Sự bế tắc về đầu ra của thị trường bất động sản (BĐS) kéo dài khiến hàng loạt dự án căn hộ ở TP. HCM rơi vào tình trạng “đắp chiếu” vì chủ đầu tư không còn đủ khả năng thực hiện. Những đống tài sản của DN đang đứng trước nguy cơ trở thành phế thải.
Ông Phùng Văn Năng, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Nam Việt nói: “Đứng trên một tòa nhà cao tầng ở khu Nam Sài Gòn nhìn xuống, thấy nhiều dự án căn hộ xây dựng dở dang nằm phơi nắng phơi sương, thấy xót xa quá vì biết bao nhiêu tiền của DN đã đổ vào đó”.
Được khởi công xây dựng từ giữa năm 2010, dự án Căn hộ Green House (phường Linh Tây, quận Thủ Đức) do CTCP Bất động sản điện lực dầu khí Việt Nam (PVL) làm chủ đầu tư, sau khi xây dựng xong phần móng và chính thức công bố bán từ đầu năm 2011 thì bị dừng thi công.
Kế bên, dự án Căn hộ Phát Tài do Công ty Tân Hải Minh làm chủ đầu tư còn thê thảm hơn. Giữa năm 2011, sau khi vừa xây dựng xong phần móng, dự án này công bố chào bán, nhưng kế hoạch bán hàng không thành, từ đó tắt hẳn.
Số dự án căn hộ dở dang tại TP. HCM hiện lên đến hàng trăm
Tại các quận Tân Phú, Bình Tân, Gò Vấp, quận 9, Nhà Bè, đâu đâu cũng dễ dàng bắt gặp những dự án căn hộ trong tình trạng xây dựng xong móng hoặc vài tầng thì ngừng thi công.
Ông H, một khách hàng mua căn hộ dự án 584 Lilama SHB Town trên đường Thoại Ngọc Hầu (quận Tân Phú, TP. HCM) than thở: “Vì có nhu cầu nhà ở, tôi ký hợp đồng mua căn hộ dự án này gần 2 năm qua. Nhưng cả năm qua, dự án này gần như ngưng thi công hẳn, không biết đến bao giờ mới thi công trở lại”.
Cách đây hơn một năm, nhiều khách hàng đã bỏ tiền ra mua căn hộ dự án Nhựt Quang (tại quận Bình Tân) do Công ty TNHH Vận tải và thương mại Nhựt Quang làm chủ đầu tư, nhưng đến nay, tiến độ xây dựng dự án này vẫn không nhúc nhích.
Tổng giám đốc một DN địa ốc trước đây từng phân phối dự án này cho biết, vì dự án không xây tiếp nên khách hàng đang đòi lại tiền, chủ đầu tư cho biết, có thể sẽ xem xét việc trả lại tiền cho các khách hàng nhưng sẽ trừ 5% số tiền khách hàng đã đóng với lý do, đó là chi phí bán hàng (?).
Theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. HCM, hơn 90% dự án bất động sản tại TP. HCM đang bị chậm tiến độ, trong đó, ước tính có đến 70% dự án ngưng hẳn thi công.
Lối thoát nào cho các chủ đầu tư?
Theo ông Phạm Văn Hải, Tổng giám đốc Công ty Địa ốc ACBR, thực tế, không ít DN địa ốc khi thực hiện dự án, nguồn vốn tự có chỉ từ 15 -20% tổng giá trị đầu tư, phần vốn còn lại chủ yếu đi vay ngân hàng và huy động từ khách hàng. Tuy nhiên, cả 2 kênh huy động vốn trên đang bị tắc, nên nhiều dự án không có khả năng hoàn thành.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Lê Thành nhận định, các DN địa ốc đang trong vòng luẩn quẩn, không lối thoát: “Phần lớn các dự án đang xây dựng dở dang ít nhiều đã bán được một lượng hàng. Song do DN không có vốn để tiếp tục xây dựng nên khách hàng cũ không tiếp tục đóng tiền. Trong khi đó, DN lại không vay được vốn ngân hàng hoặc vay được nhưng lãi suất cao ngút nên cũng không dám vay”.
Theo ông Nghĩa, lối thoát tốt nhất cho các dự án đang xây dở dang là phải tìm được đầu ra của sản phẩm, mà muốn bán được sản phẩm thì phải đảm bảo được tiến độ xây dựng dự án. Để làm được điều này, còn phải chờ đợi khi nào DN thực sự tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất thấp, tâm lý khách hàng được khơi thông và chấp nhận mua sản phẩm.
Nhưng theo ông Đực, rất khó trông chờ vào nguồn vốn vay với lãi suất thấp. Cách tốt nhất để các DN có dự án bị đắp chiếu hiện nay tự cứu mình là chấp nhận tìm nhà đầu tư có năng lực tài chính bán để “cắt lỗ”. Vì nếu để lâu, chi phí đầu tư như lãi vay, tiền bị phạt do dự án chậm tiến độ sẽ càng lớn.
Đó là chưa kể, dự án không xây dựng theo thời gian có nguy cơ sẽ thành phế thải. Một cách khác, theo ông Đực là DN buộc phải thay đổi thiết kế, xây dựng dự án căn hộ có diện tích nhỏ, giá thành thấp để kích thích đầu ra thị trường.