Trò chơi sở hữu ở Tribeco

Thứ sáu, 10/08/2012, 09:31
Tribeco Bình Dương đã trở thành công ty TNHH một thành viên gần một tháng nay với chủ sở hữu là Uni-President đến từ Đài Loan. Khi công ty này đổi chủ, thì công ty cổ phần nước giải khát Sài Gòn (Tribeco) – công ty mẹ trước đây của Tribeco Bình Dương – toan tính chuyện giải thể.


>> Tribeco: “Buôn” nước ngọt, mất thương hiệu
>> Vì sao Tribeco muốn giải thể?
>> Thương hiệu đồ uống Tribeco lên kế hoạch giải thể công ty
>> Tribeco: Chết đắng trong mật ngọt


Hết sứ mệnh lịch sử

Nhìn lại lịch sử phát triển, bước ngoặt của một thương hiệu có tiếng trong thời kỳ đổi mới như Tribeco là từ khi xuất hiện hai cổ đông lớn là Kinh Đô và Uni-President. Năm 2005, Kinh Đô trở thành cổ đông lớn, chiếm 35% cổ phần của Tribeco.

Một năm sau, Tribeco phát triển công ty con là Tribeco Bình Dương, trong đó công ty mẹ nắm 80% cổ phần, 15% do Kinh Đô nắm và còn lại do cổ đông Trần Kim Thành, một lãnh đạo của Kinh Đô. Năm 2007, danh sách cổ đông lớn được bổ sung với cái tên không xa lạ trong ngành thực phẩm: Uni-President.

Cũng trong năm này, Tribeco động thổ nhà máy thuộc Tribeco miền Bắc, công ty con mà Tribeco nắm giữ 80% cổ phần, còn lại thuộc về Kinh Đô miền Bắc.

Những tưởng khi có hai cổ đông lớn, cùng với sự phát triển mở rộng của hai công ty con là Tribeco Bình Dương và Tribeco miền Bắc, Tribeco sẽ có sự phát triển vượt bậc. Với lý do chi phí bán hàng, quản lý tăng cao, Tribeco liên tục thua lỗ từ năm 2008 đến nay.

Vì thua lỗ, nên Tribeco bán bớt cổ phần ở hai công ty con. Năm 2010, Tribeco bán hết cổ phần ở Tribeco miền Bắc và chuyển nhượng một phần lớn cổ phần ở Tribeco Bình Dương. Người mua là công ty Tribeco Bình Dương. Vào cuối năm 2011, Tribeco đã bán hết cổ phần ở Tribeco Bình Dương.

Khi Tribeco tính chuyện giải thể, thì Uni-President đã nắm 43,6% cổ phần, trong khi ba năm trước, họ chỉ nắm giữ 15%. Căn cứ vào phát biểu của giám đốc đối ngoại của Kinh Đô, tập đoàn này không dính dáng gì tới Tribeco. Có thể thấy, Uni-President đã mua lại cổ phần và trở thành chủ nhân ở Tribeco Bình Dương.

Tự đặt mình vào thế khó

Từ những quyết định của hội đồng quản trị (HĐQT) Tribeco cho thấy, có nhiều lý do công ty này tự đặt mình vào thế khó.

Thứ nhất, Tribeco tự loại mình ra khỏi hoạt động sản xuất mà giao lại cho Tribeco Bình Dương. Vì vậy, công ty mẹ chuyển giao hoạt động sản xuất, thanh lý tài sản hơn 200 tỉ đồng, bán toàn bộ nguyên vật liệu cho Tribeco Bình Dương.

Quá trình chuyển nhượng này, theo TS. Lê Đạt Chí, trưởng bộ môn tài chính doanh nghiệp, trường đại học Kinh tế TP.HCM, đã cắt đứt nguồn sống là hoạt động kinh doanh, sản xuất cốt lõi của Tribeco, tự Tribeco đã khiến cho mình rơi vào khó khăn.

Đó là chưa nói đến việc định giá thanh lý tài sản, giá bán nguyên vật liệu liệu có đảm bảo lợi ích cho Tribeco, khi mà báo cáo tài chính hầu như không đề cập đến giá bán.

Thứ hai, các chi phí bán hàng, quản lý của Tribeco liên tục gia tăng, theo lời HĐQT, là do phải cải tổ mạng lưới bán hàng, đại lý, nhưng kết quả của việc cải tổ đó không được giải thích rõ. Chẳng hạn, nhìn vào năm 2010, lãi gộp là 93 tỉ đồng, chỉ bằng 2/3 chi phí bán hàng.

“Ai lại tiếp tục bán hàng trong khi biết rõ là lỗ lớn”, TS Lê Đạt Chí nói. Theo ông, các báo cáo tài chính của Tribeco cho thấy các chi phí không được kiểm soát chặt chẽ.

Thứ ba, Tribeco đã rơi vào mối quan hệ mua bán, vay mượn chằng chịt với hai cổ đông lớn, mà khó thể phân tách rõ quyền lợi trong những thương vụ này. Chẳng hạn, trong 82 tỉ đồng vay ngắn hạn trong năm 2010, Tribeco đã vay từ Kinh Đô và Uni-President hết 75 tỉ đồng.

Năm 2009, Tribeco phát hành 25 triệu cổ phiếu tăng vốn, trong đó có kế hoạch trả nợ, cơ cấu lại nợ vay, nhưng những năm sau đó, lượng tiền vay ở hai đối tác này vẫn không có thay đổi lớn. Thuyết minh tài chính không cho biết giá cả lãi suất những khoản vay này.

 


Giờ hạ màn, hết vai cho Tribeco đại chúng, 
nhường sân cho Tribeco Bình Dương của
Uni-President. Ảnh: Phan Quang


Trong tình thế lỗ, đi vay vốn để cầm cự, Tribeco còn phải gánh vác nợ và các khoản chi cho Tribeco Bình Dương và Tribeco miền Bắc. Năm 2010, khi phải trả lãi vay 21,5 tỉ đồng, Tribeco đã cho Tribeco miền Bắc vay 31 tỉ đồng.

Thế nhưng, các công ty con này làm ăn ra sao không được phản ánh, chỉ biết Tribeco ghi nhận lỗ liên tục từ các công ty con. Vì vậy, việc đi đến quyết định phá sản chẳng qua là phá sản một công ty rỗng ruột, bị âm vốn chủ sở hữu, ngay cả thương hiệu là giá trị vô hình cũng đã được khấu hao chỉ còn vài triệu đồng, theo như báo cáo cho thấy.

Trách nhiệm cổ đông lớn

Như vậy, cam kết hợp tác đầu tư đưa Tribeco phát triển thành công ty nước giải khát, thức uống dinh dưỡng cho cả khu vực Đông Nam Á của Uni-President cũng phá sản theo.

Kinh Đô cũng đang theo đuổi sự hợp tác mới với Ezaki Glico, Nhật Bản và từ nhiệm khỏi Tribeco, song việc nắm giữ đa số ghế HĐQT Tribeco trong 4 – 5 năm cho thấy, Kinh Đô có sức ảnh hưởng không nhỏ trong các quyết định đưa ra.

Vào năm 2008, khi giá Kinh Đô sụt giảm mạnh từ mức 60.000 đồng/cổ phiếu về quanh mức 15.000 đồng/cổ phiếu, cũng là thời điểm Tribeco đã bỏ ra hơn 15 tỉ đồng để mua cổ phiếu này và cổ phiếu Kidos, công ty con của Kinh Đô.

Đến quý 4 năm 2011, Tribeco dự phòng giảm giá cho các cổ phiếu này 12,8 tỉ đồng. Trước đó, Tribeco không có khoản đầu tư nào ở công ty này. Liệu sự trùng hợp này có là hành động mua vào trợ giá cho cổ phiếu Kinh Đô?

Ông Trần Lệ Nguyên, hiện là phó chủ tịch HĐQT Kinh Đô, từng cho biết trên Thời báo kinh tế Sài Gòn trong tháng 10.2005, việc thâu tóm Tribeco nằm trong định hướng phát triển của công ty. Đầu tư vào Tribeco thì có thể bỏ qua giai đoạn đầu và có thể đưa Tribeco lên bước phát triển mới cao hơn.

“Mua một doanh nghiệp thì phải biết cách làm sao để mang lại hiệu quả lớn hơn cho doanh nghiệp đó. Dự kiến doanh số Tribeco sẽ tăng mỗi năm 30%, sau ba năm sẽ tăng 100%”, ông đã nói như thế.

Dù các doanh nghiệp kinh doanh khó khăn trong bối cảnh nền kinh tế suy giảm, nhưng bước thụt lùi của Tribeco tỏ ra khó hiểu và lùi quá sâu so với những công ty thực phẩm, nước giải khát khác. Việc phá sản Tribeco không nhắc đến trách nhiệm và cam kết của những cổ đông lớn, cũng như vai trò của HĐQT đã hiệp sức cùng Uni-President biến Tribeco đại chúng thành một Tribeco của Uni-President.

 


Theo SGTT

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn