Chân dung "siêu cò" số một Việt Nam

Thứ năm, 26/01/2012, 17:21
Thưở xưa, Lã Bất Vi buôn vua bán chúa, còn ngày nay, cò Đại đi buôn ông bầu.


Một con cò con

Ông Trần Tiến Đại xuất thân từ cầu thủ năng khiếu Nghiệp vụ TPHCM, ra trường vào những năm cuối thập kỷ 1980 rồi được đưa về CA TPHCM, CSG thử lửa nhưng không may bị chấn thương phải giải nghệ.

 

Chia tay sân cỏ, ông Đại đi học HLV và đã tập tễnh vào nghề khi làm trợ lý cho HLV Lê Hữu Tường ở đội hạng Nhất Bưu Điện TP.HCM mùa 2004-2005. Có chút vốn liếng ngoại ngữ, ăn nói mềm mỏng, ông Đại được cất nhắc lên trợ lý U.20 VN năm 2005-2006.

Lược đôi nét như thế đã biết, ông Đại là dân có nghề, là người của giới bóng bánh chứ không phải diện "trên trời rơi xuống". Nhưng điều đó vẫn không tạo bước ngoặt thành công của ông trùm môi giới.

Trong 3 năm đầu tiên làm "cò" (2005-2007), ông Đại rất nhỏ bé trước những tay môi giới quốc tế đến từ châu Phi, Nam Mỹ, châu Âu như Tubin, Jolly Okay, Mauro Onizuka..., đang đầy rẫy và thao túng V.League. Hàng của ông Đại vào thời điểm đó chỉ là những cầu thủ phủi từ châu Phi do các tay cò ở Lục địa đen gửi sang theo kiểu bên A trả tiền vé máy bay còn bên B bao tiền ăn ở tại Việt Nam. Gần 2 năm trời làm ăn, cầu thủ khá nhất của cò Đại là tiền đạo Mbabazi cho HN.ACB, phần còn lại chỉ vụn vặt cho mấy CLB nhà nghèo ở hạng Nhất.

Không cạnh tranh lại bằng đường chính ngạch, ông Đại đi theo đường tiểu ngạch bằng cách tiếp cận, "rủ" các ngoại binh do các nhà môi giới quốc tế đưa sang Việt Nam theo kiểu: " Đi với anh ngon hơn". Bằng cách này, cò Đại đã hớt tay trên rât nhiều cầu thủ của cò khác. Chính điều này đã khiến Jolly Okay cuối năm 2007 đâm đơn kiện lên VFF vì bị giật 4 cầu thủ da màu, 1 trong số đó là Maxwell mà bây giờ được biết với tên Đinh Hoàng Max. Một cầu thủ ngoại tên tuổi khác cũng được cò Đại nẫng tay trên của Jolly Okay là Aniekan.

Bằng những thủ đoạn như thế và chạy được những mối quan hệ nên cò Đại dần đánh bật những cò ngoại ra khỏi Việt Nam. Không những thế, dù dính vào nhiều vụ rắc rối, bị kiện tụng không có bằng FIFA Agent nhưng cò Đại vẫn được VFF bật đèn xanh cho qua.

Nhưng nếu chỉ như thế không, Trần Tiến Đại cũng chỉ là cò Đại

Nghệ thuật buôn ông bầu

Bí quyết khiến ông Đại từ một cò con lột xác thành đại bàng là tài đánh hơi được thời cuộc, ngửi được tình thế và đoán biết những doanh nghiệp, ông chủ nào nhảy vào bóng đá để từ đó tập trung vào "tấn công".

Ông chủ doanh nghiệp đầu tiên được chọn là bầu Hiển của HN.T&T. Bằng cách móc nối được với HLV Triệu Quang Hà, người được bầu Hiển giao toàn quyền ngày mới làm bóng đá, cò Đại đã thành công với một loạt phi vụ để đời. Thắng đậm nhất là việc lấy về Cristiano và Cassiano. Để có hai cầu thủ này, bầu Hiển đã bỏ ra số tiền lót tay 180.000 USD, một con số được xem là khủng khiếp vào thời điểm cuối năm 2007 đầu 2008. Tương ứng lương tháng cho hai cầu thủ này lần lượt 8.000 USD và 10.000 USD.

Giai đoạn làm ăn với HN.T&T kết thúc khá nhanh do bầu Hiển cũng là tay sành sỏi. Ngay sau đó, kết thúc mùa 2008, ông Đại đã đánh hơi và nhảy sang bầu Trường ở V.Ninh Bình và mở ra một bước ngoặt trong nghệ thuật buôn ông bầu.

Sự ất ơ và khả năng vung tiền vô tội vạ của bầu Trường đã tạo điều kiện cho cò Đại phất như diều no gió. V.Ninh Bình đã trở thành cái chợ cầu thủ và ông Đại đã lấn sâu vào đia hạt môi giới cầu thủ nội mà mở màn ầm ĩ nhất là vụ bắt tay với 4 cầu thủ K..
Khánh Hòa (Đức Hùng, Hữu Chương, Trọng Bình, Tấn Điền). Hai năm ở đất Ninh Bình, cò Đại đã buôn bán sang tay không biết bao nhiêu cầu thủ nội - ngoại mà cầu thủ nào cũng cỡ vài tỷ.

Số tiền bầu Trường đã nhờ cò Đại “đốt” giùm trong hai mùa 2009-2010 nằm giá trên 150 tỷ đồng. Chính bầu Trường và cò Đại là tác nhân trực tiếp tạo nên cơn bão giá khủng khiếp thỏi qua bóng đá Việt Nam mà cho đến giờ vẫn chưa dừng lại.

Khi bầu Trường không còn “ăn” được nữa, ông Đại chuyển sang phò bầu Thụy, một người Ninh Bình khác nhảy vào bóng đá từ Hà Tĩnh, Quảng Nam rồi Sài Gòn. Cũng mua mua, bán bán với số lượng lên đến trên 20 cầu thủ/mùa và cứ nhân lên khoản tiền tỷ thì ra đáp số bao nhiêu. Bầu Thụy bỏ bóng đá , cò Đại đã đứng ra làm trung gian móc ngay với bầu Lãm. Công cuộc “tiêu tiền hộ” cho các tay doanh nghiệp nhảy vào bóng đá của Trần Tiến Đại vẫn chưa dừng lại…

Môi trường bóng đá Việt Nam thời buổi quá độ đã đẻ ra một nhân vật như Trần Tiến Đại. Ngược lại, dù muốn hay không phải thừa nhận, Trần Tiến Đại quá giỏi khi đã thức thời và chọn đúng con đường mà “lịch sử” đã xếp sẵn. Cùng là nghề làm “cò” nhưng sự khác biệt của cò Đại với cò khác là người ta đi buôn cầu thủ, còn ông Đại đi buôn ông bầu.

Theo Thể thao 24h

 

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn