Năm 1993, LĐBĐ châu Á (AFC) đã ký một bản hợp đồng kéo dài 20 năm với đối tác World Sport Group (WSG). Theo đó, WSG sẽ là đối tác độc quyền thương mại đối với những giải bóng đá do AFC tổ chức từ năm 1993 đến năm 2013. Đến tháng 11 năm 2009, WSG “nhanh tay” ký tiếp với AFC một bản thỏa thuận tiếp tục kéo dài bản hợp đồng trên thêm 7 năm nữa (từ năm 2013 đến năm 2020).
Với bản hợp đồng này, WSG đã được AFC nhượng lại toàn bộ thương quyền và hình ảnh để khai thác độc quyền và kinh doanh toàn bộ các giải đấu do AFC tổ chức, trong đó có giải AFC Asian Cup năm 2015 và 2019, AFC Champions League, vòng loại Asian FIFA World Cup 2014 và 2018, và vòng loại Olympic châu Á năm 2016 và 2020.
Vụ tranh cãi bản quyền truyền hình giữa VPF và AVG không phải là duy
nhất trong làng thể thao thế giới
Ngay cả cơ quan quyền lực cao nhất của bóng đá thế giới là FIFA tuy chưa từng ký một bản hợp đồng nào kéo dài 20 năm như vậy. nhưng mới đây cũng đã ký một bản hợp đồng khác cũng có thời hạn tương đối dài (10 năm). Đó là bản hợp đồng mà FIFA ký với Interpol từ năm 2011 đến năm 2020 nhằm mục tiêu xóa bỏ nạn cá độ bất hợp pháp và dàn xếp tỉ số trận đấu của giới xã hội đen.
Không chỉ trong bóng đá mà ngay cả ở môn đua xe đạp, vào thập kỷ 90 của thế kỷ trước, đài truyền hình Special Broadcasting Service (SBS) đã từng mua độc quyền trong 20 năm (từ năm 1990 đến năm 2010) để phát sóng trực tiếp trên hệ thống truyền hình miễn phí (Free to Air) giải đua xe đạp Tour de France tại thị trường Australia. Sau đó, bản hợp đồng trên còn được kéo dài thêm 7 năm tiếp theo, khi SBS tiếp tục mua bản quyền phát sóng cho đến tận năm 2017.
Theo Thethaovanhoa