Đừng tưởng World Cup 'dễ ăn'

Thứ sáu, 08/06/2018, 12:56
Đầu tư hơn chục tỷ USD để tổ chức World Cup 2018, Nga hy vọng giải đấu sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, 1 tuần trước ngày khởi tranh, nhiều yếu tố đe dọa mục tiêu tài chính của nước chủ nhà.

Kỳ vọng vào World Cup

Ngân sách chính thức được phê duyệt cho công tác tổ chức World Cup 2018 của Nga là 678 tỷ rúp, tương đương khoảng 11,6 tỷ USD. Con số này ít hơn nhiều so với dự kiến 20 tỷ USD, chỉ bằng 1/5 ngân sách nước Nga chi cho Thế vận hội mùa Đông Sochi 2014 (49,5 tỷ USD), và kém 15 triệu USD so với Brazil 2014.

Khoảng một nửa khoản chi của nước Nga cho World Cup được đổ vào xây mới cơ sở hạ tầng. Có 12 sân vận động ở 11 thành phố đăng cai World Cup. Trong đó, chỉ 3 sân Luzhniki, Yekaterinburg và Sochi được cải tạo, còn lại 9 sân được xây mới hoàn toàn.

Nga đã chi 5,7 tỷ USD, khoảng một nửa ngân sách của họ, cho việc cải tạo hạ tầng. Các hạng mục được chú trọng nhất là cải tạo sân bay, đường sá; xây mới và cải tạo hệ thống đường sắt; xây thêm khách sạn phục vụ du khách ở những thành phố đăng cai…

Các chuyên gia kinh tế dự báo World Cup sẽ đóng góp 0,15-0,25% GDP cho Nga. Người ta tính du khách cổ vũ bóng đá tiêu nhiều gấp đôi du khách ngắm cảnh. Vì vậy, các ngành dịch vụ, du lịch, tiêu dùng nhanh như nhà hàng, khách sạn, dịch vụ lưu trú sẽ hưởng lợi. Với dự kiến có khoảng 2 triệu khách tới Nga xem World Cup, nước chủ nhà thu về 2,5-4 tỷ USD từ du lịch.

Hàng ngàn việc làm mới được tạo ra sẽ giúp phục hồi phần nào nền kinh tế đang u ám vì các lệnh trừng phạt và cuộc khủng hoảng tài chính từ năm 2014 của Nga. Các công việc phục vụ, vận chuyển, thương mại và buôn bán sẽ gia tăng, ít nhất trong khoảng thời gian diễn ra World Cup.

Trong khi đó với FIFA, World Cup là nguồn thu chính, phục vụ cho hoạt động của họ trong cả chu kì 4 năm. Trong giai đoạn tài chính 2011-2014, FIFA kiếm 4,826 tỷ USD từ World Cup, trong khi toàn bộ các giải đấu khác trong hệ thống của tổ chức này chỉ mang về 311 triệu USD. Miếng bánh World Cup chiếm 84% doanh thu của FIFA.

Ở World Cup 2018, FIFA đặt mục tiêu kiếm… 6 tỷ USD. Nếu làm được, nó là một cột mốc lịch sử. Không chỉ đánh bại doanh thu tại World Cup 2014, nó còn “đè bẹp” doanh thu của tổ chức này tại Nam Phi 2010 (631 triệu USD) và Đức 2006 (700 triệu USD).

Không tìm đủ nhà tài trợ, bị đe dọa tẩy chay

Tháng 12/2010, Nga chính thức giành quyền đăng cai World Cup 2018. Nền kinh tế Nga lúc ấy còn sáng sủa. Nhưng sau đó, cuộc khủng hoảng tài chính khiến giá dầu lao dốc, đồng rúp mất giá, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. “Tình hình rất phức tạp, các đối tác của chúng tôi đang khủng hoảng”, ông Philippe Le Floc’h, Giám đốc Marketing của FIFA than thở cuối năm 2016.

FIFA sau đó không thể kiếm đủ nhà tài trợ. Đầu tiên, họ tìm thêm 12 đơn vị để cùng với hãng Adidas và Coca-Cola trở thành 14 đối tác tại giải. Tìm mãi không ra, FIFA quay sang cầu cạnh những tập đoàn kinh tế nhà nước của Nga và Trung Quốc. Nhưng sự kiện Crimea khiến việc giao thương quốc tế của hàng loạt tỷ phú và các tập đoàn lớn của Nga bị ảnh hưởng. Trước đó, các công ty lớn của Mỹ, Nhật Bản, Đức và Anh quay lưng với việc gia hạn hợp đồng tài trợ sau World Cup 2014. Cuối cùng, FIFA đành hài lòng với con số 7 đối tác, tức là bằng một nửa dự kiến ban đầu.

Sự kiện cựu điệp viên Nga và con gái bị đầu độc tại Anh khiến Anh, Iceland, Thụy Điển, Đan Mạch, Australia và Nhật Bản tuyên bố tẩy chay World Cup. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến việc thu hút nhà tài trợ, số lượng cổ động viên đến Nga. Đó là chưa kể tình trạng phân biệt chủng tộc, kỳ thị người đồng tính tại Nga nói chung và các sân cỏ nước Nga nói riêng rất phổ biến. Nó khiến nước chủ nhà đau đầu, trong vấn đề an ninh, và thu hút du khách.

Tiền bản quyền truyền hình cũng bị sụt giảm vào năm nay. Sự thiếu vắng những đội tuyển lớn như Italia là thiệt hại đáng kể. Chỉ với việc Italia không được dự World Cup, FIFA đã mất trắng 100 triệu USD tiền bản quyền truyền hình. Azzurri bị loại ngay trước khi các đại lý của FIFA chốt giá bản quyền truyền hình với Mediaset - hãng truyền thông của Italia. Sau đó, đại lý của FIFA đã bị ép giá, và đành phải bán rẻ cho hãng này hơn mọi năm.

Theo Bongdaplus

Các tin cũ hơn