Cô gái người Việt 23 tuổi làm sếp ở châu Phi

Thứ năm, 31/05/2012, 11:20
Tốt nghiệp khoa tiếng Bồ Đào Nha, Đại học Hà Nội, chỉ sau một năm làm việc, Bùi Thúy Ngà được bổ nhiệm làm phó giám đốc chi nhánh Movitel (công ty của Viettel tại Mozambique) khi mới 23 tuổi.
Khi được Viettel tuyển dụng và cử đi Mozambique, kỹ năng đáng giá nhất ở Ngà là tiếng Bồ Đào Nga – chuyên ngành chính của cô sinh viên Đại học Hà Nội. Vào thời điểm đó, Ngà nghĩ công việc của mình chỉ là phiên dịch cho các nhân viên ở Mozambique. Thế nhưng, khi nhận  nhiệm vụ tại chi nhánh Movitel Inhambane – một tỉnh nằm ở miền nam của đất nước Mozambique, cách thủ đô Maputo gần 500km, Ngà mới hiểu rằng, mình phải làm nhiều công việc khác chứ không đơn thuần là một phiên dịch.
 
 
Chỉ sau một thời gian ngắn, Bùi Thúy Ngà thành thạo nhiều việc tưởng chừng chỉ dành cho đàn ông làm kỹ thuật.


“Hôm nay, em sẽ đi thuê nhà trạm với anh”, đó là nhiệm vụ đầu tiên mà giám đốc chi nhánh giao cho Ngà. Thế rồi, chuyện đi tuyến với Ngà trở thành bình thường, bởi ở đây chỉ mình Ngà biết tiếng Bồ, phải đi theo để dịch giúp mọi người. Trong quá trình đi tuyến, Ngà học được rất nhiều kiến thức về kéo cáp trồng cột. Tuy nhiên, để có thể truyền tải thông tin đầy đủ, dễ hiểu tới các đồng nghiệp Mozambique, Ngà buộc phải hiểu như một chuyên gia kỹ thuật thực sự. Nhờ tính ham học hỏi và sẵn sàng làm thực tế, Ngà nhanh chóng thuộc tất cả các quy trình, học được cách làm và có thể hướng dẫn tốt cho nhân công người Mozambique.
 
Chỉ sau một thời gian ngắn, cô sinh viên mới ra trường đã thành thạo nhiều công việc tưởng chừng chỉ dành cho đàn ông và dân kĩ thuật mạng lưới như trồng cột, kéo cáp hay xây trạm... Sau vài tháng, Ngà có thể tự đi một mình, giám sát việc thực hiện của các đội kĩ thuật Mozambique. Về chi nhánh được 4 tháng, Ngà đã đi hết tất cả các huyện, các trạm và các tuyến của tỉnh.
 
Có hôm, Ngà phải đi một mình lên tuyến cách chi nhánh 400 km để kiểm tra. Tới nơi, cô sinh viên tiếng Bồ khá lo lắng vì tuyến này nhiều cây cối, nhà dân thì không có, nên việc hoàn thành kéo cáp rất khó khăn. Thế nhưng, nhìn thấy các công nhân Mozambique mặt lấm lem bùn đất vẫn cười tươi, Ngà lại thấy tự tin. Ngày hôm sau, Ngà cùng những nhân viên chủ chốt của đội kĩ thuật sở tại rong ruổi đi tìm thêm nhân công. Suốt mấy ngày trời, đồ ăn thiếu thốn, nơi nghỉ là một chiếc lều thuê của nhà dân không điện, không nước, nhưng Ngà và các nhân viên vẫn hoàn thành tuyến trong vòng 1 tháng.
 
Bùi Thúy Ngà tại lễ khai trương Movitel cùng các đồng nghiệp chi nhánh Inhamban.


Một lần khác, Ngà nhận nhiệm vụ phải lắp thiết bị truyền dẫn cho trạm cách trụ sở hơn 100km để cho các tỉnh khác phát sóng, chỉ trong 1 ngày. Từ sáng sớm, Ngà và 2 nhân viên phải tự đi mua sơn để sơn trạm, đi mua gạch men, xi măng để lát nền. Khi đó, cô sinh viên chưa từng làm xây dựng cũng tự trộn xi măng rồi rải ra nền nhà, đặt gạch lên và lát... Trong khi đó, các nhân viên kỹ thuật của chi nhánh lắp thiết bị truyền dẫn tới gần 1h sáng hôm sau thì hoàn thành. 
 
Tháng 10/2011, Phó tổng giám đốc Viettel Global - ông Nguyễn Duy Thọ đi kiểm tra chi nhánh tỉnh Inhambane, chứng kiến một cô gái rất nhỏ con chỉ huy cả một dàn lính kĩ thuật Mozambique to cao. Hôm đó, cả đội làm việc hăng say từ sáng sớm đến 2h chiều mà không ăn trưa để cố làm nốt. Vị lãnh đạo này khá ngạc nhiên khi biết cô gái nhỏ con phụ trách đội kỹ thuật còn đi tuyến hàng ngày.
 
Nhờ những đóng góp thường xuyên và không mệt mỏi, chỉ sau hơn một năm làm việc ở nước ngoài, cô sinh viên mới tốt nghiệp đã có quyết định bổ nhiệm làm Phó giám đốc Kinh doanh chi nhánh Inhambane vào một ngày tháng 11/2011 khi mới ở tuổi 23. “Hãy cứ đi rồi sẽ đến. Đó là một trong những cách giúp người Viettel, trong đó có Ngà - nữ phó giám đốc chi nhánh tỉnh Movitel, trưởng thành và thành công”, ông Nguyễn Duy Thọ - Phó tổng giám đốc Viettel Global chia sẻ.
 
Theo Infonet

Các tin cũ hơn