Chi phí đầu tư lớn, sai lầm trong chiến lược, khó khăn trong tiêu thụ, cũng như thị trường... là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp niêm yết hàng đầu trên thị trường phải giải thể.
Ngày 24/8 tới, theo kế hoạch, CTCP Nước giải khát Sài Gòn (Tribeco - TRI) sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường, để bàn phương án giải thể TRI.
Mặc dù còn phải chờ cổ đông thông qua, nhưng nhìn vào tỷ lệ hơn 68% vốn ở TRI do các thành viên HĐQT nắm giữ, gộp chung cổ đông lớn nắm 87% cổ phần, việc TRI giải thể chỉ còn là vấn đề thủ tục.
Nhiều nhà đầu tư đã bất ngờ trước ý định giải thể của TRI. Bởi chỉ mới vài tháng trước, trong phương án xin hủy niêm yết tự nguyện và được cho phép chính thức rời sàn (ngày 10/4/2012), lãnh đạo TRI có đề cập việc chuyển niêm yết từ sàn TP.HCM sang sàn UpCoM.
Nghị quyết ĐHĐCĐ năm 2012 của TRI cũng cho hay, ngoài lên chỉ tiêu kinh doanh cho năm 2012, TRI còn trình cổ đông kế hoạch bổ sung ngành nghề kinh doanh mới. Với những dự định kể trên, khó tin được TRI lại đột ngột triệu tập ĐHĐCĐ bất thường để bàn chuyện giải thể.
Tại sao TRI muốn giải thể, thì chỉ lãnh đạo TRI mới trả lời chính xác và đầy đủ nhất. Diễn biến này khác với những gì xảy ra ở CTCP Cáp Sài Gòn (CSG). Bởi ý định muốn giải thể của CSG đã được cổ đông lớn nhất - CTCP Đầu tư và Phát triển Sacom (SAM) nêu ra từ cuối năm 2011.
Tuy nhiên, tại ĐHĐCĐ năm 2012, ý định này của SAM đã không đạt được tỷ lệ đồng thuận cần thiết. Sau đó, trong ĐHĐCĐ bất thường, khi cả 2 phương án giải thể và giảm vốn đều được cổ đông thông qua, phía CSG cho biết, sẽ chọn phương án giảm vốn để tái cấu trúc hoạt động ở CSG. Tuyên bố là vậy, nhưng cuối cùng, trong nghị quyết HĐQT mới nhất (1/8/2012), CSG lại quyết định giải thể Công ty.
Cái chết được báo trước
TRI từng là cổ phiếu niêm yết đầu tiên và nếu nhìn TRI ở thời điểm chưa thua lỗ (trước năm 2008), nhiều nhà đầu tư không khỏi ngậm ngùi khi biết TRI sắp giải thể. Tính ra, TRI có thâm niên hoạt động hơn 20 năm.
Tại thời điểm trước khi TRI bắt tay với đối tác chiến lược là Kinh Đô (KDC, năm 2005) và Uni-President (năm 2007), TRI đã là doanh nghiệp đạt rất nhiều thành tích.
TRI từng nhận Huân chương lao động hạng Nhì (năm 1994), đứng đầu thị trường nước giải khát nội địa, từng đạt công suất sản xuất 30 triệu lít/năm (năm 1994). Năm 2001, bằng việc cho ra đời nhiều sản phẩm, như sữa đậu nành, TRI lấy lại thị phần đã mất từ các đối thủ nặng ký như Coca - Cola, Pepsi. Tới năm 2007, sản phẩm TRI vẫn được ưa chuộng khi liên tiếp được được bầu chọn là hàng Việt Nam chất lượng cao.
Trong giai đoạn 2005-2007, cùng với tăng vốn và rộng cửa với đối tác khi dành tỷ lệ sở hữu chi phối cho KDC (nắm 23,43% vốn) và UniPresident (nắm 29,19% vốn), TRI còn lập 2 công ty con là Tribeco Bình Dương và Tribeco miền Bắc.
Cả 2 công ty đều có vốn điều lệ 50 tỷ đồng và TRI góp 80% vốn. TRI hy vọng, dưới sự hỗ trợ của các“đại gia” trong ngành thực phẩm cùng với công suất mới của 2 nhà máy, TRI sẽ tăng sức cạnh tranh và đạt tốc độ tăng trưởng thần kỳ.
Trái với tính toán của TRI, từ quý IV/2008, TRI liên tục lỗ. Tính đến hết năm 2011, TRI đã lỗ 12/13 quý. Ngay trong quý lãi duy nhất, theo Báo cáo tài chính quý II/2010, TRI lãi nhờ chuyển nhượng cổ phần ở Tribeco Bình Dương và Tribeco miền Bắc. Năm 2012, TRI lập kế hoạch lỗ gần 140 tỷ đồng.
Theo các giải trình từ TRI, nguyên nhân thua lỗ là do đầu tư lớn, chi phí lãi vay cao, chi phí bán hàng và quản lý tăng, trong khi doanh thu không tăng tương ứng. Nhưng hơn hết, những sai lầm trong chiến lược, kéo theo thất bại trong mở rộng thị trường đã khiến TRI hụt chân.
Cũng từ đây, xáo trộn nhân sự cấp cao ở TRI liên tục xảy ra. Nội tại rối ren, khủng hoảng kinh tế ập tới, TRI đuối dần. Tính đến nay, 2 nhà máy sản xuất của TRI đã thuộc quyền sở hữu của người khác. TRI không còn sản xuất, mà chỉ lo công tác phân phối, tổ chức hệ thống. Chọn phương án giải thể TRI là cách để những ông chủ thực sự ở TRI gián tiếp tuyên bố vai trò của TRI đã hết.
Với CSG, tình thế không đến mức phải giải thể, vì CSG vẫn có lãi và còn tiền mặt lớn. Có thời điểm, CSG được phong là một trong những “nhà giàu” của thị trường chứng khoán với lượng tiền mặt gần 300 tỷ đồng.
Nhưng theo ông Đỗ Văn Trắc, Phó chủ tịch SAM, đồng thời cũng là Chủ tịch HĐQT CSG, con đường phía trước của CSG vẫn là ngõ cụt. Bởi ngành cáp viễn thông đang chết, kinh doanh cáp đồng gặp nhiều khó khăn còn thương hiệu và thị phần của CSG trong mảng cáp điện rất yếu. “Giải thể CSG khi giá trị tài sản còn nhiều, cổ đông sẽ có lợi”, ông Trắc nhận định và dự kiến, SAM sẽ thu về hơn 120,4 tỷ đồng từ giải thể CSG.