Di Maria và Oezil phải ra đi bởi chính sách Galacticos chỉ cần những cầu thủ hào nhoáng về mặt thương mại.
Thực ra, chẳng phải qua bức thư của Di Maria, người ta mới cho rằng việc ngôi sao người Argentina phải rời Real là vì bị ép buộc. Nhưng vấn đề là tại sao Real lại đối xử bạc bẽo với ngôi sao xuất sắc hàng đầu của mình như vậy?
Galacticos không có chỗ cho Di Maria
Không như đa phần CLB khác, Real đánh giá cầu thủ không chỉ bởi tài năng sân cỏ, mà cả giá trị hình ảnh. Họ có thể bỏ ra một khoản tiền còn hơn cả giá trị thực trên sân cỏ của một cầu thủ, nhưng lại sở hữu giá trị thương mại lớn (James Rodriguez hay Gareth Bale là những ví dụ gần nhất).
Ngược lại, Real sẵn sàng bán đi hay chẳng coi trọng một cầu thủ xuất chúng. Real không giúp họ bán được nhiều áo đấu, ký nhiều hợp đồng quảng cáo. Di Maria là mẫu cầu thủ như vậy.
Không phải đến lúc này, Real mới coi thường, hắt hủi Di Maria. Từ mùa trước họ đã tìm cách đẩy anh ra đi, khi đưa về Gareth Bale để lấy chỗ của anh. Lúc đó lòng tự trọng của Di Maria đã bị tổn thương, nhưng anh chấp nhận ở lại và bất ngờ tỏa sáng ở vị trí mới: tiền vệ trung tâm. Đến mùa này, dù vai trò và đóng góp của Di Maria trên sân cỏ còn lớn hơn, nhưng BLĐ Real vẫn chưa thôi ý định bán anh. Nếu không phải như vậy, họ đã không đưa James về để lại chiếm lấy vị trí tiền vệ trung tâm của anh.
Di Maria "bị ép" phải rời khỏi Real dù anh không hề muốn ra đi.
Di Maria đã nói trong bức tâm thư rằng anh bị lừa dối, có nhiều người không thích anh. Cụ thể, Real đã hứa hẹn gia hạn với anh tăng lương cho anh và sẽ đảm bảo cho anh một suất đá chính. Nhưng đã không có gì xảy ra.
Thực ra, chính sách đối xử bạc bẽo với các ngôi sao phi thương mại (hoặc có giá trị thương mại thấp) đã là bản chất của Real, đặc biệt ở kỷ nguyên Galacticos của chủ tịch Florentino Perez. Hẳn mọi người còn nhớ, Claude Makelele đã chơi tuyệt vời như thế nào ở Bernabeu trước khi bị đẩy tới Chelsea. Robinho trước khi bị hất cẳng sang Man City cũng là ngôi sao hàng đầu ở La Liga. Tương tự như vậy là trường hợp của chân chuyền hàng đầu Mesut Oezil ở mùa giải trước.
Có một điểm chung giữa các ngôi sao này là họ đều bị xem là “xấu trai”, chính xác hơn là không có nhiều giá trị thương mại. Vụ thủ thành Diego Lopez bị tống cổ sang Milan mới đây cũng là một minh chứng cho việc Real coi trọng hình thức, chuyện kinh doanh hơn cả tài năng và thành tích sân cỏ.
Thất bại của Real
Chính sách Galacticos là như vậy. Cũng không thể chỉ trích cách làm bóng đá này của CLB Hoàng gia TBN. Mỗi một CLB có chiến lược riêng. Nếu không nhờ chính sách mua về những ngôi sao danh giá và có giá trị thương mại cao, Real không thể vươn mình trở thành CLB giầu nhất thế giới trong những năm qua. Cần biết, trước khi đoạt Decima mùa trước, họ gần như thất bại toàn diện trên sân cỏ.
Nhưng việc tiến hành chính sách này nghiệt ngã đến nỗi đẩy cả Di Maria ra đường lại phản tác dụng, là con dao hai lưỡi. Nó vô tình làm xấu đi hình ảnh của Real. Trong mắt NHM và đặc biệt giới cầu thủ, sự hào nhoáng của Galacticos đang biến thành màu trắng của sự bạc bẽo. Những cầu thủ bên ngoài Bernabeu hẳn đang nhìn Real bằng ánh mắt khác, còn những ngôi sao hiện tại ở Bernabeu hoặc cảm thấy áy náy hoặc bất an vì biết đâu số phận của mình sẽ lại giống như Di Maria.
Dù kiếm được rất nhiều tiền và đã đẩy được Di Maria ra đi như mong muốn, nhưng đây là một thương vụ thất bại với Real, về mặt hình ảnh và có thể cả về chuyên môn!
“Siêu cò” Mendes cũng đứng sau vụ Di Maria
Có thể nói, siêu cò Jorge Mendes cũng là một trong những người có tác động rất lớn khiến Di Maria phải rời Real. Đơn giản, ông đang là người đại diện của Di Maria và sẽ nhận được một khoản “hoa hồng” rất lớn trong vụ chuyển nhượng này. Thực tế, chủ tịch Florentino Perez và Mendes được khẳng định đã gặp gỡ nhau nhiều lần trong Hè này để bàn về việc đẩy Di Maria rời khỏi Real.
Con số
1 Di Maria không hề thua 2 ngôi sao lấy mất chỗ của anh ở 2 mùa gần đây là Gareth Bale và James Rodriguez, thậm chí còn lấn lướt hơn. Anh vượt trội so với cả 2 cầu thủ này gần như về mọi khía cạnh nếu xét thành tích mùa trước.
Theo Bóng Đá Plus