Ngày mai (19/10), các tuyển thủ U19 Việt Nam lại vào cuộc giải quốc tế U21 là giải đấu thứ năm trong năm, chưa kể hai chuyến tập huấn tại châu Âu và Nhật. Ngược lại, các đàn anh tuyển quốc gia sau khi bể cúp quốc tế TP.HCM đang hồi hộp chờ VFF chọn đội đấu tập chuẩn bị vào AFF Cup trên sân nhà.
Đàn em đắt sô diễn…
Theo thống kê, đội tuyển U19 Việt Nam đã chơi 37 trận đấu, từ hai giải cúp NutiFood cho đến giải giao hữu U22 quốc tế ở Brunei, vòng chung kết châu Á… chưa kể tính toán của thầy Guillaume vào đến chung kết giải U21 sắp tới là bốn trận nữa. Cộng thêm giải Sinh viên Đông Nam Á vào cuối năm nay tại Indonesia thì chắc chắn tuyển U19 chơi trên 40 trận mỗi năm.
Vì đội U19 Việt Nam không vào sâu ở giải U19 châu Á nên họ mới có vài ngày nghỉ trước khi bay xuống Cần Thơ đá giải U-21 mà ban tổ chức đã đặt chỗ từ lâu. Rõ ràng hiệu ứng U19 lan tỏa rất tốt qua tất cả giải đấu họ tham gia và ai cũng muốn sự xuất hiện của thầy trò Guillaume để tăng phần sôi nổi và thu hút nhiều khán giả.
Nghịch lý của bóng đá Việt Nam hiện nay là đội tuyển Việt Nam thiếu đối tượng thi đấu trong khi đàn em U19 thì dày đặc đơn đặt hàng. |
Chính nhờ sự xuất sắc và dễ mến của U19 Việt Nam khiến họ rất đắt “sô” mà không cần đến VFF tính giùm sân khấu dù người ta luôn xem họ như những đứa con ngoan cần đầu tư chăm sóc nhiều hơn các đội tuyển khác. Ngoài ra, những phần kinh phí cho U19 dự giải cũng có nhiều đơn vị chung tay chia sẻ hoặc hình ảnh của họ quá dư dả mang lại tiền chi phí cho các giải đấu mỗi khi có đơn vị nào muốn nhảy vào tài trợ.
Duy có điều có quá nhiều giải đấu cận kề nhau cùng mật độ thi đấu dày đặc cho thấy sức chịu đựng của các cầu thủ trẻ dễ bị quá tải. U19 chơi nhiều gấp rưỡi các đàn anh tại V-League mà các HLV thường than thở bị quá tải khi đưa quân đá tại các đấu trường AFC Cup.
Chỉ mong cho HLV Guillaume gần gũi với cầu thủ nhất sẽ biết cách điều chỉnh cho học trò để không bị đồn thổi là vắt sức U19.
Đàn anh vất vả tìm sân chơi
Đội tuyển Việt Nam còn hơn một tháng nữa sẽ bước vào đấu trường AFF Cup trên sân nhà mà VFF kỳ vọng họ chiếm nhiều ưu thế để đăng quang để đạt một trong ba mục tiêu của năm. Hơn nữa, khi hai cái đích lớn tuyển nữ Việt Nam mất suất World Cup và U19 quốc gia bị loại ở vòng bảng U19 châu Á thì việc thầy trò Miura chơi hay, chơi đẹp ở AFF Cup sẽ cứu vãn danh dự cho làng bóng rất nhiều.
Thế nhưng với việc cúp giao hữu quốc tế TP.HCM bị hủy vào giờ chót thì đội tuyển Việt Nam sẽ vào các trận đấu thật AFF Cup mà không có một giải đấu nào làm điểm tựa để thích nghi. Đấy là một thiệt thòi rất lớn của thầy trò Miura, nếu nhìn lại các đời tiền nhiệm trước mỗi giải đấu Đông Nam Á thường có nhiều giải giao hữu như Cúp Quốc tế truyền thống TP.HCM hay giải thường niên ở Hà Nội từ năm 2004 trước mỗi kỳ tham gia sân chơi chính.
Tính từ ngày tập trung, học trò ông Miura chỉ có hai trận đấu giao hữu thắng các đội yếu Myanmar, Hong Kong và chuyến tập huấn ngắn ngày với ba đối thủ tại Nhật Bản. Dự kiến thời gian tới, đội tuyển Việt Nam cón bốn trận đấu tập với các đội khách nhưng còn phụ thuộc vào quan hệ của VFF lẫn chi phí ra sân theo kiểu tiền nào của đó.
Thật lạ lùng cho VFF luôn rơi và thế bị động khi kế hoạch đã lên từ đầu năm nay và việc chinh phục AFF Cup là một mục tiêu lớn của nhiệm kỳ mới. Đội tuyển quốc gia không phải là nơi để gánh hậu quả cho một mùa bóng bết bát để đến nỗi người ta xem như đứa “con hư” đến giờ chót còn chạy vạy tìm chỗ chơi.
Đội tuyển Việt Nam tăng cường cầu thủ Ngày mai (19/10), thầy trò Miura sẽ tập trung huấn luyện tại Bình Dương chờ thi đấu hai trận giao hữu trước khi ra Hà Nội đóng quân chuẩn bị AFF Cup. Sau chuyến tập huấn tại Nhật Bản, ông Miura triệu tập ba cầu thủ Olympic vừa chơi ở Asiad 17 gồm hậu vệ Minh Tùng, Thanh Hiền và tiền vệ Ngọc Thắng. Đội tuyển cũng chia tay ba cầu thủ đều của SHB Đà Nẵng là tiền vệ Quốc Anh, Vũ Phong và Minh Tâm vì không đáp ứng yêu cầu chuyên môn. |
Theo Pháp luật TP.HCM