Nếu Tuấn Anh không thể bình phục hoàn toàn, HLV Nguyễn Hữu Thắng nên mạnh dạn gạt Tuấn Anh khỏi kế hoạch AFF Cup. Điều đó là cần thiết cho đội tuyển và cho tương lai của Tuấn Anh.
Sau tất cả, điều gì là quan trọng nhất với Tuấn Anh? AFF Cup có quan trọng hơn sức khỏe của Tuấn Anh? Chiến thắng có xứng đáng để đánh đổi tương lai của Tuấn Anh?
Trường hợp của Tuấn Anh gợi nhớ một bi kịch kinh điển trong lịch sử bóng đá liên quan tới “Người ngoài hành tinh Ronaldo” ở World Cup 1998. Trước trận chung kết, Ronaldo lên cơn động kinh. Nhưng HLV Mario Zagallo, trong áp lực ngàn cân của dư luận, không thể để cầu thủ hay nhất thế giới trên ghế dự bị. Ronaldo phải tiêm thuốc giảm đau cấp tốc. Anh vào sân, chơi vật vờ suốt 90 phút, còn Brazil thua Pháp 0-3.
Sau đêm đó, “Người ngoài hành tinh” không bao giờ còn trở lại là chính mình. 5 năm đầu sự nghiệp, Ronaldo hai lần giành danh hiệu Cầu thủ hay nhất thế giới. 13 năm kế tiếp, anh chỉ một lần chiến thắng. Người ta nói việc phải tiêm thuốc giảm đau liên tục suốt thời gian dài đã làm tổn thương cơ bắp của Ronaldo.
Tuấn Anh khó thể có thể trạng tốt nhất bước vào AFF Cuo 2016. Ảnh: Thanh Hà |
Đó dường như là số phận đang chờ đợi Tuấn Anh nếu số 8 tiếp tục được điều trị như hiện nay.
Hai tuần qua, tiền vệ người Thái Bình đã được chữa trị bằng hàng loạt biện pháp khác nhau. Đầu tiên, anh được tiêm huyết tương giàu tiểu cẩu để đẩy nhanh tiến trình hồi phục. Khi tới Myanmar, Tuấn Anh phải hút dịch. Sau đó, vì phản ứng thuốc, chân anh bị phù và phải tiêm kháng sinh.
Điểm chung trong các phương pháp này là gì? Giống như thuốc giảm đau, đây đều là các biện pháp cấp tốc, giúp chấn thương hồi phục nhờ các tác nhân bên ngoài. Khi được sử dụng lâu dài, các biện pháp này làm giảm khả năng đề kháng và tự hồi phục của cơ thể. Những cầu thủ thường xuyên phải chữa trị chấn thương cấp tốc theo kiểu này đều có một số phận bi thảm chung: giải nghệ sớm. Owen Hargreaves hay Fernando Redondo là những ví dụ điển hình.
Với cái chân sưng vù như thế, ai dám nói Tuấn Anh có thể trở lại trước này khai mạc AFF Cup hôm 20/11 là kẻ độc ác.
Tuấn Anh vẫn đang phải điều trị chấn thương và tiêm kháng sinh. Ảnh: Tùng Lê. |
Với cầu thủ có tiền sử chấn thương mãn tính như Tuấn Anh, phương pháp này càng có khả năng để lại những hậu quả nghiêm trọng.
Hãy nhớ những lời HLV Hữu Thắng từng nói khi Hoàng Thịnh dính chấn thương hồi tháng 5/2016: “Cầu thủ phải biết mình có thể thi đấu bao nhiêu % và bị đau như thế nào. Bộ phận y tế phải làm sao để luôn nghĩ điều tốt nhất cho cầu thủ. Họ chấn thương mà cho họ lên đá là làm chấn thương của họ nặng hơn”.
Vậy tại sao Tuấn Anh vẫn còn trên tuyển khi hy vọng hồi phục của anh là rất mong manh? Bởi vai trò của Tuấn Anh ở tuyển Việt Nam quá quan trọng. Cùng với Xuân Trường, họ là “trái tim” của đội bóng. Không phải chỉ một mình Hữu Thắng chờ Tuấn Anh. Lãnh đạo Liên đoàn, truyền thông và hàng triệu người hâm mộ cũng đang chờ anh. Tuấn Anh rơi vào cái thế giống như Ronaldo năm nào.
Nhưng khi AFF Cup chỉ còn cách 2 ngày, đặt hy vọng vào Tuấn Anh là đúng hay sai?
Sáng 18/11, thông tin từ Myanmar khẳng định Tuấn Anh chắc chắn lỡ trận ra quân AFF Cup. Ảnh: Tùng Lê. |
HLV Hữu Thắng từng nói: “Chúng ta phải xây dựng một đội hình với tất cả các vị trí gắn kết nhau. Không có ai xoay quanh Xuân Trường, Tuấn Anh hay bất kỳ cầu thủ nào khác. Ở tuyển Việt Nam, không có một ngôi sao nào để tất cả phải xoay quanh họ”.
Những gì ông Thắng đang làm với Nguyễn Tuấn Anh đã thể hiện điều ngược lại. Thay vì mất quá nhiều thời gian cho một cầu thủ chấn thương nặng, HLV Hữu Thắng lẽ ra phải sẵn sàng với những phương án không Tuấn Anh. Khoảng thời gian nói về Tuấn Anh lẽ ra phải dành để xây dựng một hệ thống mới không phụ thuộc Tuấn Anh.
Ngay cả khi Tuấn Anh kịp bình phục, anh cũng khó có thể lấy lại phong độ. Chấn thương dài hạn, việc không tham dự các trận giao hữu, căng thẳng tâm lý trong kỳ AFF Cup đầu tiên, tất cả có thể làm hại Tuấn Anh. Tung một cầu thủ vừa hồi phục vào sân trong giải đấu chính thức căng thẳng, HLV Hữu Thắng chắc chắn không thích điều này.
Nỗi sợ hãi lớn nhất của chúng ta là Tuấn Anh sẽ trở lại, sẽ tái phát và chấn thương nặng hơn.
Ai cũng muốn được thấy Tuấn Anh trên thảm cỏ. Nhưng đó nên là và phải là Tuấn Anh khỏe mạnh nhất, sung mãn nhất. Anh phải là cánh chim tự do không vướng bận, chẳng bị trói buộc bởi những xiềng xích mang tên chấn thương.
Vì bất kỳ lý do gì, kể cả chức vô địch, không ai được phép đánh cược với tương lai của Tuấn Anh. HLV Hữu Thắng từng là một cầu thủ, cũng từng dính chấn thương. Ông phải hiểu điều đó. Nếu Tuấn Anh không thể hồi phục, hãy kiên quyết loại Tuấn Anh, để bảo vệ anh và đội tuyển.
Vì chúng ta vẫn muốn được thấy Tuấn Anh mỉm cười và nhảy múa trên thảm cỏ sau này.
Theo Zing