá phức tạp, đan xen với nhiều đại lý, nhiều công ty khác nhau…, nhưng khả năng sẽ lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Tương tự tại Đắk Nông, làn sóng vỡ nợ bắt đầu từ đại lý Lan Diệu (thôn Thuận Thành, xã Thuận An, huyện Đắk Mil) nổ ra ngày 11/4, tiếp theo ngày 15 và 16/4 khi hàng chục người dân đã xông vào đại lý mua bán cà phê, phân bón Lan Thông xiết hàng tấn phân bón có trong kho của đại lý này, sau đó làn sóng xiết nợ cứ thế lan ra khắp nơi.

 
Theo ông Nguyễn Hữu Chí, Ủy viên chuyên trách hội đồng cạnh tranh Bộ Công thương, tập quán ký gửi cà phê đã xuất hiện ở Tây Nguyên trên 10 năm được xem là một phương thức hay khi nông dân không có kho bãi và thói quen bán ngay sau khi thu hoạch và bóc vỏ lấy nhân. Để tránh thiệt hại về giá cho nông dân, các DN và đại lý cà phê đã nhận ký gửi của nông dân, khi nào nông dân thấy giá lên hoặc cần tiền thì đến đại lý chốt giá bán lượng cà phê ký gửi.

Trong thời gian ký gửi, nông dân có thể vay mượn tiền, thậm chí nhận đầu tư phân bón, máy móc của các đại lý và khấu trừ khi chốt giá bán. Tuy nhiên, do từ đầu niên vụ 2011 – 2012 đến nay, giá cà phê liên tục sụt giảm mạnh so với niên vụ trước (từ 55 – 60 triệu đồng/tấn xuống còn 39 – 40 triệu đồng/tấn) đã khiến hàng loạt DN và đại lý cà phê “ôm” hàng rơi cảnh vỡ nợ. Lúc này, người dân ký gửi cà phê sẽ lãnh đủ bởi hầu hết khi ký gửi họ chỉ có giấy viết tay, thậm chí nhiều người chỉ dùng miệng ký gửi vì đã quá tin nhau!

 
Nguy hiểm hơn nữa là từ ký gửi cà phê thật, các đại lý kinh doanh cà phê tiến tới huy động vốn của nông dân bằng cách nhận tiền mặt nhàn rỗi của dân và quy ra cà phê như phương thức gửi cà phê thật, nhưng có trả lãi như gửi tiết kiệm.

Đợt cà phê rớt giá từ cuối năm ngoái tới nay đã khiến nhiều đại lý vỡ nợ theo dây chuyền bởi họ có mối quan hệ ký gửi cà phê và huy động vốn với các đại lý nhỏ ở thôn buôn, tới đại lý ở xã, DNTN ở huyện và thậm chí là nhà XK. Theo ông Chí, việc ký kết hợp đồng giữa các đơn vị cung ứng cà phê trong nước hiện nay quá đơn giản, thậm chí không ký hợp đồng, khó đảm bảo tính công bằng trong trường hợp xảy ra tranh chấp. Trong trường hợp xảy ra rủi ro, thiệt hại cuối cùng luôn là người trồng cà phê.

 
Theo ông Lương Văn Tự - Chủ tịch Vicofa, sự lỏng lẻo trong ký gửi, mua bán cà phê không chỉ diễn ra giữa nông dân và DN, mà còn diễn ra phổ biến trong giao dịch quốc tế. Điều kiện pháp lý, hợp đồng quốc tế không chặt chẽ, không có tư vấn, hầu hết DN tự làm nên khi xảy ra sự cố đều phải trả giá đắt. “Việt Nam luôn tham gia vào thị trường cà phê thế giới trong tư thế thua thiệt, năm 2011 là năm chua cay với DN cà phê.

Trong bối cảnh đó, Vicofa day dứt làm sao để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành cà phê, tập trung vào sơ kết lại tình hình mua bán cà phê cả trong nước và nước ngoài để từng bước xây dựng hợp đồng mẫu, giúp các DN bớt thời gian học và trả giá. DN VN thường gặp rủi ro pháp lý ngại kiện tụng tranh chấp, thậm chí chấp nhận chia sẻ rủi ro 50/50 trong khi chưa chắc mình đã vi phạm, vì thế đối tác dễ dàng gây rắc rối để hưởng sự chia sẻ này” – ông Tự bức xúc nói. 
 
 
Theo NNVN

Các tin cũ hơn