Có lọc dầu Dung Quất, sao giá xăng Việt Nam vẫn "chát"?

Thứ sáu, 10/08/2012, 09:50
Không ít người đã nghĩ rằng, lẽ thường khi có nhà máy lọc dầu, giá xăng dầu ở Việt Nam sẽ rẻ đi. Tuy nhiên, sự đời không đơn giản thế!


>> Khắc phục Nhà máy lọc dầu Dung Quất trong 7 ngày
>> Doanh nghiệp xăng dầu cấp tập tìm hàng thay Dung Quất
>> Chính thức dừng vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất từ chiều nay
>> “Không có chuyện” nhà máy lọc dầu Dung Quất ngừng hoạt động
 

Cuối cùng thì Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), đơn vị đang quản lý nhà máy lọc dầu Dung Quất và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng thở phào khi Chính phủ ban hành Quyết định 952/QĐ-TTg ngày 26/7 vừa qua.

Ưu đãi cho nhà máy lọc dầu

Điểm đáng chú ý nhất trong Quyết định 952 (Quyết định) là việc BSR được thu điều tiết đối với sản phẩm lọc dầu và sản phẩm hóa dầu từ năm 2012 đến hết năm 2018.

Hiểu nôm na là NMLD Dung Quất sẽ có một khoản thu tương đương với mức thuế suất thuế nhập khẩu 7% đối với xăng dầu, 5% đối với LPG và 3% với sản phẩm hóa dầu khi thuế suất nhập khẩu của các mặt hàng này cao hơn hoặc bằng các mức kể trên.


 

 

Tuy nhiên, cơ chế thu điều tiết cho NMLD Dung Quất không phải tới bây giờ mới bắt đầu. Vào tháng 11/2009, tại Quyết định 1942/QĐ-TTg, BSR cũng đã được hưởng cơ chế thu điều tiết với thời gian kể từ khi NMLD Dung Quất bắt đầu đi vào hoạt động cho tới hết năm 2010.

Tiếp đó, vào tháng 12/2010, với QĐ 2299/QĐ-TTg, cơ chế thu điều tiết này lại được chấp thuận kéo dài tới hết năm 2011.

Góp 25,1% vốn trong dự án Tổ hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn có quy mô tới 7 tỷ USD, PVN dĩ nhiên hiểu được mức độ quan trọng của cơ chế tài chính đối với dự án này, nên không khó hiểu khi NMLD Dung Quất đã gần đi vào giai đoạn vận hành, PVN mới đề xuất được hưởng các cơ chế tài chính như thu điều tiết tương đương mức và thời gian mà Tổ hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn được hưởng.

Trong khi đó, các nhà đầu tư Nhật Bản và Cô Oét đã tính toán ngay các cơ chế liên quan trước khi quyết định đầu tư.

Tại QĐ 952/QĐ-TTg cũng quy định, nếu thuế nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu và hóa dầu thấp hơn mức thu điều tiết thì PVN sẽ có trách nhiệm bao tiêu sản phẩm của NMLD Dung Quất và đưa mức giá trị ưu đãi vào giá bao tiêu sản phẩm.

Nhưng với thực tế xăng dầu của NMLD Dung Quất được các đơn vị đầu mối xuất nhập khẩu lớn chiếm trên 90% thị phần cả nước hiện nay là Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Công ty Petech bao tiêu và kinh doanh song song với hàng nhập khẩu thì người tiêu dùng cũng khó chờ đợi được hưởng giá xăng dầu rẻ khi giá thế giới thấp.


Ông Nguyễn Hoài Giang, Tổng Giám đốc Công ty BSR cho hay, tuy cùng được hưởng một cơ chế nhưng nếu thuế nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu thấp hơn mức quy định cho thu điều tiết, BSR không được ngân sách nhà nước bù đắp phần chênh lệch thuế này như dự án Tổ hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Từ thực tế thu điều tiết của NMLD Dung Quất và viễn cảnh có thể phải bù lỗ từ ngân sách cho các nhà đầu tư của Tổ hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn nếu đặt mức thuế nhập khẩu thấp hơn 7% với xăng dầu (mức này đã từng về 0% trong thời gian đầu năm 2012 - PV), nên các chính sách tài chính liên quan đến nguồn thu ngân sách từ xăng dầu nhập khẩu đang có những chuyển động nhất định.

Cụ thể, cuối tháng 6 vừa qua khi xây dựng phương hướng thu ngân sách nhà nước trong thời gian tới, Bộ Tài chính cũng đã đặc biệt lưu ý các cơ quan trực thuộc mình như Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và Vụ Chính sách Thuế về việc xây dựng lại barem tương ứng về thuế suất thuế nhập khẩu cho từng mặt hàng xăng dầu để tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm xăng dầu trong nước.

Đồng thời không phải xử lý bù lỗ cho hoạt động của NMLD Dung Quất và sau này là Tổ hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Dồn cả vào giá xăng

Với quan điểm hạn chế xử lý bù lỗ cho hoạt động của NMLD Dung Quất và sau này là Tổ hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn khi cơ chế thu điều tiết đã được ban hành, người tiêu dùng có lẽ không thể trông mong gì nhiều vào việc giá xăng dầu sẽ ở mức thấp.

Thuế nhập khẩu xăng dầu thành phẩm ở mức cao chắc chắn giúp nguồn thu điều tiết của các nhà đầu tư sẽ lớn. Đặc biệt, điều này còn tránh được cho ngân sách nhà nước việc phải bù lỗ cho nhà đầu tư. Với quan điểm nhà nước có lợi trong thu ngân sách, doanh nghiệp xăng dầu thu được tiền thì chắc chắn người tiêu dùng sẽ phải chịu thiệt và phải è cổ chấp nhận giá xăng dầu cao.

 


Một căn cứ được Bộ Tài chính nhắc tới để phục vụ việc xây dựng thuế suất thuế nhập khẩu cho các mặt hàng xăng dầu là Công văn 837/BTC-CST ngày 19/1/2010 của Bộ Tài chính. Công văn này quy định các mức thuế nhập khẩu tương ứng với giá dầu Platt’s WTI từ 45-90 USD/thùng như công bố tại thị trường Singapore.

Các trường hợp khác sẽ do Bộ Tài chính quy định. Nhưng trước Công văn 837, Bộ này từng quy định rất chi tiết các mức thuế nhập khẩu xăng dầu tương ứng với mức giá Platt’s của mặt hàng xăng dầu tại thị trường Singapore ở Công văn 4927/BTC-CST ngày 3/4/2009 (xem bảng trên).

Cũng tại lần tăng giá xăng dầu ngày 1/8/2012, giá xăng RON 92 thế giới FOB được tính bình quân 30 ngày là 109,9 USD/thùng; dầu DO 0,055S là 119,15 USD/thùng; dầu hỏa là 117,36 USD/thùng, dầu FO 3,5% lưu huỳnh là 620,57 USD/tấn. Tại thời điểm này, thuế nhập khẩu dầu DO là 10%.

Còn lại thuế nhập khẩu xăng, dầu hỏa, dầu FO đều là 12%. Dù hiện tại các công văn 4927/BTC-CST hay 837/BTC-CST không được áp dụng trong việc tính toán giá xăng dầu bởi đã có Nghị định 84/NĐ-CP, thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu hiện nay đã nhích hơn 2% so với mức giá tương ứng tại các công văn 4927 và 837.


Các diễn biến đang diễn ra trên thị trường xăng dầu cũng khiến dư luận liên tưởng tới việc chính sách thuế xăng dầu đang đi theo hướng đỡ gánh nặng cho các dự án nhà máy lọc dầu và cho ngân sách nhà nước, chứ ít chú ý tới lợi ích của người tiêu dùng.

 

Nguồn tin riêng của Doanh nhân:

Nếu được thu đủ các mức thu điều tiết với xăng dầu, LPG và sản phẩm hóa dầu như Chính phủ cho phép, từ năm 2012 đến hết năm 2018, BSR sẽ thu được hơn 2,2 tỷ USD. Nếu thuế nhập khẩu thấp hơn mức được thu điều tiết, thậm chí về 0% như một số thời gian đầu năm 2012, BSR cũng không thu được như dự kiến từ phần thu điều tiết này. Trước đó, với cơ chế được thực hiện trong năm 2010 và 2011, BSR đã thu được hơn 5.000 tỷ đồng.


 

Theo DDDN

 

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích