GS. Võ Tòng Xuân: Phải làm gạo xuất khẩu có thương hiệu

Thứ năm, 31/05/2012, 15:55
Ngôi nhà sống hằng ngày và căn phòng làm việc của GS. Võ Tòng Xuân nằm trong khuôn viên Trường Đại học Tân Tạo ở Long An, nơi ông đang giữ cương vị hiệu trưởng, rất đẹp và tiện nghi. Nhưng cũng giống như căn nhà kỷ niệm và phòng làm việc tại Trường Đại học An Giang trước đây, nơi ở mới của ông luôn hiện diện hai thứ không thể thiếu: tấm di ảnh của người vợ thân yêu và những mẫu gạo nghiên cứu mới nhất.


GS. Võ Tòng Xuân

 
Ở tuổi 72, sau gần 40 năm cống hiến hết mình cho ngành nông nghiệp Việt Nam, đào tạo ra nhiều kỹ sư giỏi, GS. Võ Tòng Xuân hoàn toàn có thể mãn nguyện để nghỉ ngơi. Nhưng như cách ông nói đùa, và cũng rất thật, cuộc đời ông còn phải “tung” ra hai cú đấm cuối nữa là: giáo dục đào tạo hiện đại và thực hiện mô hình nông nghiệp tiên tiến.

Năm 2010, ngoài việc nhận lời làm Hiệu trưởng Trường Đại học Tân Tạo, GS. Võ Tòng Xuân còn là người chủ trì thành lập Công ty CP Đầu tư nghiên cứu và Xuất khẩu gạo thơm ITARICE. Ngày 3/4/2012, ITARICE đã được nhận Giấy chứng nhận hệ thống thực hành nông nghiệp tốt cho sản phẩm lúa trên diện tích 60,3ha. Chương trình được thực hiện tại bốn huyện của tỉnh Long An, gồm: Đức Huệ, Đức Hòa, Thủ Thừa và Bến Lức.

Những ngày sát Tết 2012, khi những sinh viên khóa đầu Trường Đại học Tân Tạo đã được về nghỉ cùng gia đình, muốn tìm gặp GS. Võ Tòng Xuân, phải chạy hơn 30km xuống huyện Đức Huệ. Lội bộ một đoạn đường đủ “toát mồ môi” để đến những khu ruộng đang áp dụng mô hình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt toàn cầu - Global GAP, thấy ông đang xắn quần lội ruộng miệt mài hướng dẫn các kỹ sư, vây xung quanh là những nông dân miệt vườn chăm chú theo dõi.

“Khều” nhẹ một lão nông hỏi chuyện, ông già miệt vườn này còn bỏ nhỏ: “Không chỉ lội ruộng giảng dạy kỹ thuật, giáo sư còn làm tụi tui ngưỡng mộ nhiều chuyện. Tiêu chuẩn Global GAP có nhiều quy định thật khắt khe như hộ sản xuất lúa phải có nhà vệ sinh tự hoại, không được dùng hố tiêu kiểu bờ kênh như trước. Vậy mà “ổng” tới từng nhà, dắt tụi tui ra từng hố tiêu giảng giải, khiến ai cũng thấm thía”.

-  Giáo sư đã thực hiện được nguyện vọng của mình là làm sao tăng năng suất cho cây lúa Việt Nam. Nhưng điều đó với ông là chưa đủ?

Gần 40 năm giúp nhà nông trồng lúa, tôi tự hào đã góp phần tăng năng suất, để Việt Nam là nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai thế giới. Nhưng còn một điều khiến tôi mãi trăn trở: Vì sao nông dân làm ra lúa ngày càng nhiều mà chưa giàu?

Vấn đề nằm ở chỗ đầu ra, doanh nghiệp không dám làm thẳng với nông dân. Nguyên nhân sâu xa là sau năm 1975, mặc dù Nhà nước làm rất tốt mô hình kinh tế nông thôn, mỗi tỉnh ứng trước vật tư nông nghiệp cho nông dân, kỹ sư khuyến nông xuống hướng dẫn bà con làm.

Thế nhưng, tới khi thu hoạch bán cho công ty, nông dân lại cùng cán bộ thu mua đổ nước vào lúa cho nặng thêm, cùng nhau chia lợi. Cuối cùng, công ty thu mua không có lúa tốt, để một thời gian lúa bị mốc. Chính vì vậy, công ty rút ra bài học là họ chỉ làm qua thương lái.

-  Chúng ta đã có nhiều mô hình trồng lúa khá hiện đại, nhưng lợi tức của nông dân vẫn không cao?
 


Mô hình cánh đồng mẫu lớn ở Sóc Trăng


Có một mô hình rất thành công ở xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang do Công ty ADC khởi sự. Họ mời công ty tư vấn xuống hướng dẫn nông dân làm Global GAP cho lúa.

Kết quả thu được rất tốt, phía Công ty ADC mua giá cao hơn giá thị trường 10-15% với thương hiệu gạo Tứ Quý. Nhưng ADC cũng không vượt qua được rào cản là họ không làm mô hình này lớn hơn được, vì khi xuất khẩu lại đụng các quy định của Tổng công ty Lương thực Miền Nam và Hiệp hội Lương thực Việt Nam.

Cộng vào đó là gạo làm ra bán trong nước giá lại cao hơn xuất khẩu, nên cuối cùng họ chỉ làm cho thị trường nội địa. Hay như loại gạo ngon ở Sóc Trăng là ST4, ST5, rồi bây giờ là ST20, bán tại TP.HCM giá tới 20.000 đồng/kg, tính ra là 1.000 USD/tấn, trong khi xuất khẩu chỉ có giá 400-500 USD/tấn.

Khổ tâm nữa là cứ mỗi khi bước vào vụ mùa mới, nông dân lại không biết phải trồng loại giống gì để dễ bán. Bởi vậy, công ty nào quảng cáo gì, nông dân cũng ráng theo mà làm, nhưng đến khi thu hoạch thì lại là thương lái mua.

Hay như suốt từ năm 2007 đến nay, vào vụ Đông Xuân, cường độ ánh sáng dồi dào nên lúa cho năng suất cao, nhưng các công ty lương thực lại không mua với lý do khách hàng chưa đặt hàng. Nông dân bị đại lý hối thúc nên giá nào cũng bán... Vì vậy, không khi nào người nông dân được hưởng giá cao.

-  Các loại gạo Việt cùng chất lượng với gạo Thái Lan nhưng giá luôn thấp hơn từ 7 -20USD/tấn và thấp hơn gạo của Mỹ đến 220USD. Nguyên nhân là do gạo Việt Nam chưa có thương hiệu, hay phía nhập khẩu chưa có niềm tin?

Trong 3 năm nay, tôi luôn đề xuất cách làm sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Tức là qua mỗi một khâu, giá trị của mỗi món hàng sẽ tăng lên. Cụ thể, nhà khoa học chọn giống tốt, áp dụng quy trình sản xuất chặt chẽ trong quá trình thực hiện với nông dân để từ đó cho ra một loại giống có chất lượng cao nhất với giá thành thấp nhất.

Sau đó, công ty chế biến gạo với máy móc thiết bị tốt sẽ cho ra sản phẩm gạo chất lượng cao, có thương hiệu, bán được với giá cao ở trong và ngoài nước. Từ trước đến nay, gạo Việt Nam bán không có thương hiệu.

Bởi thương lái mua nhiều loại lúa của nông dân rồi trộn lẫn với nhau, đem xay xát, đánh bóng. Khi doanh nghiệp xuất khẩu nhận hàng theo ký kết thì chỉ nhận được loại gạo trộn đó.

Tôi tham dự hội nghị về thương mại lúa gạo quốc tế, những nhà nhập khẩu gạo Việt Nam đều nói chúng ta không nên trộn lẫn gạo với nhau, giống nào phải ra giống đấy. Tôi nói không làm được, vì các doanh nghiệp Việt Nam không làm riêng một vùng nguyên liệu, mà phải mua nhiều thứ trộn lại. Nếu làm theo chuỗi giá trị như tôi đề xuất, chắc chắn chúng ta sẽ xây dựng được thương hiệu tốt cho gạo Việt Nam.

-  Giáo sư luôn tâm đắc với ý tưởng thành lập công ty cổ phần nông nghiệp mà trong đó nông dân là các cổ đông. Chủ trì thành lập Công ty ITARICE với việc thử nghiệm mô hình Global GAP tại Long An là bước đi đầu tiên cho ý tưởng đó?

Khi thực hiện mô hình Global GAP, chúng tôi muốn hạn chế tối đa những thiệt thòi cho nông dân. Đầu tiên, làm sao phải giảm bớt các khâu trung gian để người nông dân được trực tiếp nhận phân bón và thuốc trừ sâu.

Công ty sẽ đảm nhận khâu lấy phân bón, thuốc xịn về cho nông dân. Chi phí ứng trước này không tính lời, giá mua phân, thuốc được tính theo giá đại lý cấp 1. Ngoài chuyện không lo thuốc giả, nông dân còn không phải lo thiếu nợ, chỉ việc ký tên là nhận thuốc, nhận phân.

Bởi áp lực tiền mặt đối với người nông dân trong quá trình sản xuất rất lớn. Nhưng hướng lâu dài, theo tôi, sản xuất hiện đại sẽ đem lại lợi tức cho nông dân và xây dựng được thương hiệu cho gạo Việt Nam. Nhưng lợi tức này sẽ cao hơn nếu chúng ta đi tiếp một bước nữa là khi nông dân nhận thấy làm ăn với công ty tốt, chúng ta sẽ lập ra công ty cổ phần nông nghiệp và bán cổ phiếu cho nông dân.

Ví dụ, người nông dân mùa này thu hoạch được 7 tấn thì trích ra 300kg để mua cổ phiếu, còn 6.700kg đưa cho công ty chế biến và tiêu thụ. Chỉ sau 10 ngày, trong tài khoản người nông dân đã có tiền.

Tới cuối năm, công ty tổng kết lãi, lỗ và chia thêm cổ tức, căn cứ trên số cổ phiếu nắm giữ của từng người. Như vậy, không có chuyện công ty thu mua ăn gian hay cố tình chèn ép giá lúa như đã xảy ra thời gian qua.

Người nông dân sẽ không bị ai hối đòi tiền trong quá trình sản xuất, mọi thứ công ty lo hết. Và có thể tiến tới mức người nào bán lúa nhiều cho công ty sẽ được thưởng. Như vậy, người nông dân sẽ không bao giờ bị lỗ lã như trước đây, mà luôn thấy có lời.

Ví dụ, thời điểm họ giao lúa cho công ty giá chỉ 4.800 đồng/kg, nhưng 5 ngày sau nếu giá lúa lên 5.500 đồng, thì phần chênh lệch giá đó không vào ngay túi nông dân, mà đến cuối năm, công ty sẽ chia lãi vào cổ phiếu.

-  Mô hình công ty cổ phần rất hiện đại, nhưng cái khó nhất là giải thích, thuyết phục nông dân hiểu được cái lợi khi trở thành cổ đông, thông qua việc mua cổ phần. Ngoài ra, chính các nhà đầu tư cũng không tin tưởng vào sự hợp tác này nên hiện không mấy ai tự nguyện rót vốn thành lập công ty?

Tôi rất muốn ITARICE đi theo hướng này. Vì mục tiêu cuối cùng là làm sao cho lợi tức của người nông dân tăng lên. Muốn vậy thì phải cho họ làm chủ. Nhưng có thể nói, các doanh nghiệp đầu tư và nông dân hiện chưa tin nhau. Do đó, cần có thời gian để hai bên tin nhau.

Tôi ở Nhật lâu nên rất “khoái” cách làm của người Nhật. Tôi hỏi một nông dân: “Vì sao lúc nào các ông cũng trồng trọt theo đúng lịch thời vụ vậy?”. Ông ta trả lời: “Chính quyền đã nghiên cứu kỹ, chúng tôi làm theo mà không thành công thì có quyền kiện chính quyền bồi thường thiệt hại”.

Việt Nam cần phải có những doanh nhân làm theo kiểu hiện đại thì ngành nông nghiệp của mình mới tiến lên được. Mở một hộp bánh của Nhật, tôi thấy hộp bánh, giấy bao bánh, giấy lót hộp, rồi mới tới bánh do nhiều cơ sở cùng làm. Tất cả cùng nhau tạo ra việc làm”.

-  Kế hoạch ban đầu công ty đề ra là thí điểm mô hình Global GAP trên 100ha, nhưng cuối cùng chỉ có 60,3ha. Có phải do người nông dân không hào hứng với mô hình này?

Ở Đức Huệ, khi làm vụ Đông Xuân, đầu tiên có 100 nông dân đăng ký tham gia. Nhưng sau khi tư vấn cho họ về cách làm cũng như những nguyên tắc thực hiện, như: không làm nhà vệ sinh trên ruộng, bón phân kiểu mới... thì một số người đã rút.

Vì vậy, dự tính làm 100ha, nhưng sau đó chỉ còn 60,3ha. Điều này cũng rất bình thường, vì nông dân thường làm theo cách truyền thống, muốn họ tin vào cách làm mới, cần phải có thời gian.

Thật sự là khi chúng tôi làm qua một đợt rồi, người dân mới công nhận rằng, trước đây nhà khoa học nói phải bón lót trước khi sạ, chúng tôi thấy kỳ quá vì chưa có hột lúa nào xuống thì bón lót làm chi cho uổng. Nhưng đúng là cách bón phân đó giúp cho đất có sinh lực hơn, cây lúa phát triển tốt hơn.

Hay như việc giảng giải nguyên nhân làm lúa truyền thống khiến biến đổi khí hậu, người nông dân cũng đâu có hiểu. Các nhà kinh tế thế giới đã chứng minh, thâm canh lúa kiểu Việt Nam làm cho biến đổi khí hậu nhanh hơn những ngành nghề khác.

Như việc trộn rơm rạ vào đất làm phân hủy, lên men cho ra khí metan làm ấm khí quyển; hoặc sau khi thu hoạch lúa, việc đốt rơm sẽ đưa thêm khí CO2 vào khí quyển; bón phân đạm quá nhiều sẽ độc gấp 310 lần khí CO2...

Nhóm nông dân tham gia chương trình của chúng tôi vừa qua đạt năng suất khá tốt, từ 7-8 tấn lúa/ha. Trong khi theo tính toán, chỉ cần năng suất 5,5-6 tấn/ha là đã có lời. Nhờ áp dụng cách làm mới, chi phí cho 1kg lúa chỉ từ 1.800-2.200 đồng, trong khi chi phí thông thường là gần 3.000 đồng.

-  Giáo sư là người luôn ấp ủ hoài bão lớn. Có lẽ mô hình này không chỉ dừng lại ở khu vực Long An?

Tôi có hai hoài bão: đào tạo nhiều cán bộ nông nghiệp và để cho đời sống người nông dân khá lên. Điều đầu tiên tôi đã làm được, nhưng vế thứ hai thì chưa. Làm cho người nông dân có nhiều lúa hơn thì dễ, nhưng tăng lợi tức thì khó. Đây là cú đấm cuối cùng của tôi.

Phải làm gạo xuất khẩu có thương hiệu. Đợt này chúng tôi chỉ làm hơn 60ha, nhưng làm để nông dân thấy và tin. Tôi hy vọng nhiều công ty khác cũng làm thế ở các vùng khác.

Cách đây 2 tuần, tôi tiếp anh Huỳnh Long nổi tiếng về hệ thống siêu thị ở Anh. Anh Long nói: “Gạo bán trong hệ thống siêu thị của em toàn gạo Thái Lan, em rất ức. Thầy làm sao để siêu thị của em có thể bán gạo Việt Nam thật chất lượng như gạo Thái Lan, em bảo đảm sẽ tiêu thụ tốt”. Mục tiêu của ITARICE là xuất khẩu, nhưng hiện mới chỉ làm trong nước. Vì muốn làm xuất khẩu, phải có diện tích trên 10.000ha.

-  Mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” ở An Giang được công nhận và nhân rộng từ An Giang cho đến một số tỉnh, thành. Nhưng trong HĐQT Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang, nhiều cổ đông lớn không đồng tình với cách làm này vì cho rằng lợi nhuận không cao?

“Cánh đồng mẫu lớn” với cách làm là toàn bộ diện tích được doanh nghiệp ứng trước giống, thuốc bảo vệ thực vật và hướng dẫn kỹ thuật canh tác. Khi thu hoạch lúa, doanh nghiệp cho phương tiện đến vận chuyển đến nhà máy, đưa vào sấy đạt tiêu chuẩn không tính chi phí.

Nếu thời điểm thu hoạch lúa giá lúa chưa tốt, doanh nghiệp cho nông dân đưa lúa vào kho tạm trữ trong vòng một tháng. Chính khâu hỗ trợ cuối cùng này, các cổ đông lớn cho rằng phía Công ty sẽ chịu thiệt và chỉ lời mỗi khâu bán thuốc.

Tuy nhiên, có một điểm cần xem xét ở đây là, theo nông dân cho biết, giá thuốc tại đại lý do công ty chỉ định đôi khi cao hơn cả giá đại lý cấp 3 trong xã. Trong khi đó, do chưa đủ nhà máy chế biến, nên Công ty chưa trực tiếp thu mua hết lúa của nông dân tham gia, và vẫn phải tìm đến các công ty có đầu ra.

Dù rằng mục tiêu để cho nông dân trữ lúa khi nào giá cao thì bán, nhưng do ai cũng cần tiền nên họ buộc phải bán cho thương lái với mức giá không vừa ý. Vì vậy, làm như thế chưa bền.

-  Xin cảm ơn giáo sư!


Theo Doanhnhansaigon

Các tin cũ hơn