>> Nhà thầu Trung Quốc ì ạch, bê bối và giở chứng
>> Bộ trưởng Thăng: Nhà thầu kém thì đuổi thẳng!
>> Hàng loạt dự án có nhà thầu ngoại chậm tiến độ
>> Hàng loạt nhà thầu sai phạm trong dự án trăm tỷ
Vừa đòi hỏi cao, vừa thờ ơ hợp tác
Công nghiệp phụ trợ Việt Nam bấy lâu này vẫn bị chê là yếu kém, chậm chạp và khó đạt được các mục tiêu lớn về nội địa hóa cho ngành công nghiệp nói chung.
Cuộc hội thảo về chủ đề này do Bộ Công Thương và báo Công Thương tổ chức hôm 9/8 một lần nữa cho thấy, vướng mắc không chỉ ở cơ chế mà còn nằm chính ở bản thân các DN, từ nhà cung cấp thiết bị cho đến các chủ đầu tư trong nước.
Chia sẻ tại đây, ông Phan Tử Giang, TGĐ Công ty CP Chế tạo giàn khoan dầu khí - PV Shipyard than thở: "Gần đây nhất, chúng tôi làm việc với nhà máy thép Cửu Long Vinashin để mua thép làm giàn khoan nhưng DN này lại quá thờ ơ".
Theo ông Giang, sản phẩm ở đây chưa có bất cứ một chứng nhận đăng kiểm theo tiêu chuẩn quốc tế nào. PV Shipyard gợi ý 2 giải pháp: hoặc công ty tự bỏ tiền ra để làm đăng ký, hoặc Cửu Long Vinashin liên doanh mua phôi với một công ty để sau đó, đơn vị này mua lại sản phẩm hoàn thiện và đăng kiểm lại.
"Thế nhưng, hai tháng trôi qua, nhà máy lại chỉ nêu ra một loạt nhưng vướng mắc như đang trong tình trạng căng thẳng, làm việc như vậy là ngoài quy trình, không có nhân sự để làm, rồi nếu hợp tác xong dự án này thì có tiếp tục làm dự án khác không... Rốt cục đến giờ, chúng tôi vẫn chưa có được câu trả lời rõ ràng", ông Giang cho biết.
Công nhân Trung Quốc đang điều chỉnh thiết bị van an toàn tại nhà máy
nhiệt điện Hải Phòng (ảnh: PH)
Ông Ryu Hangha, TGĐ Công ty Công nghiệp nặng Doosan Vina rất đồng cảm với bức bối của ông Giang.
"Hôm qua, tôi có buổi làm việc với một vị Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về cung cấp thiết bị phụ trợ lò hơi. Vị Phó Tổng đó đòi hỏi nếu họ mua sản phẩm trong nước thì giá cả phải thấp hơn 10% so với giá nhập khẩu. Thử hỏi, có vị DN phụ trợ nào làm ra được sản phẩm thấp hơn 10% giá nhập khẩu hiện nay không", ông Ryu Hangha thẳng thắn kể.
Ông ngao ngán nói tiếp: "Thực tế là không! Vì các thiết bị vật tư đầu vào hiện nay của Doosan Vina cũng phải nhập khẩu. Trong khi Trung Quốc đã có sẵn nguyên liệu, kinh nghiệm lâu năm, năng suất cao hơn. Thế thì làm sao giá sản phẩm của chúng tôi thấp hơn giá của họ được!"
Chính vì thế, chiến lược nâng cao tỷ lệ nội địa hóa ở các công ty này đang bị ách tắc. Ông Phan Tử Giang cho hay, giàn khoan tự nâng đầu tiên của của PV Shipyard có tổng vốn hơn 100 triệu USD nhưng chỉ mua được vật tư thiết bị trong nước có 1,4 triệu USD.
Nguồn cung ứng nội địa chỉ chiếm 1,3% tổng giá trị mua sắm vật tư thiết bị và 0,8% giá trị toàn dự án. Tỷ lê nội địa hóa toàn bộ dự án này chỉ đạt 34,7%.
Tương lai, PV Shipyard dự kiến tăng giá trị nội địa hóa lên 50% nhưng rốt cục, đã phải co lại mục tiêu này xuống 40-44%. Lý do là nếu tăng thêm 15% giá trị nội địa hóa so với hiện nay, nghĩa là cần tăng tương đương 30 triệu USD giá trị mua sắm thiết bị trong nước thì chắc chắn, không có cách nào mua được, ông Giang nhấn mạnh.
Còn ông Ryu Hangha liệt kê, 5 mặt hàng của Doosan Vina đang sản xuất đều phải nhập ngoại hầu hết các nguyên vật liệu, từ thép tấm, thép ống, thép hình, đến cả ốc vít hay dây cáp sử dụng cho các cẩu, đến cả sơn..., bánh lốp cao su, hoặc bánh lắp ráp cho các thiết bị phải xuất khẩu. Sản phẩm của Việt Nam hoặc không có hoặc không đáp ứng được!
Vuột mất hàng tỷ USD vào nhà thầu Trung Quốc
Cùng với cơ chế hiện hành của Luật Đấu thầu đang ưu tiên giá rẻ, một phép tính của Phan Đăng Phong, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí cho thấy, các DN Việt đang vuột mất hàng tỷ USD vào các nhà thầu Trung Quốc.
Từ này tới năm 2025, tổng vốn đầu tư cho 35 nhà máy nhiệt điện ở Việt Nam lên tới 43,5 tỷ USD, trong đó, thiết bị máy móc chiếm gần 32,7 tỷ USD. Thiết bị chính như tua bin, máy phát, lò hơi là 24,5 tỷ USD và 8,2 tỷ USD còn lại là hệ thống thiết bị phụ trợ khác.
Ông Phong chua xót nói: "Chúng ta đầu tư làm nhà máy điện nhưng rốt cục, lại tạo công ăn việc làm cho người lao động Trung Quốc, tạo lợi nhuận cho ngành sản xuất cơ khí của Trung Quốc".
Vì theo ông, có tới 90% các dự án nhiệt điện than đều do nhà thầu Trung Quốc làm như nhà máy Quảng Ninh 1, Quảng Ninh 2, Hải Phòng 1 và 2, Duyên Hải 1,2, 3... Trong đó, họ đem cả nguyên vật liệu thô mà trong nước đã sản xuất được cùng với nhân công vào.
Ngay cả các dự án điện do chủ đầu tư trong nước làm thì đến phần cung cấp thiết bị, lại cũng đi thuê nhà thầu ngoại thực hiện từ thiết kế cho đến cung cấp thiết bị. Đó là trường hợp Lilama làm dự án nhiệt điện Phú Mỹ, Uông Bí 1, Nhơn Trạch, Cà Mau, Vũng Áng 1, nhà thầu PVC làm dự án nhiệt điện Thái Bình 2, công ty PTSC làm dự án Nhiệt điện Long Phú 1.
Miếng cơm mà DN trong nước được hưởng chỉ còn là các công việc đơn giản như làm kết cấu thép, lắp dựng theo bản thiết kế của nhà thầu ngoại.
Theo tâm sự của ông Phan Tử Giang, giá cả là vướng mắc lớn nhất.
"Trung Quốc luôn đưa ra giá rẻ bất ngờ. Giàn khoan tự nâng 90m nước của chúng tôi có giá 200 triệu USD tương đương Singapore nhưng Trung Quốc lại rao giá có 180 triệu USD. Chúng tôi sẽ không thể đưa sản phẩm giàn khoan giá rẻ vì không có thiết bị tích hợp trong nước.
Nói điều này với 10 ông DN trong nước về thiết bị tích hợp thì 8 ông từ chối, kêu khó khăn, kỹ thuật chưa cho phép, kêu chưa chắc đã đảm bảo lợi nhuận. Nếu mãi thế này, sẽ không thể phát triển công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam được", ông Giang bày tỏ.
Dù cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã có nhưng đi vào thực tế vẫn là một khoảng cách quá xa.
Các chỉ thị của Thủ tướng gần đây đã nêu rõ, nếu nhà thầu trong nước đảm nhiệm được trên 50% khối lượng công việc thì không được tổ chức đấu thầu quốc tế mà phải tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước, hoặc đối với mua sắm hàng hóa, chỉ tổ chức đấu thầu quốc tế khi vật tư thiết bị trong nước không đáp ứng được.
Ông Ryu Hangha cho biết: "Biết là thế nhưng các chủ đầu tư ở Việt Nam vẫn ưa mở thầu quốc tế hơn và đôi lúc, các nhà thầu trong nước như chúng tôi có thể đảm trách được việc cung cấp thiết bị thì không được nhắc đến."
"Quy định hiện hành còn yêu cầu DN phải có lãi 2 năm trở lên mới được tham gia đấu thầu. Chúng tôi đầu tư hơn 300 triệu USD vào công nghiệp nặng, làm những mặt hàng mà trong nước chưa từng làm được và mới đi vào sản xuất có 3 năm thì lấy đâu ra lãi. Vô hình chung, chúng tôi bị loại khỏi cuộc chơi ngay từ đầu", vị TGĐ Doosan Vina buồn chán nói.
Các DN và chuyên gia ngành cơ khí cho hay, nhiều kiến nghị nêu ra để giải quyết bài toán phát triển ngành phụ trợ trên đã được nói nhiều, như tạo các mô hình hợp tác hiệu quả hơn, lập danh mục hàng hóa phụ trợ cần đẩy mạnh nghiên cứu...
Tuy nhiên, quan trọng nhất ;à bản thân các DN, bao gồm cả chủ đầu tư và bên cung cấp thiết bị phải có sự liên kết chặt chẽ, đồng thời cơ chế đấu thầu hiện nay phải sớm được sửa đổi. Nếu không, giấc mơ phát triển công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam vẫn dậm chân tại chỗ và hàng tỷ USD doanh thu sẽ rơi vào tay nước ngoài.
Theo VEF