VPF đưa ra rất nhiều tiêu chí và hứa hẹn khi điều hành giải nhưng có vẻ bộ máy của VPF (trong đó có cả thuê người của LĐBĐ VN và những chuyên gia) nhưng vẫn chưa đủ lực để sâu sát uốn nắn mọi thứ đi đúng hướng. Mới chỉ thấy VPF “hưởng ứng” với các CLB mạnh tay trong việc chấn chỉnh đội ngũ trọng tài, còn việc đưa sân cỏ trở nên sạch, lành mạnh thì vẫn còn rất nhiều việc chưa đâu vào đâu. Đặc biệt là thời gian gần đây nổi lên những vấn đề bạo lực, phi thể thao của nhiều cầu thủ lẫn cách ứng xử của nhiều HLV.
Chủ tịch LĐBĐ VN Nguyễn Trọng Hỷ bày tỏ lo ngại cho VPF đang dần mất kiểm soát về cách thức tổ chức và điều hành giải đấu. Trong khi đó, VPF vẫn thừa tự tin sẽ làm tốt phần việc của LĐBĐ VN như các mùa giải qua nhưng không thể phủ nhận việc VPF đang cố gồng mình gánh những phần việc còn mới nhưng đã quá tải. VPF càng ngày càng ngộ ra rằng với bóng đá Việt Nam từ lý thuyết đến thực tế rất xa và điều người hâm mộ lo là liệu VPF còn đủ sức để chạy đường dài và thực hiện trọn vẹn những gì mình đề ra.
VPF đang thể hiện quyền chứ chưa cho thấy nội lực trong
công tác điều hành. Ảnh: XUÂN HUY
Phó Chủ tịch LĐBĐ VN Lê Hùng Dũng cũng là phó chủ tịch HĐQT VPF từng vẽ ra một bức tranh đẹp về việc giải quyết sự cố sau mỗi vòng đấu. Theo đó, mỗi đầu tuần các quan chức VPF, các chuyên gia sẽ ngồi lại hoặc chỉ cần “online” rồi ra ngay quyết định xử lý các tồn tại theo kiểu phản ứng nhanh. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này (sau ba vòng Super League và ba vòng Cúp Quốc gia), vai trò của VPF chưa thể hiện một cách đầy đủ khi “thời lượng” điều hành cho vụ giành bản quyền truyền hình đã chiếm quá nhiều trí lực lẫn sức lực. Bên cạnh đó phải thừa nhận LĐBĐ VN giống như người tự ái vì bị VPF nắm quyền đã có thái độ bất hợp tác khiến những bước đi đầu của VPF đã khó càng thêm khó.
Không khó để nhìn ra VPF đang cố “săn” người tài nằm ngoài hệ LĐBĐ VN những bước đầu thì vẫn phải dùng người cũ của bộ máy cũ và sự đồng điệu giữa định hướng của VPF và lực lượng làm nhiệm vụ còn độ chênh lớn.
Không ít người nói rằng VPF đang ôm nỗi cô đơn kiêu hãnh trên đỉnh các giải đấu trong khi các thành phần còn lại bị mất phương hướng và tự bơi theo cảm tính và thói quen cũ khó sửa. Điển hình như thói quen “chống án” từ các CLB, cầu thủ (và thường xuyên được giảm án) khiến việc ra hình phạt chế tài với các đội mất hiệu lực.
Ông trưởng giải Trần Duy Ly có thâm niên kinh nghiệm nhưng chưa cho thấy dấu ấn của một chuyên gia giàu kinh nghiệm; ông tổng giám đốc VPF Phạm Ngọc Viễn lẽ ra phải là người “sáng” nhất lại có những phát ngôn chống chế hệt với kiểu điều hành giải những mùa qua khi không dám đối mặt với thực tế.
Hy vọng những sự cố nổi cộm sau ba vòng đấu chỉ là thách thức ban đầu cho cỗ máy VPF trong bối cảnh quyền và lực của họ chưa phải cặp đôi hoàn hảo.
Cựu Tổng Thư ký LĐBĐ VN Trần Bảy: “Cầu thủ kém chuyên môn, kém đạo đức đang được các ông bầu làm hư…” Ông Trần Bảy dù về hưu đã lâu nhưng vẫn theo dõi tình hình bóng đá nước nhà và thẳng thắn góp ý: “Họ nói là chuyên nghiệp nhưng tôi chưa thấy sự chuyên nghiệp từ công tác điều hành và từ công tác quản lý đội bóng, giáo dục cầu thủ. SEA Games 26 thất bại thì rút ra nguyên nhân cầu thủ kém chuyên môn do hay ngồi ghế dự bị. Cái này thì rõ là mâu thuẫn vì ai lại lấy cầu thủ ngồi ghế dự bị lên tuyển. V-League chưa ra hồn lại nâng lên thành Super League và tôi chẳng thấy “siêu” gì ở đây ngoại trừ bạo lực, song phi vào đầu nhau thế mà có người cứ nói là họ quyết liệt chứ không bạo lực. Cầu thủ chuyên môn kém, đạo đức thì xuống cấp trầm trọng, ra sân thì triệt hạ đá xấu, đá đau nhau mà các ông bầu cứ nâng giá mua về với giá trị tiền tỉ thì làm sao bóng đá tiến được. Người ta mua cầu thủ giá cao phải dựa vào giá trị, vào tư cách lẫn chuyên môn của cầu thủ chứ ai đời tại ông này mua cao nên tôi mua cao hơn. Chả trách gì bóng đá ta chuyên môn đi xuống, bạo lực tăng cao mà tiền thì cứ ngày một tăng cao và tốn kém cho những thứ xuống cấp ấy…”. NG.NGUYÊN thực hiện |
Theo Phapluattp.