Từ chuyện Khaisilk đến bầu Hiển và V.League đang bán gì

Thứ bảy, 28/10/2017, 09:04
Bóng đá Việt đang mất dần khán giả. Khi không tạo dựng được niềm tin, V.League dù bán với giá nào cũng là đắt, và chuyện vắng khách là có thể hiểu được.    

Sau 30 năm buôn may, bán đắt, doanh nhân Hoàng Khải mới đây phải thừa nhận đã lấy lụa “Made in China” đem về bán với nhãn mác “Made in Vietnam”. Mức giá dĩ nhiên bị đội lên trời, một chiếc khăn lụa Trung Quốc chỉ từ vài chục tới hai trăm nghìn, khi bán dưới thương hiệu “Khaisilk”, giá lập tức lên tới vài trăm nghìn, thậm chí vài triệu đồng.

Khách hàng vẫn rất đông, cả trong lẫn ngoài nước. Tiền bán khăn lụa Khaisilk đã đem lại gia tài kếch xù, với hàng loạt bất động sản, xe sang… cho ông Hoàng Khải. Ở giai đoạn rực rỡ nhất, ông chủ Khải Silk từng nổi tiếng với nhiều phát ngôn để đời về bí quyết kinh doanh.

Trong số gồm cả tuyên ngôn, cái ông đem bán cho khách hàng là niềm tin, chứ không phải chỉ là cái khăn lụa. Quả tình nếu không có niềm tin vào thương hiệu Khaisilk, khó có người khách nào lại chấp nhận bỏ ra vài triệu để mua một chiếc khăn mà chất lượng chỉ là… đồ Tàu.

Việc doanh nhân Hoàng Khải thừa nhận bán hàng Trung Quốc khiến nhiều người mất lòng tin vào thương hiệu Việt.

Tới đây lại nghĩ tới bóng đá Việt, đang trầy trật trên con đường lên chuyên. Nếu coi các trận đấu ở V.League là một sản phẩm để bán, thì giải đấu cao nhất cấp quốc nội đang trong tình trạng ế khách. Nhiều trận đấu, số lượng khán giả chỉ vài trăm, phần còn lại là khoản trống mênh mông trên khán đài.

Có nhiều lý do giải thích cho tình trạng này, từ chất lượng giải đấu kém, công tác tổ chức, điều hành yếu, trọng tài hay mắc sai sót…Nhưng vấn đề lớn nhất của bóng đá Việt Nam trước đây và hiện nay, có lẽ là niềm tin. Người hâm mộ-những “khách hàng” của bóng đá - đến sân mà luôn trong tình trạng không biết mình được “ăn” hàng xịn hay hàng “fake”.

Không phải CLB nào cũng có lượng khán giải đến sân đông đảo như Hải Phòng. Ảnh: Tùng Lê.

Luôn có những nghi ngờ về tính trung thực của trận đấu. Đơn cử như việc thuê trọng tài ngoại điều khiển các trận đấu nóng ở V.League. BTC giải và cả Ban trọng tài đều thừa nhận rằng, trình độ trọng tài ngoại chưa chắc hơn các đồng nghiệp Việt Nam, nhưng việc này (dù tốn tiền) vẫn phải làm để giải quyết khâu tâm lý cho các đội bóng (và có lẽ cả CĐV).

Với cùng một sai sót có thể xảy ra, trọng tài ngoại dễ dàng được bỏ qua nhưng các trọng tài nội có thể hứng chịu chỉ trích, búa rìu dư luận rất nặng nề, bị phán xét về động cơ. Đây rõ ràng là vấn đề niềm tin.

Hay như câu chuyện khác liên quan tới các đội bóng của ông bầu Đỗ Quang Hiển. Xét về thực lực, CLB Hà Nội hay SHB Đà Nẵng đều là những đội bóng có lực lượng mạnh, lối chơi có bản sắc riêng (với CLB Hà Nội), được dẫn dắt bởi các HLV giỏi.

Không phải ngẫu nhiên trong 8 mùa giải gần nhất, hai đội bóng này đã đem về cho bầu Hiển tới 5 cúp Vô địch V.League, chưa kể các danh hiệu khác. Riêng CLB Hà Nội đã ba lần đăng quang ngôi số 1 V.League. Tuy nhiên, thành công của đội bóng thủ đô phần nào bị giảm bớt danh giá do những nghi ngờ về mối quan hệ giữa các đội bóng cùng chịu ảnh hưởng từ bầu Hiển, trong đó có CLB Hà Nội, SHB Đà Nẵng, Sài Gòn FC hay Quảng Nam.

Đằng sau đó là những câu chuyện làm ăn không dính dáng tới bóng đá. Tới chừng nào câu chuyện này chưa được minh bạch, thì chừng nó những nỗ lực của HLV và cầu thủ các đội bóng này sẽ khó có thể được thừa nhận tuyệt đối. Đấy cũng là thiệt thòi của chính họ.

Khi V.League chưa tạo được niềm tin cho khán giả, thì chuyện ế ẩm sẽ vẫn dài dài. Dĩ nhiên, niềm tin cần được tạo dựng trên cơ sở những sản phẩm trung thực. Hãy chấp nhận rằng với điều kiện của Việt Nam hiện nay, V.League khó có thể theo kịp chất lượng của những Thai-League hay K.League, J.League…chứ chưa nói xa xôi tới Premier League hay La Liga, Serie A. Khán giả Việt cần trước hết những trận cầu thật, để có thể hết mình với trái bóng mà không sợ bị lừa.


Khán đài sân Thiên Trường, Nam Định được lấp đầy trong trận đấu quyết định tấm vé thăng hạng V.League 2018 của đội nhà.

Chứ như Khaisilk, đến giờ này khi khách hàng đã biết chỉ là “Made in China”, thì thiệt hại thật khó đong đếm, nhất là những giá trị phi vật chất. Điều này thì chính doanh nhân Hoàng Khải cũng phải thừa nhận.

Theo Zing

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích