Gỗ sưa có thực sự quý như lời đồn đại?

Thứ năm, 31/05/2012, 10:47
Gần đây, dư luận xôn xao về cơn sốt gỗ sưa mà nghe nói, giá có thể lên tới 10 triệu đồng/kg gỗ sưa già. Nhưng theo các nhà lâm nghiệp, trước nay, cây này vẫn được trồng xen lẫn rừng tự nhiên. Hiện chỉ có thương buôn Trung Quốc mua và cũng không biết họ mua... để làm gì (?!)

Cơn sốt gỗ sưa đã khiến một số nhà vườn chuyên cung cấp giống là có lợi! Giá cây giống được thị trường tung hứng, có nơi chào đúng 2.000 đồng/cây và cũng có nơi “hét” giá... từ 30.000 – 40.000 đồng/cây.


Sưa con mỗi nơi một giá

Ngày 30/5, trong vai người đi mua sưa về trồng, phóng viên đã tiếp cận một trại phân phối giống cây sưa tại đường số 16, P. Bình Hưng Hòa, Q. Bình Tân, TP.HCM. Chị Nga, chủ trại giống này cho biết, giá một cây con đã vô bầu được 8 tháng, cao từ 20-30cm là 30.000 đồng. Còn cây đã vô bầu được 10 tháng, cao từ 30 – 45cm có giá 40.000 đồng/cây. Mua từ 100 – 500 cây sẽ được tặng thêm 5% số cây đã mua, từ 500 – 1.000 cây tặng thêm 7% số cây, từ 1.000 cây được tặng 10% số cây mua. Mua từ 1.000 cây trở lên sẽ có xe chở đến tận nơi dù ở tỉnh nào.
 
Theo chị Nga, khoảng 15.000 cây giống sưa của chị được ươm tại tại Hòa Vinh, Đông Hòa, tỉnh Phú Yên đưa vào. Đây là giống sưa đỏ, hạt giống được lấy tại các cây sưa trong vườn Bách Thảo ngoài Hà Nội và phải đặt trước một năm mới có được hạt. Có rất nhiều người tại Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước… cả miền Tây đã mua cây giống của chị về trồng. Khi được hỏi xin số điện thoại của những khách hàng đã mua sưa giống trước đó với lý do tìm hiểu xem trồng có hợp đất không, chị Nga từ chối cho số.

Liên lạc với vườn ươm gốc ngoài Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, một người tên Phúc cho biết, số cây lớn đã được chuyển hết vào TP.HCM. Muốn lấy cây tại Đông Hòa phải chờ hai tháng nữa vì số cây này được chuẩn bị cho mùa mưa của miền Trung, bắt đầu từ tháng 9 hàng năm. Theo anh Phúc, đây là loại cây rừng rất dễ trồng.

Tiếp tục liên lạc với một vườn ươm tại Tam Quan, Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, anh Trần Hoàng Tú, chủ vườn ươm này cho giá: Cây con đã ươm được 8 tháng, cao khoảng 30cm có giá 8.000 đồng/cây. Với cây ươm được 10 tháng cao từ 40 – 50cm có giá 10.000 đồng/cây. Với giá trên, cây được bao vận chuyển đến tận nơi nếu mua với số lượng lớn. Theo anh Tú, số cây con này được lấy từ những cây sưa đỏ 15 – 16 năm tuổi của gia đình. Mỗi cây hiện nay đã có người trả giá từ 6 – 7 tỷ đồng.

Một vườn ươm tại Hợp Châu, Tam Đảo chào với giá 2.000 đồng/cây mua tại vườn. Anh Trần Hải Linh, chủ vườn ươm này cho biết số cây này đã ươm được 10 tháng, cây đã cao được khoảng 40cm. Đây là giống sưa đỏ của Vĩnh Phúc, được anh lấy hạt từ năm cây sưa đã có trên 40 năm tuổi do ở nhà trồng.

Anh Linh giải thích, sở dĩ giá cây giống của anh rẻ là do hạt giống của nhà. Gia đình ươm theo quy mô trang trại, có kinh nghiệm nhiều năm. Anh Linh cam đoan, 100% giống sưa của anh là sưa đỏ. Anh sẵn sàng mua lại sau khi trồng. Theo anh Linh, sau khi trồng 3 – 5 năm (tùy chăm sóc) mỗi cây sưa có giá ít nhất 1 triệu đồng. Nếu sưa được 10 năm tuổi, giá còn cao hơn nhiều.


Chỉ người bán giống là có lợi

Cây sưa quý đến mức nào? TS Nguyễn Phú Hùng, Phó Viện trưởng Viện Điều tra quy hoạch rừng (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã cho một thông tin khá bất ngờ... Theo ông, từ trước đến nay, cây sưa trồng bình thường như các loại cây khác. Ở miền Trung, cây sưa được trồng rất nhiều trong rừng. Cây mọc và phát triển tương đối nhanh. Tuy nhiên, công dụng của gỗ cây sưa chưa ai biết như thế nào mà chỉ là qua đồn đại. Hiện thị trường mua chủ yếu là Trung Quốc, nhưng cũng không ai biết họ mua về để làm gì (?!).

 

Sưa giống được bán với giá 30-40.000 đồng/cây tại một trại giống ở TP.HCM

Còn TS Nguyễn Quang Dương, Vụ trưởng Vụ Phát triển rừng, Tổng Cục lâm nghiệp cho biết rõ hơn, cây sưa là một loại cây dễ trồng, sinh trưởng tương đối nhanh. Dù chưa có nghiên cứu đầy đủ, nhưng cây sưa cũng phát triển nhiều đến 5-6 phần so với cây keo. Mấy năm gần đây, có thời kỳ người ta thu mua gỗ sưa nhiều nên rất nhiều người đã lập vườn ươm, người dân đổ xô đi trồng sưa.

Vĩnh Phúc có rất nhiều vườn ươm cây sưa. Quảng Bình cũng có một số khu làm vườn ươm cây sưa. Sinh thái tại Việt Nam cũng rất phù hợp với sự phát triển của cây sưa. Hiện cây này tập trung ở các khu rừng đặc dụng. Giá trị của cây sưa hiện ở Việt Nam chưa biết như thế nào. 

TS Nguyễn Phú Hùng phân tích thêm, người dân chủ yếu nghe thông tin rồi đổ xô đi trồng, người bán cây con có lợi rất nhiều. Với các giống cây lâm nghiệp khác giá chỉ từ 1.000-2.000 đồng/cây, nay cây này họ bán với giá 20.000-40.000, thậm chí có nơi bán 50.000/cây nhưng người dân vẫn đổ xô mua. Chỉ cần Trung Quốc ngừng mua, người dân sẽ lại lao đao. Bài học từ cây trầm (dó bầu) trước đây, có một thời người dân cũng lao vào trồng khiến cho những người làm, bán giống kiếm lời lớn. Trong khi đó, nhân giống cây này không khó khăn. Hiện cây sưa là cây được xếp vào diện được bảo tồn, cấm chặt hạ, kể cả đối với rừng trồng.

Theo TS Nguyễn Quang Dương, hiện chưa có nghiên cứu kỹ về cây sưa. Sắp tới, có thể Vụ Phát triển rừng sẽ đề xuất xây dựng đề án nghiên cứu, phát triển cây sưa. Ngoài ra, Tổng cục Lâm nghiệp cũng nghiên cứu thị trường các nước xem họ mua để làm gì để nghiên cứu trồng và phát triển loại cây này. Trước mắt, các giống hiện nay bán trên thị trường chất lượng thế nào không ai dám khẳng định. Với cây sưa phải tối thiểu 15 năm mới cho thu hoạch gỗ. Nếu chưa hiểu rõ về giá trị gỗ cũng như nhu cầu thị trường mà khuyến khích người dân trồng thì rất nguy hiểm. Lo là trồng nhiều đến lúc không ai mua thì không biết phải làm sao.

 
TS Nguyễn Phú Hùng, Phó Viện trưởng Viện Điều tra quy hoạch rừng: Cây sưa có tên khoa học là Dalbergia bouruana gagu thuộc họ đậu Fabaceae, là cây thân gỗ lớn, sinh trưởng tương đối nhanh. Cây sưa đã được các hộ gia đình trồng ở vườn nhà từ lâu đời, rải rác có ở các vùng rừng núi trung du và miền núi Bắc bộ.

GS.TSKH Trần Duy Quý, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam: Cây sưa chỉ có giá trị về mặt tâm linh với người Trung Quốc. Về mặt khoa học, cây này không quý bằng trầm
hương. Ở Việt Nam, ít người quan tâm nghiên cứu cây sưa.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích