Chỉ còn khoảng 5 tháng nữa là khóa 1 Học viện HAGL Arsenal JMG sẽ tốt nghiệp – tức là các cầu thủ bắt buộc phải có một môi trường tập luyện, thi đấu với tính chất cạnh tranh thực thụ, gắt gao chứ không phải là các trận-giải đấu mang tính giao hữu. Sau bài viết Học viện HAGL Arsenal JMG sống tốt, Thailand JMG đóng cửa vì đâu?, Một Thế Giới giới thiệu tiếp về 2 Học viện JMG khác để người hâm mộ hình dung được sự gian nan của công tác đào tạo trẻ hay việc nâng tầm nền bóng đá không hề đơn giản.
Thành công rực rỡ của Abidjan JMG Bờ Biển Ngà
Học viện JMG toàn cầu (Global JMG Academy) có tổng cộng 8 chi nhánh mở ra khắp thế giới, gồm: Abidjan JMG Bờ Biển Ngà (1994), Mandagascar JMG (2000), Thailand Chonburi JMG (2005), Ma-rốc JMG (2006), Algeria, Ai Cập, Việt Nam (2007), Ghana (2008) và Bỉ (2009). Trong số 7 Học viện thì JMG tại Ai Cập, Thái Lan và Việt Nam nhận được sự hỗ trợ từ CLB Arsenal.
Buổi học văn hóa ở Học viện Abidjan JMG Bờ Biển Ngà. |
Trong số 8 Học viện JMG thì có Abidijan JMG Bờ Biển Ngà và JMG Madagascar đã đào tạo ra được những sản phẩm hoàn thiện, được thử thách qua nhiều môi trường thi đấu. Song chỉ có Abidijan JMG Bờ Biển Ngà là thành công vang dội.
Năm 1993, khi ông Jean Marc Guillou sang Abidjan làm quản lý kiêm HLV trưởng cho CLB ASEC Mimosas là đội bóng mạnh, giàu truyền thống nhất của Bờ Biển Ngà. Ông J.M.Guillou cùng ASEC Mimosas và Tập đoàn Sifcom mở Học viện Mimosifcom JMG (tức Abidijan JMG) vào năm 1994.
Năm 1998, ASEC Mimosas đã có mùa giải huy hoàng khi vô địch CAF Champion League (Cúp C1 châu Phi) sau chiến thắng trước Dynamos FC (Zimbabwe). Tuy nhiên, ở mùa 1999 sau đó hàng loạt cầu thủ trụ cột của ASEC Mimosas rời bỏ đội để sang châu Âu và các nước châu Phi khác. Sự thiếu hụt lực lượng nghiêm trọng đó đã khiến ông Roger Ouegnin - chủ tịch CLB ASEC Mimosas và ông J.M.Guillou đã có quyết định táo bạo là đôn các cầu thủ của Học viện Mimosficom JMG lên đội 1 dù họ chỉ mới 17-18 tuổi và chưa hoàn thành chương trình đào tạo 7 năm.
Quyết định của bộ đôi Roger Ouegnin và J.M.Guillou bị chỉ trích nặng nề, thậm chí ông Slim Chiboub chủ tịch CLB Esperance Sportive de Tunis (Tunisia) – đối thủ của ASEC Mimosas ở CAF Super Cup 1999 (Siêu cúp châu Phi) trước trận đấu đã mắng: “Một vụ bê bối khi Mimosas đem trẻ con ra thi đấu”. Song, ASEC Mimosas đã gây kinh ngạc vì “đội hình trẻ con” đó đã đánh bại Esperance Sportive de Tunis với tỷ số 3-1, đem lại danh hiệu quốc tế thứ hai cho đội bóng của Bờ Biển Ngà.
Thành phần “đội hình trẻ con” sinh năm 1981, 1982 của ASEC Mimosas của 15 năm trước có Kolo Toure, Didider Zokora, “Copa” Barry Boubacar, Gilles Yapi Yapo, Abdoulaye Djire, Venace Zece, Siaka Tiene và Aruna Dindane mà về sau đều khoác áo ĐTQG Bờ Biển Ngà. Nổi bật nhất có Kolo Toure (Arsenal, Man City, Liverpool), Didider Zokora (St Etienne, Tottenham, Sevilla, Trabzanspor), Siaka Tiene (St Etiene, Valenciennes, PSG, Montpellier).
3 năm sau thế hệ đầu tiên của Kolo Toure, Didider Zokora, Học viện Mimosas Sifcom JMG tiếp tục trình làng những sản phẩm chất lượng khác sinh năm 1983-1984 với Yaya Toure (Barca, Man City), Arthur Boka (Strasbourg, VfB Stuttgart), Emmanuel Eboue (Arsenal, Galatasaray), Gervinco (Arsenal, AS Roma), Romaric (Sevilla, Zaragoza, Bastita).
Xuất thân từ Học viện Abidjan JMG Bờ Biển Ngà, Yaya Toure là cầu thủ châu Phi xuất sắc nhất hiện nay. |
Tuy nhiên, trước khi thành danh ở các CLB hàng đầu châu Âu, những cầu thủ kể trên đều qua “trạm trung chuyển” là KSK Beveren (Bỉ), nơi ông J.M.Guillou trở thành nhà quản lý vào năm 2001 và để rồi tỏa đi khắp Lục địa già.
Hai thế hệ cầu thủ xuất sắc Học viện Mimosifcom JMG tạo ra đã biến Bờ Biển Ngà trở thành một thế lực hùng mạnh của bóng đá châu Phi trong suốt 1 thập kỷ qua. Suốt thời gian dài ĐTQG Bờ Biển Ngà có đến 80% tuyển thủ xuất thân từ Mimosficom!
Cá nhân của ông J.M.Guilou đây cũng vừa là một thành công “vĩ đại” về đào tạo thể thao cùng như lợi nhuận to lớn khi những sản phẩm của “lò” JMG Bờ Biển Ngà đã trở thành món hàng đắt giá tại châu Âu.
Nhưng tất cả đều không phải màu hồng
Thành công của Học viện Mimosifcom JMG gây tiếng vang rất lớn khi chỉ trong vòng 8 năm ngắn ngủi (1994-2002) đã kích thích ảm hứng để nhiều quốc gia châu Phi khác noi theo.
Năm 1999, tổng thống Madagascar là Ratsiraka đích thân mời ông J.M.Guillou đầu tư tiếp một Học viện JMG khác tại Mandagascar, một quốc gia có nền bóng đá kém phát triển ở châu Phi với hy vọng tạo nên “kỳ tích” khác như tại Bờ Biển Ngà. Học viện Mandagascar JMG có tên gọi chính thức là Ny Antsika Academy ra đời năm 2000.
Song thành công chỉ có mức độ. Không giống như ở Mimosifcom JMG Bờ Biển Ngà, suốt 12 năm mở trường đào tạo (2000-2012), Học viện Mandagascar JMG đã tuyển sinh được 3 khóa với 48 học viên nhưng “kỳ tích” đã không xảy ra.
Sản phẩm của Madagascar JMG tuy đạt chất lượng tốt khi đã có 15 cầu thủ của Học viện Madagascar khoác áo ĐTQG, 7 cầu thủ khoác áo ĐT U.23 Madagascar nhưng chỉ dừng ở mặt bằng trong nước chứ không xuất sắc để vượt biển sang châu Âu như Học viện JMG Bờ Biển Ngà.
Thành quả xuất khẩu của Madagascar JMG là được vài cầu thủ sang nước ngoài thi đấu nhưng là sang… Thái Lan hay Algeria. Năm 2008, tiền đạo Claudio Ramiadamanana (sinh năm 1988) là sản phẩm đầu tiên được bán cho Muangthong United. Còn hiện tại Claudio đá cho CLB Romorantinas ở giải hạng Tư của Pháp.
Điều đáng chú ý là Học viện Madagascar JMG được tổ chức như một CLB để tham dự các giải đấu quốc nội như giải VĐQG, Cúp Quốc gia và Cúp CLB châu Phi. Năm 2008, Học viện Mandagascar JMG gây bất ngờ khi đoạt chức VĐQG (thắng 23/29, hòa 3 trận) và các cá nhân Học viện là tiền vệ Ibrahim đoạt giải “Cầu thủ xuất sắc nhất”, tiền đạo Carolus Andriamatsinoro (sinh năm 1989) trở thành Vua phá lưới ở giải VĐQG.
Năm 2009, Madagascar JMG về nhì giải VĐQG và tiền vệ Ibrahim lập cú đúp với danh hiệu “Cầu thủ xuất sắc nhất” và “Vua phá lưới”. Năm 2010, Học viện JMG lại về nhì và cầu thủ của họ là Baggio Rakotomenjanahary (sinh năm 1991) trở thành “Cầu thủ xuất sắc nhất” và Calorus là “Vua phá lưới”.
Dù có chất lượng vượt trội so với mặt bằng bóng đá Madagascar nhưng trình độ của cầu thủ Mandagascar JMG chỉ ở mức “làng nhàng” ở châu Phi nên sự nghiệp chỉ quanh quẩn ở các giải nghiệp dư ở châu Âu hay các CLB kém tên tuổi ở châu Chi.
Chẳng hạn, tiền đạo Carolus – người hai lần giành giải Vua phá lưới Madagascar đang thi đấu choUSM Alger ở giải VĐQG của Algeria (Algeria Ligue 1 Pro). Tiền đạo Baggio Rakotomenjanahary năm 2011 đầu quân cho US State Tamponaise, đội bóng ở đảo Reunion thuộc Pháp (nằm gần Madagascar trên Ấn Độ Dương) và mới rồi sang đầu quân cho FC Wil là đội bóng thuộc giải hạng Nhì Thụy Sĩ. Tiền vệ Ibrahim (sinh năm 1990) năm 2011 đầu quân cho JS Kabylie và năm 2012 chuyển sang USM El Harrach đều thuộc giải VĐQG Algeria.
Như vậy cầu thủ Học viện Mandagascar JMG đều được tạo điều kiện tối đa khi cùng nhau chơi trong một CLB ở các giải VĐQG trong 3 năm liền (2008-2010), sau đó giới thiệu đầu quân cho các nước ngoài. Hầu hết cầu thủ của Madagascar JMG đều khoác áo ĐTQG, trong đó Claudio, Calorus, Ibrahim, Baggio…nhưng trình độ của họ không quá nổi trội để tạo nên bứt phá ngoạn mục như ở JMG Bờ Biển Ngà. Đến giờ ĐTQG Madagascar vẫn còn rất yếu kém với vị trí 179 trên Bảng xếp hạng của FIFA (kém ĐTVN tầm 50-60 bậc).
Khóa 1 của Học viện HAGL Arsenal JMG đang được kỳ vọng nhiều. |
Năm 2012, Học viện Madagascar JMG đóng cửa, kết thúc sứ mệnh đào tạo. Các học viên khóa 3 được giới thiệu đến cho các đội bóng khác trong nước để tiếp tục sự nghiệp.
Quay lại, Học viện Mimosficom JMG Bờ Biển Ngà. Sau thành công của 2 khóa đầu thì kể từ năm 2002 đến suốt 7 năm sau đó, họ không tạo ra thêm được lứa cầu thủ tài năng mới. Năm 2006, ông J.M.Guillou ngừng hợp tác với ASEC Mimosas để tách riêng ra thành Học viện Abijan JMG Bờ Biển Ngà (ASEC Mimosas sau đó hợp tác với Charlton Atletic của Anh quốc). Năm 2010, Học viện Abijan JMG Bờ Biển Ngà đóng cửa, tạm ngừng hoạt động.
Kinh nghiệm nào cho Học viện HAGL Arsenal JMG?
Mục đích đào tạo của Học viện JMG đều hướng đến đích cao nhất là xuất sang thị trường châu Âu vì chỉ có như thế mới tạo ra hai yếu tố quyết định là danh tiếng và đảm bảo hiệu quả về đầu tư kinh doanh. Một khi các Học viện JMG không thực hiện được điều này thì phải đóng cửa.
Những nhà quản lý như J.M Guillou không thể đầu tư thời gian, tiền bạc lớn nhưng sản phẩm ra lò không tạo được lợi nhuận. Học viện JMG Madagascar, Thái Lan và cả Bờ Biển Ngà buộc đóng cửa là vì thế.
Về Học viện HAGL Arsenal JMG dù rất kỳ vọng nhưng chúng ta phải khách quan nhìn nhận cơ hội để các “gà nòi” của bầu Đức xuất khẩu sang châu Âu cực thấp. Trong 16 cầu thủ của khóa 1, chỉ cần 1 cầu thủ được CLB tên tuổi châu Âu ký hợp đồng thì đó cũng là thành công lớn cho bầu Đức và Global JMG Academy.
Bóng đá chuyên nghiệp phải có đào thải, sàng lọc liên tục để chắt lọc lại những tinh hoa. Bất chấp bầu Đức tuyên bố rằng sẽ giữ nguyên khóa 1 lại để tạo ra một tập thể đồng đều nhưng khó khả thi về thực tiễn.
Nếu giữ nguyên cả khóa 1 Học viện HAGL Arsenal JMG thì tương lai họ thi đấu ở đâu, nếu không phải là V.League? Giả định rằng lứa cầu thủ khóa 1 Học viện sẽ giúp CLB HAGL thống trị V.League thì điều đó trước hết có ý nghĩa với cá nhân bầu Đức và thương hiệu HAGL.
Kinh nghiệm thực tiễn từ Madagascar JMG cho thấy một CLB dù có tập thể chất lượng vượt trội cũng không thể giúp được nền bóng đá đó cất cánh khi cả hệ thống trì trệ, yếu kém. Để dễ hình dung thì: “Con cá không thể lớn hơn cái bể nuôi chính nó”.
Để thay đổi BĐVN cần tạo ra một “cái bể” lớn hơn mà điều đó một Học viện HAGL Arsenal hay bầu Đức cũng giống như một cánh én lẻ loi.
Một đầu ra cho Học viện HAGL Arsenal JMG mà nhiều người hâm mộ đề cập: Nhật Bản. Quả thật, “gà nòi” bầu Đức nếu đầu quân cho các CLB của Nhật Bản ở J.League 1 hay J.League 2 cũng đã là bước tiến to lớn. Ở Việt Nam, chúng ta chỉ có mọt Học viện HAGL Arsenal JMG thì người Nhật có vài chục Học viện như thế.
Trận thua của U.19 Việt Nam trước U.19 Nhật Bản ở Cúp Tứ Hùng TP.HCM cho thấy khoảng cách giữa hai nền bóng đá xa như thế nào. Song ở tuyển U.19 Nhật Bản cũng chỉ có tiền đạo Minamino Takumi mới chen chân được vào đội hình của CLB ở J.League là Cezero Osaka. Do vậy, để đầu quân cho J.League không phải là chuyện đơn giản như nhiều người hình dung.
Trong tương lai gần, môi trường thích hợp để lứa Học viện HAGL Arsenal JMG đấu quân thi đấu là những giải như Thai Premier League hay Singapore League. Về chất lượng, các giải đấu này có thể chỉ ngang ngửa với V.League (như S.League) hay nhỉnh hơn (Thai Premier League), nhưng điều quan trọng là đó những giải đấu có tính chuyên nghiệp hơn hẳn V.League.
Đây là những bước đi thực tế “chậm mà chắc” cho Học viện HAGL Arsenal JMG, hơn là mơ tưởng điều quá xa xôi ở tận trời Âu.
Theo Một thế giới