Trận đấu trong khuôn khổ giải vô địch quốc gia Ai Cập đã biến thành tấm thảm kịch kinh hoàng khi sự thù địch đã khiến đám đông khán giả trên sân phát cuồng và lao xuống tham gia vào màn rượt đuổi, đánh đấm và giết chóc.
Chỉ vài giây sau khi trọng tài thổi còi kết thúc trận đấu với phần thắng 3-1 nghiêng về Al-Masry, hàng ngàn CĐV chủ nhà đã tràn xuống sân. Trong khi một số nhỏ vui mừng với chiến thắng, số đông còn lại truy đuổi, tấn công các CĐV, cầu thủ Al-Ahly.
Cả hai đội bóng đã phải cuống cuồng chạy trốn, trong khi cổ động viên hai bên lao vào ẩu đả. Một cầu thủ tham dự trận đấu mô tả là màn bạo lực tập thể này "giống hệt cảnh chiến tranh".
Al-Masry và Al-Ahly là hai đội bóng đối địch, từng có nhiều thù hằn trong quá khứ, dẫn tới nhiều lần đụng độ giữa CĐV hai bên trong vài năm gần đây. Hôm qua, theo nhiều nhân chứng, đám đông CĐV Al-Masry quá khích đã quây các CĐV khách lại trên sân và bên ngoài sân bóng, rồi ném đá và chai lọ vào những người này.
Cảnh hỗn loạn trên sân sau khi các CĐV quá khích của Al-Masry tràn xuống truy đuổi tấn công phía đội khách. Ảnh: AFP. |
Trong bản tin phát đi ngay sau vụ việc, đài truyền hình quốc gia cho biết có bảy người thiệt mạng. Con số này tăng lên thành 25 trong thông cáo của Bô Y tế Ai Cập một tiếng đồng hồ sau. Nhưng đến cuối ngày, theo các hãng thông tấn AP và Reuters, đã có tới 74 người chết.
Nhưng con số trên chắc chắn vẫn chưa phải là cuối cùng, bởi trong số hàng trăm người khác bị thương, có rất nhiều ca nghiêm trọng.
Hai ngôi sao của Al-Ahly là Mohamed Bakarat và Emad Meteb hôm qua đã thề "sẽ không bao giờ chơi bóng nữa" vì những gì đã chứng kiến sẽ ám ảnh họ trong suốt phần đời còn lại.
Cầu thủ Al-Ahly chạy thục mạng để thoát thân trước sự truy đuổi của CĐV. Cảnh sát chống bạo động có mặt nhưng bất lực. Ảnh: AFP. |
Tiền vệ Mohamed Aboutreika thì đổ lỗi cho lực lượng an ninh trên sân: "Thay vì cố gắng bảo vệ, họ đã bỏ mặc chúng tôi. Tôi tận mắt chứng kiến một CĐV chết ngay trong phòng thay đồ".
Chủ tịch LĐBĐ Ai Cập Samir Zaher cho biết đang cân nhắc khả năng hoãn giải vô địch quốc gia sau thảm kịch ở thành phố ven bờ Địa Trung Hải, Port Said hôm 1/2.
Đây là thảm kịch lớn nhất của thế giới bóng đá trong hơn 20 năm qua, tính từ khi 340 CĐV bỏ mạng trên san Luzhniki, Moscow, Nga vì hỗn loạn trong trận đấu Cup UEFA (tiền thân của Europa League hiện nay) giữa chủ nhà Spartak Moscow với đối thủ Hà Lan, Harlems năm 1989.
Theo Vnexpress