Khi nào mới vượt qua “tế nhị”, “nhạy cảm”?

Thứ sáu, 10/08/2012, 10:42
Có những sai lệch, bất cập hiển nhiên nhưng kê lại cho bằng, cho cân hay cho đúng thật khó. Phân bua cho cái vô lý ấy, người ta viện dẫn những từ ngụy trang thuộc lĩnh vực tâm lý học nhiều hơn là luật pháp hay kinh tế, chính trị như “tế nhị” hay “nhạy cảm” chẳng hạn.

>> Văn Giang: Mất đất, mất cánh đồng vàng trăm triệu
>> Hậu Văn Giang, ai đang lo lắng?
>> Cái nhìn khách quan trong vụ cưỡng chế đất ở Văn Giang
>> Thu hồi đất ở Văn Giang: Chỉ người dân chịu thiệt

Ví như chuyện lấy đất của nông dân làm dự án rồi treo lửng lơ hàng chục năm. Nông dân xót ruột lại phải xin thuê lại những thửa ruộng trước đây là bờ xôi ruộng mật của mình nay đang hoang hóa, không phải để “làm dự án” mà là để… cày cấy. Nghịch lý có tính vô đạo ấy xảy ra khắp nơi, được sửa chữa rất chậm.

Vào thời cao điểm “trải thảm đỏ” thu hút đầu tư, nhiều cánh đồng màu mỡ của nông dân được khoanh vùng dự án, được đền bù rẻ mạt và có nhiều trường hợp “bốc hơi” một cách bí hiểm trong những bữa tiệc “ăn đất” dưới danh nghĩa đô thị hóa hay công nghiệp hóa.




Không ít dự án "treo" đang gây mất lòng tin của dân. Ảnh: Internet
 

Một con số có thể làm giật mình cả những người vô cảm nhất: tính đến năm 2010, cả nước có 267 khu công nghiệp và 650 cụm công nghiệp khoanh gần 100.000 ha đất, nhưng đến nay mới chỉ sờ đến khoảng 45.000 ha (45%), số còn lại đương nhiên là… bỏ hoang!

Riêng đồng bằng sông Cửu Long, tỷ lệ sử dụng đất lúa đã dành cho dự án chỉ là 22%, bỏ hoang tới gần 80%! (báo cáo của Bộ KH&ĐT năm 2010).


Chạnh lòng nhớ lại thời “mang gươm đi mở cõi”, cha ông đã phải mất 45 năm mới vượt qua được sông Tiền, thấy những cánh đồng cho tới trên 10 tấn lúa mỗi ha của miền Tây đang bị buộc trở lại hoang hóa nhiều năm liền, là một sự phản bội không thể chấp nhận nổi.

Người dân nghĩ gì, nói gì? Họ nghĩ rằng, những ông chủ không phải “yêu nồng nàn dự án” mà yêu đất, một số không nhỏ các vị có quyền thì say mê với “hoa hồng”, lót tay và những cành lộc bôi trơn khác.

Ngay cả khi các ông chủ dự án quen “nổ” khả năng tài chính để xí chỗ, tranh phần, tìm kiếm lợi nhuận hoặc đơn giản hơn, bỏ hoang đất chờ giá thì nhiều vị có thẩm quyền vẫn ngó lơ. Bởi vì, thu hồi dự án thì dễ nhưng giải quyết dây mơ rễ má với những ràng buộc nhiều khi bất minh đâu có dễ.

Quả thật “tế nhị” và “nhạy cảm” thay! Vì thế, rất nhiều địa phương bị báo chí phát hiện đất hoang, bị nhân dân ca thán, nhiều khi đã ghi vào nghị quyết HĐND để xử lý vấn đề, nhưng nói rồi để đó, thực hiện một cách khó nhọc, chậm chạp. Chắc chắn có những khó khăn “tế nhị” và “nhạy cảm” trên.

Tuy luật pháp đã rõ ràng, không có khả năng triển khai thì đương nhiên phải thu hồi. Nhưng bao nhiêu thứ tiền đã mất, đã bỏ ra từ túi người này sang túi người kia thì làm sao? Lại còn lợi ích nhóm bắt đất đẻ ra lợi nhuận, đất nông nghiệp được phù chú thành đất nền, có bỏ hoang chờ giá lên cũng chẳng chết ai!


Ta vẫn thường đọc báo thấy tỉnh này, thành phố nọ “sẽ thu hồi” dự án treo, nhưng phải chăng cái hàng rào tế nhị lạt mềm mà cột chặt kia vẫn trói tay chân những người có quyền quyết định nên dân phải ngóng cổ mong chờ?

Riêng Long An là tỉnh không nói không hứa nhiều mà đã thu hồi được nhiều dự án đáng thu hồi, vượt qua mọi “tế nhị” và “nhạy cảm”. Từ năm 2010 đến nay, Long An đã thu hồi 57 dự án dơi chuột với 3.085 ha, giao lại cho dân, tổ chức thành cánh đồng mẫu lớn.

Hoa lúa đã nở trên đất hoang: nhiều nơi nông dân đã thu hoạch được hơn 10 tấn thóc mỗi ha, đưa lại hàng chục ngàn tấn lương thực. Nông dân còn đặc biệt vui mừng vì tỉnh đã lấy lại được hai dự án sân gôn, môn thể thao ăn đất như rồng cuốn mà chỉ phục vụ cho một nhúm người, thứ này thật khó ưa với nông dân đang luôn thèm khát đất đai.


Có người cả mười năm trời không nói được một câu vào lòng dân, không làm được một việc gì gây ấn tượng để dân nhớ, nhưng cũng có những người biết vượt qua cái hàng rào “tế nhị, nhạy cảm” của chính mình hay do tiền nhiệm để lại, lắng nghe được một phần ý dân, đã đáp ứng được ít nhiều những gì dân muốn. Chuyện rất khó nhưng Long An đã biến thành dễ có lẽ là nhờ “thân dân” chứ không “thân tiền”, “thân nhóm”.

 

Theo Báo Phụ Nữ

Các tin cũ hơn