Trả lương cho ban điều hành sao cho thoả là điều các cổ đông khó lòng làm được, khi đa số doanh nghiệp vẫn chưa đưa ra được một tiêu chuẩn, thang bậc đo lường mức độ công việc, hiệu quả mang lại để hưởng một mức lương thưởng tương ứng.
Năm 2011, cổ đông Eximbank đã trả lương và thù lao, phụ cấp cho hội đồng quản trị (HĐQT) và ban kiểm soát của Eximbank (13 người) là 1% trên lợi nhuận sau thuế 2011, tương đương 30 tỉ đồng.
Năm nay, với lý do đặt ra mục tiêu phấn đấu cao, nhiệm vụ nặng nề, đòi hỏi nỗ lực của HĐQT và ban kiểm soát ngày càng cao, nên HĐQT đề nghị cổ đông tăng thêm 50% so với mức năm ngoái. Nghĩa là, nếu Eximbank đạt được 4.600 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2012, cổ đông trả cho HĐQT và ban kiểm soát hơn 51,750 tỉ đồng, cao gần gấp rưỡi năm 2011.
“Các cổ đông không biết là chúng tôi đã làm việc căng thẳng như thế nào trong bối cảnh vài năm nay các hồ sơ tín dụng ngày càng rắc rối, chúng tôi duyệt hồ sơ đến 9 – 10 giờ đêm là chuyện thường. Hơn nữa, trong đó có những chi phí cho công việc tế nhị, quà cáp cho các bên…, chứ không phải trả hết cho HĐQT”, một thành viên HĐQT Eximbank trao đổi với phóng viên.
Trả lương cho ban điều hành sao cho thoả là điều các cổ đông khó lòng làm được, khi đa số doanh nghiệp vẫn chưa đưa ra được một tiêu chuẩn, thang bậc đo lường mức độ công việc, hiệu quả mang lại.
Năm 2011, lợi nhuận trước thuế của Eximbank đạt 4.056 tỉ đồng. Kế hoạch lợi nhuận trước thuế 2012 là 4.600 tỉ đồng, chỉ tăng 13%. Còn ACB, ngân hàng có vốn điều lệ thấp hơn 3.000 tỉ đồng so với Eximbank, làm ra 4.200 tỉ đồng (số tròn) năm 2011 và đặt kế hoạch 5.500 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế 2012.
Theo báo cáo thường niên năm 2011, thu nhập của ban tổng giám đốc ACB năm 2011 (12 người) là 17 tỉ đồng (làm tròn số), thù lao trả cho HĐQT (13 người) là 7,6 tỉ đồng, cho ban kiểm soát là 3,24 tỉ đồng. Cộng tất cả khoản chưa bằng HĐQT và ban kiểm soát ở Eximbank (chưa kể ban tổng giám đốc).
Như vậy, cổ đông Eximbank đã đặt đúng vấn đề cho HĐQT Eximbank: “Kế hoạch tăng trưởng bình thường, trong khả năng của ban lãnh đạo, mức lương thưởng vậy là quá nhiều”. Hơn nữa, theo cổ đông này, một số trong HĐQT đã chưa dành hết tâm sức của mình cho Eximbank, khi họ kiêm nhiệm hàng loạt các chức danh bên ngoài khác.
Ở nhiều đại hội cổ đông cũng như trong báo cáo thường niên của các ngân hàng và doanh nghiệp, người ta khó thể tìm thấy những thông tin cụ thể về mức lương thưởng của các CEO. Các cổ đông – những ông chủ doanh nghiệp – hầu như không hề biết mình trả lương thưởng cho ban điều hành bao nhiêu, liệu có thiệt thòi hay đang trả lố.
Trả thấp hay lố, nhiều cổ đông căn cứ vào hiệu quả hoạt động doanh nghiệp. Năm năm kể từ 2007, CEO của REE hưởng mức lương 100 triệu đồng/tháng. Năm 2012, với lý do hiệu quả hoạt động công ty chưa như ý muốn, CEO này chưa muốn nâng lương. Song, các cổ đông vẫn tự hỏi, năm 2010 lợi nhuận trước thuế hợp nhất của REE chỉ đạt 88,57% kế hoạch, giảm gần 21% so với năm 2009, tại sao không thấy CEO của REE tự giảm lương?
Khi được hỏi khả năng hoàn thành kế hoạch, ông Lê Hùng Dũng, chủ tịch HĐQT Eximbank chỉ lấp lửng rằng nền kinh tế khó khăn và nhiều biến động, nên kết quả có thể đạt được hoặc không, cũng như ông cũng không giải thích được rõ ràng hơn vì sao tăng lương thêm 50%.
“Khi tăng lợi nhuận, các CEO đòi tăng thêm phần thưởng, còn khi lợi nhuận không đạt, họ vẫn hưởng đúng số tiền đó, vậy là không hợp lý”, một cổ đông của Eximbank nói.