Thông tin trên làm nhiều người xôn xao và có cả nghi ngờ dù vẫn chưa hiểu từ “mua” đấy nhằm mục đích gì.
Tiền đạo số một Đông Nam Á đầu hàng ở Anh
Những năm 1999-2000, ngoài một đội tuyển Thái Lan vượt đẳng cấp trong khu vực Đông Nam Á thì “Zico” Kiatisak là tiền đạo số một Đông Nam Á. Anh đã được đánh tiếng của một CLB Anh là Huddersfeld và khăn gói sang đấy đầu quân với hy vọng là cầu thủ Đông Nam Á đầu tiên chơi bóng nhà nghề ở Anh.
Khi sang Anh, Kiatisak đã là một tiền đạo hàng đầu của đội tuyển Thái Lan và cũng là hàng đầu Đông Nam Á chứ mặc nhiên không phải là cầu thủ trẻ chưa có kinh nghiệm chiến trường. Thời điểm đấy yếu tố thể lực và sức mạnh của bóng đá Anh chưa khắc nghiệt như hiện nay. Thế nhưng Kiatisak tại CLB này dù miệt mài tập luyện chuyên môn và rèn luyện thể lực nhưng gần ba năm kiên trì đeo đuổi vẫn cứ mài đũng quần trên ghế dự bị. Cuối cùng Kiatisak từ bỏ ý định chơi bóng ở châu Âu để quay về Thái Lan rồi sang Singapore đá S-League.
Sau này gặp Kiatisak anh nói rằng ở tuổi đôi mươi sang châu Âu chơi bóng là quá muộn. Nền tảng thể lực của anh không mỏng so với thể hình cầu thủ Đông Nam Á nhưng cũng không thể vươn cao và không thể tích lũy thêm để ngang bằng cầu thủ giải hạng nhất Anh.
Hàng loạt đàn em của Kiatisak sau này sang châu Âu thử việc rất nhiều như Teerathep, Dangda, Thonglao… và đều thất bại quay về.
Mới đây cầu thủ số một Thái Lan là tiền đạo Dangda với chiều cao 1,86 m và từng cùng Muangthong chinh chiến nhiều ở AFC Champions League cũng thừa nhận mình thất bại khi cứ tưởng sẽ chơi bóng được ở châu Âu.
Cầu thủ U-19 có thực sự được CLB châu Âu “mời”?
Khả năng cầu thủ trẻ Việt Nam sang châu Âu có thực tế?
Trở lại ba cầu thủ HAGL - Arsenal JMG được một CLB lớn ở châu Âu muốn mua đến nay vẫn là dấu hỏi lớn. Qua nhiều giải mà U19 Việt Nam tham dự thì vấn đề nổi cộm nhất là thể lực, sức mạnh và kinh nghiệm chiến đấu. Họ không thua các cầu thủ Myanmar về kỹ thuật nhưng yếu tố trận mạc và độ lì thì rõ ràng kém hơn. Việc kém ở đây không do tố chất mà vì các em chưa được thả vào chiến trường như Myanmar cho cầu thủ mình đá giải vô địch để tăng độ lì trong xử lý trận mạc.
Vậy thì các CLB châu Âu vốn thiên về “bóng đá lực sĩ” khi đặt vấn đề với cầu thủ U19 Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu gì? Họ chấp nhận có kỹ thuật, có chuyên môn và bỏ qua “tiêu chuẩn sức mạnh”, bỏ qua kinh nghiệm chiến trường để “đào tạo lại” hoặc “đào tạo thêm”? Và liệu họ có kiên trì như CLB Huddersfeld từng kiên trì với Kiatisak gần ba năm rồi “thả” về?
Xét trên yếu tố chuyên môn và thực tế thì CLB lớn châu Âu “dạm ngõ” ba cầu thủ HAGL - Arsenal JMG vì mục đích gì?
Chuyên môn thì có lẽ chưa phải; tiếp thị bóng đá châu Âu tại Việt Nam thì càng không? Vậy thì có phải là cấp độ cao hơn của việc hợp tác làm ăn thông qua thử việc?
Hay chỉ là tuyên bố để “sướng” giống như chuyện đưa U-19 ra làm “phông” qua phát biểu: “Lứa U19 Việt Nam sẽ đưa bóng đá Việt nam dự World Cup”?
Mong những nhà làm bóng đá Việt đừng dồn ép các em bằng việc tạo ra ảo tưởng rất dễ làm tổn thương các em.
Đừng biến các em U19 thành công cụ đánh bóng của ai đó Là người tham gia tuyển quân cho học viện HAGL - Arsenal JMG khóa đầu, ông Nguyễn Văn Vinh nhận xét các em đang phát triển rất tốt và hãy để các em phát triển một cách bình thường. Ông Vinh chia sẻ: “Điều tôi sợ nhất bây giờ là người ta cứ biến các em thành những “thiên thần” và khai thác tối đa các em. Hãy để các em phát triển đúng với những gì các em đang được dạy dỗ và phát triển tự nhiên chứ đừng biến các em thành công cụ đánh bóng phục vụ những mục đích khác của người lớn. Tôi sợ họ cứ “trao” cho các em gánh nặng và áp lực quá nặng nề. Như thế là hại các em đấy!”. |
Theo Pháp luật TP.HCM