Ngành điện nhà nghèo ham học, Phương Trinh để tri thức dưới váy

Thứ năm, 09/08/2012, 15:50
400 cán bộ của ngành điện vượt qua cảnh nghèo, đi nước ngoài nghiên cứu nâng cao trình độ theo phương châm “học mà chơi, chơi mà học” dành cho các bé tuổi đi nhà trẻ, mẫu giáo, hiệu quả lắm!


>> Ngành điện lỗ vẫn cử 400 sếp đi nước ngoài 'học hỏi'
>> 7 tháng, EVN mua của Trung Quốc gần 1,6 tỷ KWh điện
>> EVN đang 'chơi xấu' với thủy điện nhỏ
>> Dân “oằn mình” gánh chịu các khoản lỗ của EVN?!
>> EVN: "Đứa con hư" của nền kinh tế
 

Hôm nay, báo chí đồng loạt đưa tin Tổng Công ty Điện lực miền Nam có kế hoạch đưa 400 giám đốc, phó giám đốc đi tham quan học tập nước ngoài.

Chi phí cho mỗi cán bộ khoảng 22 triệu đồng, quy ra u ét đê là 1.000, vị chi 400 “học trò” này mất khoảng 400.000 tiền Mỹ.

Đương nhiên, số đô la này cũng chả thấm vào đâu, vì theo tiết lộ của Tổng Công ty, riêng trong năm 2012 họ được phép tiêu khoảng 112 tỷ đồng cho đào tạo (tương đương 5 triệu USD), trong đó khoảng 30% dành cho đào tạo ở nước ngoài.

Và dự kiến, cho đến năm 2015, Tổng này sẽ đưa khoảng 1.500 cán bộ ra nước ngoài học hỏi.

 



 Vá đập Sông Tranh 2 theo công nghệ vá váy đụp cổ truyền


Thiên hạ ngay lập tức lên tiếng kèo nhèo, liên hệ đến chuyện Tập đoàn Điện lực vừa tăng giá điện 5% hồi đầu tháng 7 với lý do lỗ nặng, nghe đâu đến cả nghìn tỷ.

Tất nhiên, có thể nói luôn, kẻ nào lên tiếng phản đối nếu không dốt nát thì cũng cùng một duộc với những nữ sinh mặc kẹp cổ đầu rùa bằng cặp giò diện quần soóc, tức là mắc bệnh coi thường học vấn, ngồi lên chữ nghĩa thánh hiền.

Chẳng phải chúng ta vẫn cứ ra rả cái khẩu hiệu đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lại, rồi tri thức là sức mạnh hay sao? Xin mời những cái đầu hẹp hòi hãy nghĩ xa hơn một chút, sẽ thấy ngay rằng trong cảnh làm ăn lỗ lã mà ham học được như vậy là quý hóa lắm, nhìn xa trông rộng lắm.

Người viết bài này xin mạnh dạn đề nghị đưa Tổng Công ty Điện lực miền Nam vào danh sách khen thưởng năm học mới, cùng với đám trẻ con nhà nghèo vượt khó. Đồng thời, cũng xin mạnh dạn đề nghị ông Trần Đăng Tuấn, nguyên Phó Tổng Giám đốc VTV, người khởi xướng phong trào “cơm có thịt” cho học sinh vùng cao, đặc biệt quan tâm tới các đối tượng khốn khó này.

Nhiều người cũng sẽ không quên rằng năm ngoái, lãnh đạo ngành điện đã từng rớt nước mắt tủi thân cho mình và thương người lao động trong ngành vì lương thấp quá, bình quân chỉ có 7,3 triệu đồng một tháng. Nếu coi mức lương này là thấp, thì chuyện ham học đương nhiên là quý hóa rồi, nhưng giả sử có ai đó khăng khăng bảo mức lương này là cao, thì cũng xin thưa thêm cho ra nhẽ.

Trong thời buổi kim tiền ngày nay, bên cạnh khái niệm cổ truyền “con nhà nghèo học giỏi”, rất nhiều ý kiến cũng cho rằng cần tôn vinh xứng đáng các đối tượng “con nhà giàu vượt giàu học giỏi”. Logic rất đơn giản: Con nhà nghèo còn có động lực học tập, chứ nhà giàu thì động lực coi như bằng 0, chỉ chịu học thôi đã là đáng trân trọng lắm rồi.

Mà vẫn chưa hết, khi tinh thần học tập (kiểu như tinh thần thể dục của cụ Nguyễn Công Hoan ngày xưa) trong ngành điện còn không chừa đến cả người nhà của các lãnh đạo ngành. Trang VnExpress dẫn lời một phó giám đốc chi nhánh thuộc Điện lực Bến Tre vừa đi Hàn Quốc về cho biết, có khoảng 3-4 người trong đoàn của ông có gia đình đi cùng và họ tự túc chi phí cho người thân.


Ấy đấy, đoàn công tác ra nước ngoài học hành, nghiên cứu khốn khổ biết chừng nào, mà các vị còn bắt cả gia đình cùng đi nữa, khí thế học tập bồi dưỡng trình độ dâng cao chẳng kém gì… chân siêu mẫu.

Cứ đà này, thì lo gì công nghệ điện lực Việt Nam tụt với chả hậu? Như lời một lãnh đạo một chi nhánh thuộc Điện lực Kiên Giang thì “sang bên đấy mới thấy công nghệ họ cao quá. Nếu chúng ta có các công nghệ đó đưa về nông thôn để phục vụ công tác quản lý, cung cấp điện thì quá hay".

Một điểm khác cũng hết sức đáng khen ngợi là phương pháp học tập, đào tạo mới, tiên tiến, hiện đại được các vị áp dụng hết sức triệt để.

Cụ thể, chương trình đi nước ngoài để học tập này được kết hợp với tham quan phong cảnh, "rồi được giới thiệu về thành phố thông minh của bên họ".

Học hỏi đi kèm tham quan, nội hàm của khái niệm này chắc không khác phương pháp “học mà chơi, chơi mà học” dành cho các bé tuổi ị đùn đi nhà trẻ, mẫu giáo, hiệu quả lắm!

Đến đây, người ta mới vỡ ra rằng tại sao gần đây, ngành điện lại có những phát kiến tuyệt diệu nhiều đến thế. Có thể kể ra ngay đây vụ tăng giá điện đầu tháng 7 vừa rồi, EVN đã chọn đúng thời điểm gà lên chuồng (8h tối) và trước kỳ nghỉ cuối tuần để phát đi thông báo, khiến cánh nhà báo trở tay không kịp và chỉ biết cuống cuồng làm đúng một cái tin còi.

Còn nhìn từ khía cạnh kinh tế, EVN cũng chọn đúng lúc sức mua của dân đang ốm yếu nhất để tăng giá, thành ra nếu không góp phần đắc lực vào công cuộc chống lạm phát (vì sức mua thêm cạn, mua sắm gì được nữa), thì cũng góp phần chống nguy cơ giảm phát (giá điện tăng biết đâu sẽ có cảnh té nước theo mưa giúp CPI nhích lên). Thật là một mũi tên tài tình mà nó cắm vào đâu thì đích chính là đấy!

Một ví dụ khác, không kém phần thuyết phục, là nhờ đi nhiều, học hỏi nhiều, nên các cán bộ cao siêu của ngành điện đã quyết định mạnh dạn vá đập Sông Tranh 2 theo công nghệ cổ truyền của dân tộc là… vá váy đụp, mà cụ thể là cho các anh công nhân mặc quần đùi chân xỏ tông vào khoan từng lỗ rồi nhét vải, nhét bạt vào để chống thấm. Không rõ các bậc thầy nước ngoài có học hỏi được gì từ Sông Tranh không nữa?

Cuối cùng, nhìn từ “phương diện quốc gia” như quan tổng đốc đại thần Hồ Tôn Hiến từng tự nhắc, ta lại thấy việc ngành điện cử người đi học hỏi nước ngoài là một minh chứng cho truyền thống hiếu học, coi trọng trí tuệ của dân tộc Việt Nam.

 



Khi tri thức không chỉ nằm dưới chân mà còn nằm dưới váy...


Hôm nay, nhiều tờ báo đã rụt rè đăng lại một thông tin được tờ Tia Sáng cho biết mấy ngày trước: Theo bảng chỉ số Đổi mới/Sáng tạo toàn cầu do Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Toàn cầu thuộc LHQ mới công bố, trí tuệ quốc gia Việt Nam đang ở nửa dưới của thế giới và có xu hướng ngày càng chìm sâu, thụt lùi xa so với các nước láng giềng, với vị trí thứ 76/141.

Lạc quan với phong trào ngành ngành, nhà nhà, người người học tập mà ngành điện là một điển hình, ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng chả mấy chốc mà Việt Nam sẽ ngất ngưởng trên đỉnh cao trí tuệ. Lạc quan hơn nữa, ta có thể hiên ngang mà phán rằng đây nhất định là một bảng xếp hạng vớ vẩn, láo toét và không hơi đâu mà ủ rũ hay đau buồn vì nó.

Trong khi ấy thì, như thể minh họa cho bảng xếp hạng này, sau khi e lệ mặc những bộ bikini bốc lửa khoe những đường cong khiến thiên hạ nuốt nước bọt, rồi tuyên bố sẽ giữ gìn trinh tiết bằng mọi giá và chỉ trao “cái ngàn vàng” trong đêm tân hôn, thậm chí quy y cửa Phật cho đàn ông ôm hận, hôm nay, cô bé mới lớn Angela Phương Trinh quyết định chụp ảnh trong tư thế táo bạo: dẫm đạp lên sách.

Đương nhiên khi chụp ảnh, nếu có mặc váy, em ấy không bao giờ mặc váy dài quá đầu gối!

 


Theo Phunutoday

Các tin cũ hơn