Ông Thành cho rằng, mặc dù Ngân hàng Nhà nước không nói tới sáp nhập các ngân hàng lớn, nhưng các ngân hàng này cũng phải nghĩ đến kế hoạch hợp nhất để, kiện toàn hệ thống để có đủ sức mạnh, đủ tầm ở thị trường trong nước và vươn ra quốc tế. Bởi vì, không phải ngân hàng lớn mà quản lý rủi ro đã tốt.
Cũng theo ông Thành, những ngân hàng nào lớn có vấn đề cũng phải lo giải quyết vì vấn đề nhỏ của ngân hàng lớn, sẽ lớn hơn những vấn đề của ngân hàng nhỏ. Cho nên mọi ngân hàng đều phải khám sức khoẻ, những ngân hàng nào nhỏ mà yếu kém thì nên giải thể, còn cái nào có sức khoẻ thì phải sáp nhập lại để đứng mạnh hơn hoặc có thể đứng riêng một mình.
"Hiện nay, mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước là làm sạch sẽ hoạt động ngân hàng, không phải tất cả các ngân hàng lớn là sạch sẽ và ngược lại. Vì vậy, mới có việc phải thanh tra, kiểm tra từng đơn vị. Hiện nay Việt Nam đứng trong thế hội nhập thế giới, nên hệ thống ngân hàng cũng phải cạnh tranh với ngân hàng trên thế giới", ông Thành nhận định.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra chủ trương khuyến khích các tổ chức tín dụng tự nguyện tìm hiểu lẫn nhau để mua lại, sáp nhập, hợp nhất, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan.
Để thực hiện chủ trương này, trường hợp cần thiết, Ngân hàng Nhà nước có thể có cơ chế hỗ trợ thích hợp nhằm đảm bảo việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại tổ chức tín dụng thành công, góp phần từng bước kiện toàn hệ thống các định chế tài chính Việt Nam hoạt động an toàn, ổn định, phát triển bền vững.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến nay, toàn hệ thống đã có 52 ngân hàng thương mại, 51 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 31 tổ chức tín dụng phi ngân hàng, 1 Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương, 1.083 quỹ tín dụng cơ sở và 1 tổ chức tài chính quy mô nhỏ.
Với vai trò chủ đạo trong hệ thống tài chính, các tổ chức tín dụng đã và đang gánh vác một nhiệm vụ quan trọng trong việc huy động và cung ứng vốn cho nền kinh tế, duy trì tốc độ tăng trưởng GDP cao và ổn định trong nhiều năm qua.
(Vnmedia)