Tuấn Anh có tiền sử chấn thương từ những ngày còn tập luyện trong lò đào tạo trẻ HAGL và khoác áo ĐTQG U19. Người thầy của anh, ông Giôm, từng tiếc rẻ nói sự nghiệp của Tuấn Anh có lẽ đã lên một tầm khác hẳn nếu không bị những chấn thương làm gián đoạn.
Ông Giôm đúng là một người truyền giáo về bóng đá hơn là một HLV trực tiếp cầm quân. Ông dạy đám trẻ nhà bầu Đức những kỹ năng chơi bóng khác biệt so với phần còn lại của bóng đá nội, nhưng lại thiếu hẳn những thủ thuật để tự bảo vệ mình, nói theo Việt ngữ là “tránh đòn”.
Tuấn Anh sẽ phải trang bị kỹ năng gì để sống sót trước những pha phạm lỗi kiểu này? Ảnh: Quốc Bảo. |
Những thủ thuật kiểu ấy chỉ có được nhờ kinh nghiệm trận mạc, nhờ tích luỹ “đòn đau nhớ đời”. Nhưng với trường hợp của Tuấn Anh, khi anh biết thế nào là kinh nghiệm thì chiếc đầu gối đã nếm đủ mùi cay đắng và có thể không bao giờ hồi phục như cũ nữa.
Bác sĩ của tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2016 từng chia sẻ, đầu gối của Tuấn Anh bị tổn thương đến mức nó sẽ lão hoá nhanh hơn các phần còn lại của cơ thể từ vài năm đến cả chục năm. Hiểu một cách nôm na thì hao hao giống Rafael Nadal, mang cái đầu gối của người trên 40 tuổi trong khi thực tế anh mới bước sang ngưỡng 30.
Với một cái đầu gối mong manh như thế, Tuấn Anh dù có đạt điểm 8 trong bài kiểm tra thể lực kiểu châu Âu, cũng thật bất an khi trở lại V.League. Sứ mệnh của anh là trục vớt con tàu HAGL đang chao đảo trong nhóm cầm đèn đỏ, nhưng nỗi e ngại của anh là các “máy chém” luôn sẵn sàng loại anh khỏi cuộc chơi.
V.League mà người hâm mộ quen gọi là Võ League, có nhiều chuyện cười ra nước mắt. Ở đó, có những cầu thủ bị chấn thương mà không dám băng bó lúc ra sân, bởi đối thủ nhìn thấy và sẽ đá thẳng vào chỗ đau của anh ta. Ở đó, có những hậu vệ hay tiền vệ trụ mà nhiệm vụ của họ chỉ là đưa “đối tượng kèm” rời sân càng sớm càng tốt.
Cách đá của HAGL cũng là một nguyên nhân khiến cầu thủ đối diện với nguy cơ chấn thương cao hơn, vì họ nhanh, khéo và ngoài việc khiến đối thủ mất kiểm soát về chuyên môn, họ còn khiến đối thủ mất luôn kiểm soát về trạng thái. Nhiều đối thủ phạm lỗi để ngăn cản bàn thua, nhưng cũng nhiều đối thủ khác phạm lỗi để trả đũa hay dằn mặt.
Những người “chia bài” như Tuấn Anh lại càng là đích ngắm thường xuyên của những pha truy cản. Đúng luật, hoặc không. Nhưng đa số là sai luật. Phần nhiều là vào bóng từ phía sau. Và tất nhiên, đau nhất là lúc không phòng bị.
Bây giờ, người ta e ngại nhất ở Tuấn Anh là tâm lý “chim sợ cành cong”. Một cầu thủ vốn đã mệnh danh đôi chân pha lê, lại bước vào cái vòng quay khốc liệt của V.League thì khả năng toả sáng thực sự không nhiều.
Dù sao thì Tuấn Anh cũng còn trẻ, còn tương lai thật dài phía trước. Anh sẽ vẫn là niềm hy vọng của HAGL, của bầu Đức, của kỳ SEA Games tới và nhiều giải đấu khác nữa của tuyển Việt Nam… Chỉ mong anh lì lợm và dạn dĩ hơn, vì chơi bóng ở ta phải thế!
Nguyễn Tuấn Anh, sinh năm 1995, là tiền vệ xuất sắc của lò đào tạo trẻ CLB HAGL. Anh từng đoạt các danh hiệu cá nhân như cầu thủ xuất sắc nhất giải U19 Đông Nam Á 2013, cầu thủ trẻ hay nhất Việt Nam 2014, cầu thủ hay nhất CLB HAGL 2015... Mặc dù vậy, tài năng của Tuấn Anh bị hạn chế nhiều bởi các chấn thương dai dẳng. Năm 2012, anh bị vỡ sụn chêm và đứt dây chằng gối. Trước thềm SEA Games 2015, anh cũng bị tái phát chấn thương và phải chia tay U23. Tại AFF Cup 2016, anh cũng rời đội tuyển đúng vào ngày chốt danh sách cuối cùng vì không kịp hồi phục.
Theo Zing