Vụ Đan Mạch dừng viện trợ ba dự án ODA: Lỗi kỹ thuật hay lỗi hệ thống?

Chủ nhật, 03/06/2012, 09:53
Các chuyên gia phân tích, theo quy trình quản lý vốn ODA hiện hành nếu các đối tác VN là tổ chức phi chính phủ sẽ rất khó xảy ra tham nhũng.
Trong vụ này, cả ba đối tác phía VN đều là cơ quan nhà nước. Hiện nay, nhiều nhà tài trợ quốc tế tăng cường tiếp cận khối dân sự địa phương, tránh trung gian cơ quan nhà nước.
 
Quá trình điều tra hiện vẫn đang tiếp tục. Bước đầu, báo cáo của Price Waterhouse Coopers (PWC) cho rằng số tiền bị nghi sử dụng sai là 3.275.544 DKK (tức khoảng 11,5 tỉ đồng), bao gồm các nội dung: Dịch vụ tư vấn để tư lợi, chi vượt mức thực tế các trang thiết bị và thâm hụt quỹ so với số dư sổ sách kế toán.
 
Tờ Copenhagen Post ngày 30-5 trích lời của Bộ trưởng Phát triển Đan Mạch Christian Friis Bach tuyên bố: “Cần phải xử lý những người bị phát hiện đã sử dụng sai tiền viện trợ phát triển của Đan Mạch… Những kẻ gian dối phải bị chặn đứng và trừng phạt”. Ông Friis đã đề nghị Chính phủ Việt Nam hỗ trợ quá trình điều tra.
 
Khó tham nhũng ở khối phi chính phủ?
 
Viện trợ phát triển chính thức (ODA) là nguồn vốn do các chính phủ, tổ chức liên chính phủ hoặc phi chính phủ tài trợ cho các nước đang hoặc kém phát triển.

Xét về hình thức viện trợ, ODA có ba loại: không hoàn lại, cho vay ưu đãi (với lãi suất thấp, trong thời gian dài) và loại hỗn hợp - tức kết hợp cả hai dạng trên. Căn cứ chủ thể thực hiện, có thể phân chia ODA thành viện trợ cấp chính phủ (cơ quan nhà nước, đại sứ quán…) và viện trợ thông qua các tổ chức phi chính phủ.

Bốn dự án nghiên cứu về biến đổi khí hậu mà Danida tài trợ cho Việt Nam là viện trợ không hoàn lại, cấp chính phủ, với nguồn vốn do Danida - là tổ chức trực thuộc Bộ Ngoại giao Đan Mạch - cung cấp và đối tác phía Việt Nam đều là các cơ quan nhà nước (ĐH Quốc gia Hà Nội, Viện Khoa học-Công nghệ, Viện Di truyền Nông nghiệp…).

 
Những dự án bị ngưng viện trợ đều nằm trong lĩnh vực nghiên cứu biến đổi khí hậu.
 
Chính phủ đã có những quy định về quản lý ODA như Nghị định số 131/2006/NĐ-CP, Nghị định số 93/2009/NĐ-CP ngày 22-10-2009 về việc ban hành Quy chế Quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài. Theo bà Nguyễn Thúy Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Sống và Học tập vì môi trường và cộng đồng (Live & Learn), nói chung mỗi tổ chức trong lĩnh vực phát triển cộng đồng đều có quy định tài chính riêng, song quy định đó được xây dựng phù hợp với luật pháp Việt Nam và hệ thống quản lý tài chính của quốc gia mà tổ chức mẹ của họ trực thuộc.
 
Bà Hằng cho rằng trên nguyên tắc, việc tham nhũng ở khối phi chính phủ là không dễ xảy ra: “Việc kiểm toán và giám sát được tiến hành thường xuyên. Có những quy định chặt chẽ như phải báo cáo hằng tháng, hằng quý như thế nào, bao giờ phải nộp hóa đơn tài chính… và chỉ khi nào các hóa đơn được chấp nhận thì mới chuyển tiền cho lần sau. Với những quy định như thế, cộng với sự phối hợp giữa cán bộ quản lý chương trình của nhà tài trợ với cán bộ của bên đối tác thực hiện, nếu họ sát sao nữa, thì khó mà có tham nhũng”.

Bà Hằng không loại trừ một số trường hợp “có thể số tiền tài trợ quy mô nhỏ lẻ, bản thân tổ chức phi chính phủ đó giải quyết nội bộ được, nên chuyện không được đưa ra ngoài”. Song nhìn chung, theo bà Hằng, các vụ thất thoát, chi tiêu sai mục đích,… trong các dự án của khối phi chính phủ ở Việt Nam đến nay chưa có nhiều.


Đồng tình với bà Hằng, ông Hoàng Anh Dũng, Ban Nghiên cứu và Đào tạo, Viện Nghiên cứu Xã hội Việt Nam, cho rằng về nguyên tắc, viện trợ phát triển cho khối phi chính phủ, nếu thực hiện đúng quy trình yêu cầu thì khó mà xảy ra hiện tượng tham nhũng. Ví dụ, theo Nghị định 93, mỗi lần nhà tài trợ chuyển tiền thì đều phải có thủ tục xác nhận viện trợ với Cục Quản lý Nợ và Tài chính Đối ngoại của Bộ Tài chính.

“Chuyện tham nhũng, nếu có, nhiều khi xuất phát từ những khác biệt về quy định, luật lệ giữa nước viện trợ và nước đối tác. Ví dụ, ở một vài dự án nhỏ, phía viện trợ chỉ cấp kinh phí cho giám đốc, kế toán và một vài cán bộ dự án. Vậy còn tiền điện nước, chi phí thuê nhà chẳng hạn, những khoản đó thì ai trả? Vậy nên cán bộ quản lý dự án phải trích phần này, đắp vào phần kia… và cái đó tạo tiền đề cho tham nhũng”.

 
Tuy vậy, về căn bản, đó chính là tiền đề của việc “chi tiêu sai mục đích”, như trong các dự án Đan Mạch viện trợ. Chẳng hạn, dự án “Biến đổi khí hậu và các hệ sinh thái cửa sông ở Việt Nam” do Viện Hải dương học trực thuộc Viện Khoa học-Công nghệ Việt Nam thực hiện với đối tác Đan Mạch là ĐH Aarhus và ĐH Copenhagen.

Báo cáo của PWC cho rằng có một khoản 246.664 DKK đã được chi cho con gái một điều phối viên dự án để đi du học và khoản này được giám đốc dự án phê duyệt. “Không có quy trình tuyển chọn ứng viên du học. Cô con gái (của điều phối viên dự án đó) đã công tác tại Viện Hải dương học ba năm trước khi nhận học bổng nhưng gần đây đã thôi việc sau khi học xong. Sự vụ cần được xác minh thêm”.

 
Đã có những tiền lệ tham nhũng lớn
 
Chuyện tham nhũng hiếm xảy ra, như bà Hằng và ông Dũng nói, là ở khối phi chính phủ. Còn tại Việt Nam, thực tế là đã có những vụ án tham nhũng động trời như PMU 18 hay PCI.
 
Về điểm này, ông Hoàng Anh Dũng cho biết: “Ở Việt Nam lâu nay vẫn có mặc định là ODA là do Nhà nước tiếp nhận, nắm giữ, quản lý. Tuy nhiên, trên thực tế hoạt động không được hiệu quả và cũng đã có nhiều vụ án tham nhũng lớn xảy ra. Do đó, hiện các nhà tài trợ quốc tế có xu hướng yêu cầu phải để khối các tổ chức xã hội dân sự tiếp nhận ODA. Chẳng hạn, Nhật Bản đang tăng cường tiếp cận khối dân sự ở các địa phương, EU cũng tài trợ trực tiếp cho địa phương, hạn chế thông qua trung gian”.
 
Ông Dũng cũng nhận định trong vụ việc này, cần phải xem xét rõ: Việc giám sát của cơ quan chủ quản được thực hiện như thế nào, cơ chế quản lý của tổ chức thực hiện dự án, cơ chế vận hành của dự án ra sao? “Cần làm rõ sự vụ do hệ thống gây ra hay do lỗi kỹ thuật gây ra. Nếu do lỗi hệ thống thì đây là điều đáng tiếc vì bên tài trợ (Đan Mạch) đã không sớm nhận ra vấn đề này. Còn nếu là lỗi kỹ thuật thì phải nhanh chóng xác định được do bộ phận nào, cá nhân nào gây ra để có xử lý kịp thời, không gây ra ảnh hưởng tới toàn hệ thống và hình ảnh các tổ chức làm phát triển tại Việt Nam” - ông Hoàng Anh Dũng nói.
 

Xác minh thêm việc sử dụng ô tô
 
Dự án “Đánh giá xu hướng ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến điều kiện tự nhiên, môi trường và phát triển kinh tế-xã hội miền Trung” (ký hiệu P1-08-VIE) do Viện Địa lý trực thuộc Viện Khoa học-Công nghệ Việt Nam thực hiện với đối tác Đan Mạch là ĐH Roskilde và ĐH Copenhagen.

Theo báo cáo kiểm toán, dự án này chi 414.405 DKK học bổng (mà không có quy trình tuyển chọn rõ ràng), 179.319 DKK cho việc mua ô tô, ngoài ra còn nhiều khoản chi khác. Ngân sách chi để mua ô tô được thông qua “ngay từ đầu” nhưng không thấy ghi chép về nhật ký sử dụng. “Một người lái xe ở Viện (Địa lý) đã xác nhận là không thường xuyên dùng đến xe. Nghiên cứu tại hiện trường diễn ra ở miền Trung, vì vậy các chuyên gia đi thực địa bằng máy bay. Sự vụ cần được xác minh thêm”.


 
Ba loại tham nhũng
 
Theo phân loại của các học giả quốc tế, có các hình thức tham nhũng sau đây:
 
 Tham nhũng diễn ra ở tầng cao nhất trong hệ thống lãnh đạo, gọi là tham nhũng vĩ mô (ví dụ vụ PCI ở Việt Nam), với quy mô lớn, tính chất bí mật mà người dân thường không thể biết, không thể trực tiếp chứng kiến và phát hiện.
 
 Tham nhũng vi mô (tham nhũng “vặt”), diễn ra trong các lĩnh vực dịch vụ công như y tế, giáo dục… Trong đó người dân thường phải chi những khoản tiền ngoài mức quy định cho công chức để được việc mình.
 
 Dạng thức tham nhũng, trong đó cá nhân thăng tiến nhờ quan hệ thay vì nhờ năng lực. Đó chính là nạn “gia đình trị”. Hiện tượng “gia đình trị” phổ biến ở các nước đang phát triển và rất nguy hại vì nó dẫn tới việc để cho những cán bộ kém năng lực lọt được vào hệ thống.
 
(Nguồn: Dự án Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam - PAPI 2011)
 

Theo Pháp Luật TP

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn