Ngành du lịch lúng túng vì luật

Thứ ba, 15/05/2012, 16:24
Khách du lịch không có thông tin về doanh nghiệp, khu du lịch… dẫn đến thiệt thòi về quyền lợi.

>>Kích cầu thị trường, hàng không bắt tay với du lịch
>>Du lịch TP.HCM: Mất khách vì bất đồng ngôn ngữ?
>>Gia Lai: Khách du lịch bị ong đốt phải nhập viện

Sau hơn sáu năm thực hiện Luật Du lịch, nhiều doanh nghiệp (DN) du lịch và cơ quan quản lý đã chỉ ra các bất cập cần sửa đổi.
 
Lẫn lộn điểm - khu du lịch
 
Luật Du lịch hiện có quy định về khu du lịch, điểm du lịch và tuyến du lịch ở cấp quốc gia và cấp địa phương. Cụ thể, khu du lịch quốc gia phải trên 1.000 ha, khu du lịch địa phương trên 200 ha. Điểm du lịch thì không bị bắt buộc quy mô diện tích.
 
Tuy nhiên, hiện chưa có quy định rõ ràng về hồ sơ công nhận tên gọi trên, chưa rõ là cần các bằng chứng từ gì, gửi cơ quan nào. Đã vậy, trong các quy định về xử lý vi phạm lại không có quy định nào phạt về dùng sai tên gọi.
 
Đại diện Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đồng Nai cho biết vì thiếu quy định nên địa phương không thể công nhận cho khu du lịch, điểm du lịch. Hệ lụy là các DN đầu tư xây dựng địa điểm phục vụ du lịch cứ treo bảng “khu du lịch” chứ không dùng “điểm du lịch” vì nghe không hấp dẫn bằng. Nhiều “khu du lịch” diện tích nhỏ xíu khiến khách thất vọng. Vị đại diện này góp ý rằng phải làm rõ vấn đề tên gọi để thông tin đầy đủ cho khách.
 
 
Khách tham quan chùa Linh Sơn Trường Thọ (Bình Thuận). Ảnh: BÁ HUY

Gắn bảng công nhận DN
 
Tại hội thảo về các điểm cần sửa trong Luật Du lịch, ông Nguyễn Đức Chí, Phó phòng Lữ hành (Sở VH-TT&DL TP.HCM) cho biết việc đăng ký kinh doanh lĩnh vực du lịch là khá dễ dàng, không đòi hỏi điều kiện gì. Vì vậy, ở TP.HCM có hơn 20.000 DN có đăng ký kinh doanh dịch vụ du lịch. Thế nhưng đây là ngành nghề có điều kiện hoạt động. Vì vậy, muốn hoạt động thực tế thì DN phải đăng ký ở Sở VH-TT&DL, phải thực hiện ký quỹ… Hiện chỉ có khoảng 300 DN du lịch thực hiện nghiêm túc việc này mà thôi.
 
Ông Chí cho rằng khó kiểm tra DN hoạt động không đăng ký, không ký quỹ. Điều lo ngại là các khiếu nại trong thời gian qua về dịch vụ kém chất lượng lại tập trung ở nhóm DN này. Người dân không có thông tin, cứ mua tour, xảy ra chuyện thì bị thiệt hại.
 
Vì vậy, ông Chí cho rằng trong lĩnh vực lưu trú có áp dụng cách treo bảng công nhận đạt chuẩn ở trước cửa cơ sở lưu trú. ông đưa ra ý kiến nên treo bảng công nhận cho những DN du lịch nào thực hiện đầy đủ quy định về đăng ký, ký quỹ. Khách đến liên hệ mà thấy DN có bảng này trước trụ sở thì cũng yên tâm hơn. Đồng thời, qua đó sẽ phát hiện được những DN chưa đủ điều kiện mà đã hoạt động để xử lý.
 
Ngủ thường, ngủ du lịch
 
Một bất cập liên quan đến du lịch là chỗ ở. Hiện nay, những nơi đăng ký kinh doanh “lưu trú du lịch” sẽ được ngành du lịch quản lý, kiểm tra. Những nơi đăng ký “lưu trú” thì ngành du lịch không quản lý, cho rằng phần này của ngành công thương. Thế nhưng ngành công thương thì lại bảo rằng cứ “lưu trú” là liên quan đến du lịch chứ không thuộc ngành mình. Khách du lịch thì không biết được chỗ nào “lưu trú”, chỗ nào “lưu trú du lịch”.
 
Lại thêm vướng mắc phát sinh khi những điểm “lưu trú” này cũng muốn được gắn 2 sao, 3 sao. Về cơ sở vật chất thì họ đáp ứng được. Tuy nhiên, theo quy định thì chỉ có cơ sở “lưu trú du lịch” mới được xem xét công nhận, gắn sao mà thôi. Quy định như vậy là thiệt hại cho người kinh doanh.
 
Luật Du lịch không làm rõ du lịch là thế nào, đi chùa có được xem là một dạng du lịch hay không. Ví dụ, Tây Ninh là tỉnh thu hút rất nhiều khách đi chùa. Khách đi chùa thì cũng là tham quan chùa, cũng phát sinh doanh thu, thế nhưng lượng khách này hiện không được tính vào “du lịch”. Đây là điểm bất lợi cho địa phương trong việc chăm sóc du khách, phát triển loại hình du lịch kết hợp viếng chùa.
 
Đang lấy ý kiến góp ý
 
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết Luật Du lịch có hiệu lực từ năm 2006, đến nay đã nảy sinh nhiều bất cập trong thực hiện.
 
Dự án Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội (dự án ESRT, do Liên minh châu Âu tài trợ) và Tổng cục Du lịch sẽ ghi nhận các ý kiến góp ý sửa đổi Luật Du lịch đến tháng 6-2012. DN và người dân trong vùng có địa điểm du lịch cũng sẽ được hỏi ý kiến và có quyền gửi góp ý.
 

Theo PLTP

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích