Hơi "phũ", nhưng đã đến lúc chia tay ông Miura

Thứ tư, 20/01/2016, 09:21
Đến ngay cả Jose Mourinho còn bị sa thải thì chuyện HLV Miura chấm dứt hợp đồng với VFF cũng là quá đỗi bình thường.

Có một thời gian rất dài, những chiến lược gia giỏi nhất của thế giới bóng đá lại là những người có xuất thân từ cầu thủ kém cỏi hoặc không lừng danh. Nhưng họ có tư duy và khả năng làm việc đề cao khoa học và đạt được thành công vang dội.

Từ Sacchi, Ferguson, Van Gaal cho tới Jose Mourinho đều là những HLV không có xuất thân là một cầu thủ giỏi. Nhưng nói như HLV Sacchi: "Một anh nài ngựa không nhất thiết phải từng là ngựa", việc không có xuất thân tốt lại giúp họ có để ý nhiều hơn tới chiến thuật và thứ bóng đá mang đậm chất khoa học.

Mourinho và Vangaal đều không có xuất thân là cầu thủ giỏi nhưng từng đạt thành công lớn nhờ triết lý bóng đá đề cao sự kỷ luật tuyệt đối, nhưng bây giờ đang là những người thất bại bởi chính triết lý bóng đá khô cứng, biến cầu thủ thành rô bốt của mình.

Điểm chung của trường phái các nhà cầm quân này là họ cần toàn quyền quyết định mọi thứ, các cầu thủ phải nghe lời tuyệt đối mới có thể mang đến thành công. Hay nói cách khác, sự vận hành giữa con người, đội bóng, tất cả mọi thứ đều hoạt động như một cỗ máy, dù đó là cỗ máy tấn công hay cỗ máy phòng ngự.

Thế nhưng, thời gian gần đây khi mà giá trị các cầu thủ còn cao hơn rất nhiều so với HLV, mối quan hệ giữa cầu thủ và HLV cũng thay đổi. Họ không còn coi nhau như thầy - trò mà là cộng sự hợp tác cùng nhau. Và rõ ràng, khi khoảng cách ấy được rút giảm thì những HLV cứng nhắc như Jose Mourinho, Van Gaal... thất bại, trong khi các HLV có xuất thân là danh thủ lại lên ngôi.

Từ Pep Guardiola, Diego Simeone, Luis Enrique cho tới Zidane bắt đầu đảm đương những nhiệm vụ lớn lao và gần như gặt hái được thành công ngay lập tức mà không cần kinh nghiệm cầm quân. Đơn giản, họ trao đổi và làm việc với các cầu thủ như đồng nghiệp với nhau, và đó chính là điều mà cầu thủ bóng đá hiện đại bây giờ cần.

HLV Miura cũng là một người không có xuất thân là cầu thủ giỏi, thế nên ông buộc phải sử dụng triết lý bóng đá đề cao khoa học, thực dụng để truyền giảng cho các cầu thủ.

Không phải ngẫu nhiên, thành tích mà ông Miura gặt hái được với bóng đá Việt Nam theo xu hướng giảm dần với thời gian gắn bó.

Và như đã nói, thứ bóng đá này cần phải biến toàn bộ các cầu thủ thành rô bốt, nhưng dù sao cầu thủ vẫn là con người, họ có thể chấp nhận trong thời kỳ ngắn, chứ không thể chấp nhận trong thời kỳ dài tới 2 năm.

Vì thế, biểu đồ thành công của HLV Miura khi dẫn dắt bóng đá Việt Nam là đi xuống. Nghĩa là, thời gian càng trôi đi, ông Miura càng thất bại. Cũng vì lẽ đó, việc chấm dứt hợp đồng với ông Miura lúc này ở một phương diện nào đó là hơi phũ phàng với ông, nhưng điều đó là cần thiết với bóng đá Việt Nam và cả bản thân ông thầy người Nhật.

Đến cả những HLV tầm cỡ như Mourinho còn bị sa thải, hay Van Gaal bị đòi từ chức, thì chuyện Miura phải ra đi bất chấp lý lẽ âu cũng là chuyện hết sức bình thường.

20h30 ngày 20/1, đội tuyển U23 Việt Nam sẽ chơi trận đấu cuối cùng ở VCK U23 châu Á gặp U23 UAE. Theo nhiều nguồn tin, VFF và HLV Miura có thể sẽ chấm dứt hợp tác ngay sau giải đấu này chứ không cần chờ đến tháng 4 khi hợp đồng giữa hai bên hết hiệu lực.

Theo Zing

Các tin cũ hơn