Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho hay, nhiều người chưa hiểu được một cách thấu đáo thế nào là giảm trừ gia cảnh khi bình luận Bộ Tài chính "đứng ở ngoài cuộc sống của người dân".
Có ý kiến cho rằng, Bộ Tài chính khá bảo thủ trong việc xây dựng Dự luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân khi bỏ ngoài tai nhiều ý kiến đóng góp, quan điểm của ông thế nào?
Tất cả mọi phương án của Dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân cũng như mọi ý kiến đóng góp của dự luật này đều được chúng tôi ghi nhận và lắng nghe để hoàn thiện trình Chính phủ trong tháng 6. Không chỉ riêng với dự luật này mà với mọi sắc thuế trước khi ban hành, Bộ Tài chính với tư cách cơ quan soạn thảo, luôn cân nhắc kỹ trên tinh thần làm thế nào để để vừa đảm bảo được nguồn thu ngân sách vừa khoan được sức dân.
Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ.
Khi lạm phát tăng cao thì mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân lại giảm và sức ép sửa đổi luật này lại lớn hơn. Thời điểm sớm nhất để Dự luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực là khi nào?
Lạm phát đã được kiểm soát tốt, chỉ còn tăng 2,6% từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên mặt bằng giá vẫn còn cao, nên chúng tôi cho rằng càng nhanh sửa dự án luật này càng cần thiết.
Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng trên cơ sở cập nhật tình hình và đảm bảo cân đối ngân sách Nhà nước để có thể trình Quốc hội thông qua luật này vào thời điểm sớm nhất có thể.
Nếu Dự luật sử đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân trong kỳ họp cuối năm nay mới cho ý kiến, kỳ sau (tháng 6/2013) mới thông qua và Luật có hiệu lực sau 6 tháng mới ban hành. Nhưng nếu luật này tạo được sự đồng thuận cao và có thể thông qua trong một kỳ họp thì có thể thực hiện sớm hơn.
Còn nhiều tranh cãi xung quanh mức khởi điểm chịu thuế, thậm chí có ý kiến cho rằng "Bộ đứng ngoài cuộc sống của người dân", quan điểm của ông thế nào?
Việc tính tỷ lệ động viên và khoan sức dân mà chúng tôi đưa ra trong dự án luật sửa đổi lần này không chỉ ở mức khởi điểm chịu thuế giảm trừ gia cảnh mà còn tính đến cả việc giãn biểu thuế.
Như vậy, mọi phần bậc thuế đáng lẽ phải nộp ở bậc cao giờ được chuyển xuống nộp ở bậc thấp. Qua đó sẽ giảm được sức dân, giảm động viên ngân sách ở giảm trừ gia cảnh bằng cách giãn khoảng cách của các biểu thuế.
Có những bình luận như vậy có thể chưa hiểu được một cách thấu đáo thế nào là giảm trừ gia cảnh. Giảm trừ gia cảnh không phải là mức để đảm bảo đời sống tối thiểu mà phần còn lại sau khi đánh thuế mới là đảm bảo đời sống. Sau khi luật này được Chính phủ thông qua trình Quốc hội sẽ có những đối thoại cặn kẽ và toàn diện hơn.
Làm thế nào để doanh nghiệp có thể yên tâm chính sách thuế hỗ trợ có thể thực sự đến với họ?
Riêng giải pháp giãn thuế, giá trị gia tăng, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm tiền thu sử dụng đất... giúp doanh nghiệp có một lượng vốn khoảng 16.000 tỷ đồng để quay vòng sản xuất.
Nguồn vốn này được sử dụng ít nhất 6-9 tháng với lãi suất bằng 0. Điều đó giúp giảm được chi phí đầu vào, nhất là chi phí tài chính giúp doanh nghiệp có một khoản vốn để hoạt động, giảm bớt áp lực vay vốn của ngân hàng.
Đúng là trong dư luận có một số lo ngại về tính minh bạch về việc thực thi các giải pháp này ví dụ như giảm thuế miễn thuế chỉ tác động đối với doanh nghiệp có lãi? Làm thế nào để việc miễn giảm thuế đúng đối tượng?
Các vấn đề này đã được Chính phủ cân nhắc rất kỹ lưỡng. Đối với giải pháp giảm thuế thu nhập doanh nghiệp thì những đơn vị ngừng hoạt động hoặc kinh doanh không có có lãi thì sẽ không được hưởng lợi.
Tuy nhiên, tất cả các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, đơn vị sử dụng nhiều lao động sẽ được hưởng lợi trong gói giải pháp này cả về đầu vào đầu ra cũng như chi phí huy động vốn.
Khi nghị quyết 13 được ban hành, Bộ Tài chính đã yêu cầu cơ quan chức năng soạn thảo ban hành các thông tư hướng dẫn và tổ chức tập huấn cho cán bộ cơ quan thuế ở các địa phương.