Truy tìm con nợ
Thị trường liên NH tuần qua trở nên sôi sục khi một vài NH lao vào cuộc rượt đuổi nợ nần với nhau. Cùng với đó, tin đồn 4 NH cổ phần nhỏ phía nam chây ì trả nợ càng làm tình hình thêm căng thẳng. Nguyên nhân là trước đây, các NH cho nhau vay mượn khá thoải mái. Những khoản vay kỳ hạn ngắn 1 đêm, 1 tuần, 2 tuần thường chỉ dựa vào lòng tin và sự tín nhiệm. Nhưng nay, các NH lớn đồng loạt yêu cầu tất cả các khoản vay phải có tài sản đảm bảo khi thông tin 8 thành viên NH rơi vào nhóm phải xử lý thanh khoản, bị tái cơ cấu, đầu tiên được NHNN công bố. Trong tuần qua, lãnh đạo một NH tại Hà Nội phải "Nam tiến" để đòi món nợ ngàn tỉ đồng cho 4 NH có trụ sở tại TP.HCM vay, sau khi liên lạc đủ kiểu không gặp. Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, món nợ lớn nhất của một NH có trụ sở tại quận 1 lên tới 400 tỉ đồng; một NH khác ở đường Cống Quỳnh (Q.1) cũng lên tới 394 tỉ đồng, 2 NH còn lại lần lượt là 130 tỉ đồng và 70 tỉ đồng. Cả 4 món vay trên đều đã quá hạn, nhưng các NH này lại cố tình dây dưa, chây ì. “Di động thì tắt máy, gọi đến cơ quan thì nhân viên bảo đi vắng, gửi mail không thấy trả lời. Chắc chắn họ đang trốn vì sợ bị đòi nợ”, vị lãnh đạo trên than thở.
PV Thanh Niên đặt câu hỏi, có phải vì hết tiền, khó khăn thanh khoản nên NH phải trốn nợ, một lãnh đạo NH phía nam nói: “Vấn đề này nhạy cảm lắm, bây giờ rất khó nói. Nhưng tình hình đúng là rất khó khăn với chúng tôi vì các NH lớn đã không cho vay tín chấp nữa rồi”.
Lòng tin sụt giảm
Bình luận về việc lãnh đạo một số NH trốn nợ, ông Lê Đức Thọ, Phó tổng giám đốc NH Công thương (Vietinbank), cho rằng hiện nay có một số NH vay không trả được. Bản thân Vietinbank cũng có vài NH đang gặp khó khăn chưa trả được nên xin gia hạn nợ, giãn nợ và NH cũng đã có giải pháp phù hợp để xử lý. Tuy nhiên, ông Thọ cho rằng hiện tượng trên đang lây lan dây chuyền, NH A không trả được cho B, NH B lại không có tiền trả cho C, cứ rượt đuổi nhau gây ra tâm lý lo ngại cho cả hệ thống.
TS Lê Xuân Nghĩa, khi trao đổi với PV Thanh Niên, chỉ nói ngắn gọn: “Lòng tin sụt giảm”. Thông tin tái cơ cấu xuất hiện nhan nhản trên mặt báo khiến người dân lo ngại rút tiền, NH lớn co về sợ rủi ro, các NH vốn đã khó khăn nay càng khó khăn hơn. Ông Lê Đức Thọ bổ sung thêm: “Ngày xưa còn tin nhau, nhưng giờ lòng tin sụt giảm đáng kể, nên buộc phải có thế chấp mới cho vay”. Nhưng rõ ràng cơ hội cuối cùng này cũng rất mong manh, bởi khi vay 1 tháng, 1 năm thế chấp tài sản không sao, chứ nay vay 1 ngày, 1 tuần cũng phải thẩm định, kiểm duyệt khiến các NH khó khăn đang càng khốn khổ thêm. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận các NH này muốn nhận tiền tái cấp vốn từ cấp trên là rất khó. Bởi hiện nay NHNN chỉ cấp vốn cho những khoản vay khó khăn trên thị trường một - nơi NH vay mượn của người dân, doanh nghiệp.
Để xử lý các đối tác khó khăn, theo TS Mùi, NHNN cần nhanh chóng có phương án cụ thể đối với các NH này khi đề án tái cơ cấu được Chính phủ phê chuẩn.
(Báo Thanh Niên )