Ảnh minh họa |
Thị trường ế ẩm, áp lực đè nặng lên vai doanh nghiệp, để bán được hàng nhiều chủ đầu tư đã chấp nhận đưa ra các chiêu thức khuyến mại, giảm giá để thu hút khách hàng mua sản phẩm bất động sản.
Liên tiếp từ đầu tháng 6 trở lại đây, dân đầu tư kinh doanh bất động sản Hà Nội liên tiếp nhận được các thông tin giảm giá, ưu đãi mua căn hộ ở nhiều dự án với mức giảm ngày càng bất ngờ. Trong đó, dự án là Tricon Towers (Khu đô thị mới Bắc An Khánh) và The Bay View Towers (Hạ Long, Quảng Ninh) với mức “hỗ trợ giá bán” lên tới 15% cho khách mua trong thời gian khá dài từ giữa tháng 6 đến hết tháng 8/2010. Dự án Mulberry Lane (Mỗ Lao) giảm giá 10% cho khách hàng. Dự án chung cư Indochina Plaza (Xuân Thủy, Cầu Giấy giảm giá 4%, dự án Richland Southern giảm 5% giá bán căn hộ. …
Mới đây nhất, vụ giảm giá sốc tại dự án chung cư Petro VietNam Landmark, để bán được hàng công ty CP địa ốc Dầu khí đã đưa ra phương án giảm 35% giá bán 85 căn hộ. Theo đó, giá bán giảm từ mức 22-23 triệu đồng/m2 xuống còn 16 -17 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, để mua được căn hộ với mức giá này khách hàng sẽ phải bốc thăm với mức giá sàn 15,5 triệu đồng/m2. Trên thực tế, dự án giảm giá “sốc” như vậy nhưng vẫn không có người mua
Chính vì vậy, nhiều người mua nhà đã đặt ra nhiều nghi ngại về bản chất thực sự của việc hạ giá các sản phẩm.
Nhiều ý kiến cho rằng, giảm giá chỉ là doanh nghiệp chấp nhận giảm bớt khoản lợi nhuận so với dự kiến tiêu thụ hết hàng tồn kho. Người cho rằng, việc giảm giá này chỉ là cách cởi nút thắt cho những sai lầm khi chủ đầu tư tăng giá sai nhịp đặc biệt tại các phân khúc cao cấp. Tuy nhiên, có một thực tế kể cả giảm giá khuyến mại sốc như vậy nhưng hầu như lượng hàng bán được rất thấp. Điều này đã gây tác dụng ngược với mong muốn của chủ đầu tư.
Mới đây, công ty StoxPlus đã công bố nghiên cứu cấu thành giá bán của căn hộ chung cư hạng trung tại Hà Nội và TP.HCM. Theo đó, mức giá trung bình của một m2 căn hộ vào khoảng 15 triệu đồng/m2 bao gồm tiền đất, chi phí xây dựng…
Ông Nguyễn Quang Thuần, Tổng Giám đốc StoxPlus - đơn vị tiến hành điều tra cho rằng, nếu như muốn bán dưới mức giá này, chủ đầu tư chỉ còn cách là sử dụng phương án cắt giảm triệt để cắt giảm chi phí và thậm chí cả các tiện ích đi kèm đầu tư cho các công trình phúc lợi xã hội, cây xanh, đường xá...
Đơn cử, 1 dự án chung cư được liệt vào dạng cao cấp ở khu đô thị mới Trung Hòa Nhân Chính, dự án đã được bàn giao nhà cho các hộ dân. Nhưng, nếu so với các điều khoản về thiết bị nội thất đã ký kết với khách hàng khi mua nhà thì có đến 80% sai với cam kết. Chỉ bởi lý do giá cả vật liệu tăng cao trong khi giá bán căn hộ vài năm trước chỉ xấp xỉ 20 triệu đồng/m2. Nếu làm theo đúng như cam kết thì chủ đầu tư ôm lỗ nặng. Do vậy, để giảm lỗ chủ đầu tư chỉ còn cách cắt giảm nguyên vật liệu.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, do áp lực từ phía ngân hàng mà nhiều chủ đầu tư chấp nhận bán dưới giá vốn để thu tiền trả nợ. Tuy nhiên khi có tiền rồi thì các chủ đầu tư lo trả nợ ngân hàng và dự án tiếp tục rơi vào trạng thái không có tiền để triển khai. Điều này rất bất lợi đối với các nhà đầu tư khi họ không thể kiểm soát được khoản tiền mà mình đã nộp cho chủ đầu tư đang được sử dụng vào mục đích gì. Nếu dự án tiếp tục chậm tiến độ thì riêng khoản lãi cộng gộp tính ra khách hàng cũng chẳng được mua rẻ hơn là bao nhiêu.
Giảm giá, khuyến mại thậm chí chấp nhận bán dưới giá vốn có thể coi là giải pháp "cực chẳng đã" để tồn tại chờ đợi vượt qua khó khăn của không ít doanh nghiệp bất động sản. Tuy nhiên một sự thật là khi đã lỗ, thì người ta khó có thể có đủ động lực để tiếp tục làm, còn người mua nhà, tưởng là mua được rẻ nhưng lại thành mua đắt vì đối với những dự án thiếu vốn thì có khi đến 5-7 năm vẫn chưa thể nhận được nhà. Cuối cùng thì câu chuyện mua hàng rẻ bất động sản lúc này chưa chắc đã phải là sự lựa chọn tốt.
VnMedia