Vấn đề của bóng đá VN: Khi bạo lực được nuôi dưỡng

Thứ tư, 01/02/2012, 09:03
Trong khi ai cũng lên án sân cỏ Việt Nam đầy bạo lực thì các nhà tổ chức và điều hành giải lại xem đấy là chuyện bình thường…

 

Trả lời báo giới, Phó Chủ tịch LĐBĐ VN - Tổng Giám đốc VPF Phạm Ngọc Viễn đã đánh tráo khái niệm giữa những chiếc thẻ đỏ ở tứ kết Cúp Quốc gia với hành vi bạo lực của nhiều cầu thủ. Ông Viễn phân tích về ba chiếc thẻ đỏ trên sân Vinh giữa SL Nghệ An và V. Ninh Bình “là bằng chứng cho thấy các đội bóng đều mong muốn giành thành tích cao chứ không coi nhẹ sân chơi Cúp Quốc gia” (!?). Với cách nói của ông Viễn thì việc trọng tài rút ra nhiều thẻ đỏ là tín hiệu tích cực chứ không thể coi là bạo lực sân cỏ gia tăng (!?).

Có thể ông Viễn không xem các trận đấu này hoặc nghe tường thuật lại không đầy đủ nên mới có nhận định như thế. Tuy nhiên, rất nhiều khán giả và người trong cuộc đều lo ngại và ngán ngẩm cho những hành vi xấu trên sân cỏ bởi nó hủy hoại bóng đá Việt Nam và biến sân cỏ thành võ đài.

Bạo lực, ẩu đả như thế này mà ông tổng giám đốc VPF và cũng là phó
chủ tịch LĐBĐ VN lại cho là “tích cực” vì tính quyết liệt  tăng cao. Ảnh: XUÂN HUY - BÁO 24H


Điều nguy hiểm hơn là trong khi nhiều CLB có khuynh hướng “ủng hộ” cầu thủ mình đá xấu, đá rát và phát triển thành bạo lực thì đánh giá theo kiểu “che đậy bạo lực” của ông tổng giám đốc VPF dễ được các CLB hiểu là cổ súy cho lối chơi này.

Tính quyết liệt của một trận đấu khác rất xa với những đòn thù triệt hạ hoặc nhắm vào nhau theo kiểu hủy diệt. Cứ nhìn Đức Huy đá vào mặt Trọng Hoàng; Hoàng Thịnh song phi vào đầu Mạnh Dũng; Moussa đạp vào người đồng nghiệp hoặc hình ảnh trên sân Thống Nhất khi Sunday, Bật Hiếu và nhiều cầu thủ Thanh Hóa đuổi đánh Huỳnh Kesley và khán giả ném vỡ kính xe đội khách thì không thể xem đấy là yếu tố quyết liệt mang tính tích cực.

VPF ra đời là một cuộc cách mạng lớn của những nhà làm bóng đá luôn mong ước có một giải đấu lành mạnh, trong sạch. Và việc VPF mới thành lập chỉ mới hai tuần đã phải lao vào điều hành các giải đấu vốn còn rất phức tạp từ những tồn tại sau 11 mùa khoác áo chuyên nghiệp mà còn rất nghiệp dư sẽ rất khó để ngay hàng thẳng lối nhưng lại rất cần sự quyết liệt bằng hành động và những tuyên bố. Thế nhưng ông tổng giám đốc VPF cũng là phó chủ tịch LĐBĐ VN thay vì thẳng thắn nhìn nhận khiếm khuyết để “bốc thuốc chữa bệnh” thì lại có những đánh giá kiểu nuôi mầm bệnh lây lan, phát triển.

Một nền bóng đá không thể phát triển nếu dung dưỡng cho bạo lực và biến sân cỏ thành võ đài.

Không biết những nhà làm bóng đá có đau lòng không thì không ít CĐV đã đăng đàn trên mạng việc đi xem Super League và Cúp Quốc gia năm nay được khuyến mãi thêm những màn kung-fu rợn người kèm theo bạo loạn, ẩu đả và đánh nhau như phim hành động?

Theo Phapluattp.

 

 

Các tin cũ hơn