Hoàn tất sáp nhập SHB – HBB: Phép cộng và nỗi lo nợ xấu

Thứ sáu, 10/08/2012, 09:10
“Sau sáp nhập, toàn bộ nghĩa vụ và tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp của HBB sẽ được chuyển cho SHB đồng thời HBB sẽ ra bố cáo chấm dứt hoạt động trong vòng 15 ngày, kể từ ngày 28.8.2012”, phó thống đốc ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nói vậy tại buổi họp báo công bố hoàn tất thương vụ sáp nhập ngân hàng cổ phần nhà Hà Nội (Habubank – HBB) vào ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) diễn ra ngày 9.8.


>> Chủ tịch Habubank: “Hối tiếc cũng phải dũng cảm sáp nhập”
>> 2,1 tỷ đồng để xóa tên Habubank trên biển hiệu
>> Đích cuối vụ sáp nhập Habubank vào SHB
>> Sếp Habubank vắng bóng trong ban lãnh đạo SHB mới
 

Theo ông Đào Minh Tú, quá trình sáp nhập đã diễn ra khá suôn sẻ đến thời điểm này. Về triển vọng của ngân hàng mới, ông Tú nói: “Sau sáp nhập, ngân hàng SHB sẽ phát triển nhanh hơn về quy mô, chất lượng… Tôi tin là ngân hàng mới sau sáp nhập sẽ tăng tính an toàn, hiệu quả hoạt động”.

Cộng cả tốt lẫn xấu

Về lý thuyết, việc sáp nhập tạo nên quy mô cả về vốn lẫn mạng lưới, khách hàng cho ngân hàng mới. Song về hiệu quả và chất lượng, quản trị từ tài sản cho tới quản trị rủi ro, còn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố.

Cũng như các ngân hàng, trong bối cảnh kinh tế có nhiều khó khăn, ngân hàng SHB sau sáp nhập phải giải quyết vấn đề nợ xấu có chiều hướng tăng. Mới đây, tổ chức Moody’s đã giảm hệ số tín nhiệm của SHB xuống một bậc do lo ngại độ an toàn, hiệu quả của SHB có thể sẽ kém đi khi sáp nhập với một ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao như HBB.

 


Trả lời câu hỏi của Sài Gòn Tiếp Thị về vấn đề này, ông Đỗ Quang Hiển, chủ tịch hội đồng quản trị của SHB thừa nhận, đánh giá của Moody’s là “phù hợp” bởi thực tế, trước khi sáp nhập, SHB đang có quá trình hoạt động tốt, trong năm năm liên tục được xếp vào ngân hàng loại A và năm 2012, được đưa lên nhóm ngân hàng 1 (được tăng trưởng tín dụng 17%).

Cho nên, khi tiếp nhận một ngân hàng đang thua lỗ như HBB, ảnh hưởng của HBB với SHB, theo ông Hiển, là “không thể tránh khỏi”.

Cụ thể hơn, theo lời của ông Đỗ Quang Hiển, hệ số an toàn vốn (CAR) của SHB sau sáp nhập, theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, ngân hàng là 11,39%, cao hơn chuẩn mực quốc tế (9%). Từ con số này, ông Hiển tỏ ra tin tưởng sau sáp nhập, hoạt động của SHB vẫn “an toàn, bền vững”.

Ông Hiển còn nói thêm về dự kiến năm 2013, hệ số tín nhiệm của SHB sẽ được điều chỉnh tăng trở lại. Tuy nhiên, việc xử lý khoản nợ xấu của HBB để lại không phải là chuyện một sớm một chiều.

Theo tiết lộ của ông Nguyễn Văn Lê, tổng giám đốc SHB, nợ xấu mà HBB để lại lên đến 3.729 tỉ đồng, khiến cho tỷ lệ nợ xấu tại SHB sau sáp nhập là 8,6%. Đáng chú ý là số nợ tập trung vào 50 khách hàng doanh nghiệp, chiếm đến 60% số nợ xấu.

Trong đó, chủ yếu là doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực: đóng tàu, sửa chữa, vận tải tàu biển (chủ yếu là Vinashin), giấy, nông sản… Vì vậy, kể từ khi được NHNN chấp thuận về nguyên tắc cho HBB về cùng một nhà, SHB đã phải thành lập ban quản lý, xử lý nợ để làm việc với từng doanh nghiệp…

Nhưng đến nay, vẫn có những doanh nghiệp chưa thể đòi nợ được ngay mà chính SHB phải tham gia vào cuộc tái cơ cấu, tổ chức lại các doanh nghiệp này để còn có khả năng thu hồi nợ.

Cụ thể như công ty cổ phần thuỷ sản Bình An (Bianfishco), theo ông Đỗ Quang Hiển, doanh nghiệp này có công nghệ chế biến khá hiện đại, thị trường đầu ra tốt, có giấy phép xuất khẩu trực tiếp vào Mỹ… cho nên, việc tham gia mua cổ phần, tái cơ cấu Bianfishco là điều cần thiết và đó là cơ hội thu hồi vốn đầu tư mà HBB đã rót vào công ty này.

Hay khoản nợ tại công ty TNHH đầu tư và phát triển Kenmark, nơi cả SHB và HBB đều cho vay (riêng SHB cho vay 14,5 triệu USD)… lãnh đạo SHB cho biết, đến cuối năm nay có thể thu hồi được.

Sắp xếp lại tổ chức

Do bước phát triển của các ngân hàng có nhiều điểm tương đồng như ngân hàng nào cũng có công ty chứng khoán, công ty địa ốc, nên sau khi sáp nhập, ban lãnh đạo SHB cũng phải tính đến chuyện cơ cấu lại một số công ty con.

Ví dụ như công ty chứng khoán Habubank, do Habubank chiếm tới 98% cổ phần thì SHB cũng có đề án tổ chức lại. Theo đó, thời kỳ đầu vẫn duy trì tỷ lệ sở hữu nhưng SHB cũng có lộ trình bán bớt cổ phần để có một tỷ lệ sở hữu hợp lý.

Còn một loạt vấn đề khác như SHB còn phải bỏ ra nhiều khoản chi phí để thay đổi thương hiệu, hình ảnh của các chi nhánh, văn phòng giao dịch của HBB. Ví dụ ở 90 điểm giao dịch của HBB, theo ông Đỗ Quang Hiển, có nơi giữ nguyên biển hiệu, chỉ thay tên.

Cũng có nơi phải sắp xếp lại do nhiều điểm giao dịch của HBB cũng ngay sát điểm giao dịch của SHB. Riêng chi phí thay đổi biển hiệu cho các chi nhánh trong giai đoạn 1 tính tới ngày 28.8 là 2,1 tỉ đồng.

Được biết, uỷ ban Chứng khoán đã cấp giấy phép phát hành cổ phiếu cho SHB từ 24 – 28.8, và SHB phải có trách nhiệm hoàn tất việc phát hành và hoán đổi cổ phiếu. Ngày 17.8, sẽ tiến hành huỷ cổ phiếu niêm yết của HBB và đến 20.9, SHB sẽ niêm yết cổ phiếu hoán đổi.


 

Theo SGTT

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn