Dự án cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng: Xa hay gần bờ?

Thứ bảy, 11/08/2012, 10:28
Dự án táo bạo đẩy cảng Lạch Huyện ra xa bờ hơn 17km cuối cùng đã đến bàn làm việc của Chính phủ.

Cảng tỷ đô gây tranh cãi: Phó Thủ tướng yêu cầu báo cáo
Xây cảng tỷ đô: Cẩn thận kẻo con cháu phải è cổ trả nợ
Xây cảng tỷ đô: Tổng hội Xây dựng kiến nghị tạm dừng
Xây cảng tỷ đô: Mồ hôi, nước mắt của dân, phải tính kỹ
 

Cuối cùng thì dự án táo bạo (tạm gọi dự án xa bờ) của Cty TNHH Sơn Trường “đẩy” cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng từ Lạch Huyện - vị trí được Bộ GTVT chọn làm cảng (tạm gọi dự án gần bờ) - ra phía biển hơn 17km cũng đã đến bàn làm việc Chính phủ.

Sau khi nhận được kiến nghị của Tổng hội Xây dựng VN (THXD VN) tạm dừng dự án gần bờ để chọn phương an tối ưu, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có chỉ thị cho Bộ GTVT. Sáng 9.8, bộ này tổ chức tọa đàm “về dự án cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Lạch Huyện)” với  các nhà khoa học đầu ngành của THXD VN trong các lĩnh vực công trình biển.

 



Vị trí cảng Lạch Huyện  nhìn từ trên cao


Bài 1: Sôi nổi, kịch tính

Đại diện dự án gần bờ, ông Nguyễn Văn Tiễn - PGĐ Cty tư vấn Tediport - trình bày quan điểm tại sao lại là Lạch Huyện. Theo ông, dự án xa bờ của Sơn Trường có nhược điểm: Mang hình hài một cầu tàu xa bờ chuyển tải, chứ không phải một “cảng đảo”; diện tích bến bãi nhỏ hẹp, không tiện lợi cho khai thác hàng container; chứa đựng nhiều rủi ro về kỹ thuật; chi phí tốn kém...

Đa số các nhà khoa học tham gia tọa đàm không có quan điểm như vậy. GS-TSKH Phạm Hồng Giang - thay mặt THXD VN - phát biểu: “Gần bờ” hay “xa bờ” đều phù hợp với quy hoạch phát triển cảng biển VN. Riêng ông hoan nghênh dự án xa bờ, vì phù hợp với xu thế phát triển cảng biển thế giới, trong khi việc ban đầu phải nạo vét một khối lượng bùn khổng lồ (40 triệu mét khối) và nạo vét thường xuyên hằng năm là nhược điểm lớn của dự án gần bờ.

Ông Dương Văn Phúc - nguyên Chủ nhiệm bộ môn cảng đường thủy ĐH Xây dựng - âu lo: Con số phù sa tái bồi lên tới 2 – 3 triệu tấn/năm, dẫn đến chi phí nạo vét lớn hơn doanh thu bốc xếp từ cảng và ông tỏ ý nghi ngờ tác dụng của đê chắn sóng cùng các dự án gần bờ.

PGS-TS Vũ Minh Các - Chủ nhiệm khoa Kỹ thuật biển ĐH Thủy lợi - cho rằng, dự án xa bờ của Sơn Trường rất táo bạo, nhưng rất khả thi, rất có tương lai. Việc Tediport nói rằng đã có nghiên cứu phương án xa bờ của mình, nhưng không khả thi vì quá tốn kém, ông Các thất vọng: Có làm nhưng không công khai thì giờ nói sao chỉ biết vậy thôi.

GS-TS Nguyễn Chiến cũng cùng suy nghĩ như vậy. Ông nói những nhà tư vấn thường hay tính cua trong lỗ. Tediport cần nghiên cứu các kết cấu hiện đại của đê chắn sóng, để xem phương án xa bờ của mình có đắt đến như thế không (39.000 tỉ đồng)...

Hết sức lôi cuốn, GS-TS Tô Văn Trường cho rằng, Bộ GTVT đã không rút ra được kinh nghiệm từ việc xây dựng hệ thống cảng biển VN thua lỗ triền miên. Đã thế, dự án gần bờ đặt ra bài toán môi trường nan giải từ việc tìm chỗ đổ 40 triệu mét khối bùn.

GS-TS Đỗ Văn Hứa nêu lên 3 điểm: Xây dựng cảng phải dựa theo quy luật tự nhiên; Bộ GTVT chưa được phê chuẩn đánh giá tác động môi trường mà đã phê duyệt dự án gần bờ; tiếp tục nghiên cứu phương án xa bờ và nên tôn trọng Sơn Trường vì quyền  lợi đất nước.

Không đi vào những chi tiết cụ thể, hai vị lão làng của THXD VN, nguyên hai Thứ trưởng Bộ Xây dựng và GTVT: Phạm Sỹ Liêm và Phạm Thế Minh đã có những lời mang tính đường lối. Ông Liêm cho rằng, chọn xa hay gần quan trọng là chỗ nào mang lợi ích nhiều hơn. Vấn đề môi trường cũng phải tính vào lợi ích. Ông Minh khẳng định: Đã làm phải làm hiện đại, Bộ GTVT cần phải nghĩ dài hơi.

Dù không được Bộ GTVT chính thức mời và đề nghị phát biểu, ông Tạ Quyết Thắng - GĐ Cty TNHH Sơn Trường - đã đứng bật dậy, cắt ngang lời kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: “Xin lỗi, anh đã nói sai hết về phương án của tôi!” và ông nói rằng, nếu bộ trả lời 1/3 trong số 10 câu hỏi của ông là ông mãn nguyện lắm rồi.

 


Theo Lao Động

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn