Tờ Daily Mail đưa tin, sau cuộc họp kéo dài khoảng hơn 2 tiếng đồng hồ vào hôm 30/5, ông chủ Stan Kroenke (người nắm giữ 66.7% cổ phần Arsenal) và HLV Arsene Wenger đã đi đến quyết định sẽ để chiến lược gia người Pháp tiếp tục gắn bó với Pháo thủ thêm 2 năm.
Sở dĩ HLV Wenger vẫn được tin tưởng là bởi những đóng góp rất lớn cho đội chủ sân Emirates trong hơn 20 năm qua. Theo đó, cộng với chức vô địch FA Cup mà Arsenal vừa giành được, Wenger sẽ được trao thêm cơ hội để vực dậy đội bóng.
Tuy nhiên, Wenger phải cam kết với BLĐ Arsenal rằng, ông cần phải tỏ ra quyết đoán hơn trong kỳ CN mùa Hè năm nay. Ngoài ra, giới thượng tầng chủ trương duy trì mức lương hiện tại, thì bản thân HLV Wenger lại yêu cầu được tăng lương bởi ông đang bước vào những năm cuối sự nghiệp.
Nhà cầm quân 67 tuổi người Pháp hiện đang là HLV hưởng lương cao thứ tư thế giới với 8,3 triệu bảng/năm, xếp sau Pep Guardiola, Jose Mourinho và Carlo Ancelotti.
Wenger sẽ ở lại Arsenal thêm 2 năm. |
Nhưng dù tiếp tục dẫn dắt Arsenal, liệu chiến lược gia người Pháp này có thể đưa “Pháo thủ” lên đỉnh cao hay không với những triết lý đã lỗi thời của mình.
Triết lý của Wenger là: trong hàng tỷ con người sống trên hành tinh, không ai hoàn toàn giống ai. Trong suy nghĩ của Wenger, mọi cầu thủ trên đời đều có sở trường riêng. Và trong “cặp mắt xanh” lão luyện của Wenger, chỗ sở trường ấy luôn được phát hiện và vun đắp sao cho phát huy tác dụng đến mức rực rỡ.
Wenger thấy rõ khả năng đá trung phong của một Thierry Henry tầm thường mà số đông chỉ quan sát trong hình hài một cầu thủ đá cánh. Ông biến hậu vệ biên Emmanuel Petit thành tiền vệ trụ xuất sắc. Wenger phát hiện - từ trước khi cả cái lò đạo tạo La Masia kịp thấy - tài năng rực rỡ của cậu bé 16 tuổi Cesc Fabgregas.
Nhưng Wenger không phải là chiến thuật gia lỗi lạc, cũng đâu có xuất sắc về chiến lược đường dài cần có trong thời buổi này. Cặp mắt xanh của ông, từng là “của hiếm”, giờ lại thất thế trước quỹ chuyển nhượng hàng trăm triệu bảng hoặc ngân hàng dữ liệu vô tận của các hãng thống kê như Opta.
Bây giờ, cứ hễ có tiền là các “siêu CLB” có luôn “cặp mắt Wenger” để tha hồ chiêu mộ anh hào. Mà dù có chọn nhầm người, họ lại mua ngôi sao khác thay thế.
Wenger từng là tượng đài trong làng huấn luyện. Ông thuộc mẫu HLV làm việc bằng triết lý, như Pep Guardiola. Mà triết lý thì khó thay đổi, thậm chí không thể thay đổi.
Triết lý càng vĩ đại thì đến lúc lỗi thời, hoặc gặp phải môi trường không phù hợp, nó càng trở thành vật cản trên đường dẫn tới thành công. Đấy là một trong những cách giải thích vì sao Arsenal đã không còn khả năng tranh ngôi vô địch Premier League trong hơn chục năm.
Đâu thể nào đưa Premier League, Champions League, hoặc bóng đá đỉnh cao nói chung, quay về với cái thời kỳ chuyển giao thiên niên kỷ, để cách huấn luyện của Wenger trở nên phù hợp, thậm chí là độc đáo!
Theo Đất Việt