Chỉ từ sau khi thanh tra Bộ VH-TT&DL kết luận hợp đồng bản quyền đúng luật thì AVG mới chính thức họp báo đăng đàn giải thích và trình bày với lời lẽ của một người quân tử.
Tất cả vì người hâm mộ và thể thao Việt Nam
Trong phần trình bày quan điểm của mình, Chủ tịch HĐQT AVG Phạm Nhật Vũ khẳng định "Truyền hình An Viên sẽ đồng hành cùng thể thao Việt Nam”, và “AVG sẵn sàng hợp tác với bất kỳ đối tác nào nếu họ có những kế hoạch, mục tiêu và hành động thực sự vì bóng đá Việt Nam. Không người xem truyền hình nào bị ảnh hưởng bởi hợp đồng giữa VFF và AVG, mà ngược lại mọi người đang có nhiều lựa chọn hơn, được xem truyền hình chất lượng tốt hơn với độ phủ sóng rộng hơn”.
Để minh chứng những điều trên không phải là lời nói suông, AVG cam kết chia lợi nhuận thu được từ kinh doanh thương quyền truyền hình cho VFF lĩnh vực thể thao khác cụ thể theo các mức: VFF 30%, Quỹ hỗ trợ VĐV 30%, thể thao thành tích cao 20%, thể thao quần chúng 20%.
Nếu AVG làm theo đúng cam kết như Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ nói thì quả là người hâm mộ và thể thao Việt Nam đang được hưởng lợi nhiều nhất. Không biết AVG có thực hiện đúng theo những gì mà ông Chủ tịch HĐQT khẳng khái tuyên bố hay không nhưng có thể thấy được phần nào con đường tươi sáng cho thể thao nước nhà.
AVG cam kết sẽ chia sẻ bản quyền truyền hình với mọi đài truyền hình
VPF có quan điểm riêng
Cuộc họp báo chiều qua của AVG không có sự tham dự của các quan chức VPF vì lý do bận, tuy nhiên hôm nay (21-2) đại diện VPF sẽ làm việc trực tiếp với phía AVG. Theo như quan điểm cứng rắn của cả hai phía thời gian qua, đặc biệt là phía VPF thì có lẽ hai bên sẽ khó tìm được tiếng nói chung.
Dự báo cuộc gặp giữa VPF và AVG sẽ tiếp tục xoay quanh vấn đề quyền lợi và mục đích trong việc bỏ tiền mua lại thương quyền của các giải bóng đá cao nhất Việt Nam. AVG chắc chắn sẽ không thể tránh khỏi những câu hỏi khá hóc búa của “bầu” Kiên khi hợp đồng thương quyền truyền hình có thực sự vì sự phát triển của bóng đá Việt Nam hay không.
Được biết, VPF sẽ tiếp tục tiến trình của mình bằng cách làm việc với Tổng cuc TDTT để được giao quyền tổ chức các giải đấu. Bởi vì Super League 2012 tuy đã diễn ra được 6 vòng đấu nhưng VPF vẫn mang tiếng là tổ chức chui, không có giấy phép hoạt động. Bên cạnh đó, việc VPF rất cần bây giờ là được nhanh chóng ban hành các Quy chế, Điều lệ của riêng mình để điều hành giải đấu theo tính chất văn bản pháp quy mà lâu nay BTC giải buộc phải có.
Sau kết luận của thanh tra Bộ VH-TT&DL về bản quyền truyền hình, không có nghĩa là VPF chịu lép vế. Theo “bầu” Kiên thì ông sẽ và vẫn tiếp tục khiếu nại lên cơ quan cấp cao hơn để đòi lại sự công bằng cho các CLB và BĐVN.
Minh Phước(TH)